Lại nhớ những lần gặp Phú Quang, ông chẳng nói gì về âm nhạc chỉ nói chuyện về gia đình, về các con.
“Tôi vẫn quan niệm rằng, con cái như những người bạn. Khi còn nhỏ, nếu nó đi chệch hướng thì mình chỉ cho nó, chứ đừng bế nó vào con đường mình muốn…”, nhạc sĩ Phú Quang bày tỏ.
Phú Quang kể: “Hồi học lớp 2, con tôi nhờ giải bài toán khó. Tôi nói với con hồi trước bố học giỏi nhất nhì trường Đống Đa ( Hà Nội ); hai bài toán của con bố làm mẫu hai phút là xong vậy mà con loay hoay từ tối chưa xong. Bây giờ 10 giờ rồi, bố cho con làm đến 12 giờ cho xong. Con tôi bảo, nếu con không làm được, ngày mai con đến lớp được 1 điểm thì sao? Tôi nói, làm không xong thì chịu điểm 1 là đúng. Nói thế nhưng con tôi cũng quyết tâm làm xong bài toán”.
Trò chuyện với Phú Quang, tôi hiểu thêm nhiều điều về người nhạc sĩ tài hoa này. Thân sinh nhạc sĩ Nguyễn Phú Quang là cụ Nguyễn Phú Bình – một nhà nho, làm nghề dạy học vốn quê ở Sơn Tây. Gia đình cụ giàu có, trong nhà có nhiều người giúp việc. Theo nhạc sĩ, cụ là một lãng tử, có lẽ tính cách nghệ sĩ của Phú Quang cũng bắt đầu từ đó chăng?
Phú Quang còn có một người anh tên là Hoàng Trạch cũng rất nghệ sĩ, chơi đàn ghi-ta vọng cổ, đàn kìm và kéo nhị rất hay.
Nhạc sĩ Phú Quang kể nhiều điều về người mẹ thân yêu của mình, cụ Mai Thị Chi. Cụ là con một viên quan huấn đạo (như giám đốc Sở Giáo dục đào tạo bây giờ) với 10 lần sinh nở mà Phú Quang là con út. Cụ dạy các con bằng những câu hát, những bài thơ. Phú Quang kể mỗi lần muốn nhắc nhở con, muốn khuyên con hay bảo ban con điều gì đó, cụ lại đọc một câu thơ, một câu ca dao hay tục ngữ phù hợp với nội dung, hoàn cảnh và những điều mà người mẹ muốn nói.
Nhạc sĩ Phú Quang. T.L
“Tôi cũng rất yêu thơ”, Phú Quang bảo tôi. Phải, những làn điệu cũng như lời bài hát của Phú Quang đều là thơ, nhiều bài thơ hay được Phú Quang phổ nhạc. Có lẽ những bài hát, những vần thơ, những câu ca dao mà người mẹ dạy con giờ đã thấm vào máu thịt, vào tâm hồn đầy rung cảm của của người nhạc sĩ đa tình, đa cảm này. Và cũng có thể vì thế mà tôi thường xuyên nghe nhạc Phú Quang chăng?
“Năm tôi sáu tuổi, một lần do mải chơi, khi mẹ gọi về lại nói hỗn câu gì đó nên mẹ nổi giận, cầm cái đũa cả quất vào mông. Đó là lần duy nhất mẹ tôi đánh con. Đánh xong, mẹ ngồi khóc. Tôi không bao giờ quên hình ảnh đó…”, nhạc sĩ Phú Quang thổ lộ. Tôi bỗng nhớ tới bài hát của Phú Quang viết về mẹ mà sáng nay tôi vừa nghe trong đĩa nhạc anh tặng tôi. Một bài hát khiến tôi trào nước mắt: trong cuộc đời vô thường này, chỉ có mẹ là người không bao giờ phản bội…
Khi biết tôi đang viết những bài báo về gia đình những người nổi tiếng, một người bạn đã bảo: “Nên viết về Phú Quang, các con của Phú Quang giỏi lắm”. Tôi cũng nghe nói về cô con gái đầu của Phú Quang là Nguyễn Trinh Hương học giỏi, thi đậu vào nhạc viện danh tiếng Tchaikovsky. Mãi gần đây tôi mới biết Trinh Hương đã tốt nghiệp nhạc viện danh tiếng này, giờ là tiến sĩ, vợ của nghệ sĩ violon tài năng Bùi Công Duy. Trong một bài trả lời phỏng vấn, Bùi Công Duy cho hay, khi Duy vào học năm đầu của Nhạc viện Tchaikovsky thì Trinh Hương đã học kỳ cuối năm thứ tư của nhạc viện. Tuy hơn nhau 6 tuổi nhưng họ sống rất hạnh phúc. “Tôi thấy hãnh diện với vợ mình . Cô ấy bảo trong gia đình một người nổi tiếng là đủ rồi, cô ấy thích đứng ở phía sau hơn”, Bùi Công Duy tâm sự.
Những người con của nhạc sĩ Phú Quang như Nguyễn Trinh Hương sinh năm 1975, giờ là tiến sĩ, một một nghệ sĩ dương cầm có tiếng; Nguyễn Giáng Hương sinh năm 1982, giờ đi theo con đường kinh doanh; Nguyễn Phú Vương sinh năm 1990 tốt nghiệp đại học xuất sắc ở Singapore và cả người con riêng của vợ anh hiện nay đều học hành giỏi giang, đều là những người có danh vị, đều sống bằng chính tài năng, lao động bằng khả năng thực sự của mình.
“Tôi yêu bốn đứa con như nhau, luôn chơi với con như người bạn lớn, tôi không bao giờ đánh con, không bế ẵm con vào đời… Tôi từng cho đứa con trai nhỏ đi học piano, cháu học khá, nhưng một lần người giúp việc đưa con đi, khi về có nói với tôi rằng cháu thích học vẽ hơn học đàn. Tôi hỏi cháu. Khi con tôi khẳng định đúng điều này, tôi cho con nghỉ học đàn piano luôn vì tôi nghĩ rằng không có tình yêu say đắm thì không thể đạt đỉnh cao; mà nghề này không đạt đỉnh cao là khổ…”.
Nhạc sĩ Phú Quang là một nghệ sĩ thông minh và tôi rất thích ở anh tính thẳng thắn, không quanh co úp mở, sẵn sàng bày tỏ quan điểm của mình và rất ghét mọi sự bất công.
Phú Quang đã nói ra những điều mà nhiều người ngại nói: “Tôi hiểu ra một điều nữa là ai cũng yêu vinh quang nhưng rất ít người yêu lao động để làm ra vinh quang, bởi vì để có vinh quang, lao động rất cực nhọc. Tôi không bao giờ trách móc vợ hay những người yêu. Họ luôn mong muốn người chồng một cái gì đó: chỉn chu, đúng mực; mà người sáng tác luôn ở trạng thái không bình thường nên nhiều khi có câu đùa: lấy nghệ sĩ là lấy người dở hơi. Rất khó có người phụ nữ chấp nhận lấy chồng dở hơi”.
Nhạc sĩ Phú Quang kể một chuyện về con khi con anh học lớp hai hay lớp ba gì đó. Thấy con có thái độ chán nản, buồn bã, Phú Quang tìm hiểu nguyên nhân mới biết con anh vì không đi học thêm ở nhà cô giáo nên bị cô “trù”. Bài do chính con anh làm, bạn chép lại thì được 10 điểm, còn con anh thì cô cho 1 điểm. Sau khi biết đó là sự thật, anh đến nói thẳng với cô giáo cho đó là sự bất công rồi xin chuyển con mình sang học lớp khác.
“Với các con, tôi luôn đi bên cạnh, chỉ đi bên cạnh mà không nắm tay dắt đi từng bước; khi con loạng choạng hay vấp ngã thì mình đỡ nó dậy. Vấn đề là không phải mình dạy con điều gì, vấn đề quan trọng là khi các con lớn lên sẽ làm được gì trong cuộc đời. Tôi an tâm với các con mình vì các con tôi sống đàng hoàng, sống bằng tài năng thực lực của mình. Tôi cho rằng, nếu không có tài thì đến 99% khổ luyện cũng không thể trở thành tài năng thực sự được. Sống ở đời, có thế có người yêu mình, có người ghét mình, nhưng mình sống sao để không ai có thể coi thường được mình, kể cả khi mình đối diện với chính bản thân. Tôi luôn nói với các con rằng hạnh phúc nhất của con người là được sống trong tình yêu thương của mọi người”.
Nhạc sĩ Phú Quang sinh năm 1948 tại Cẩm Khê (Phú Thọ) nhưng trong giấy khai sinh là năm 1949, Phú Quang bảo vậy. Gia đình anh đi theo kháng chiến nhưng quê gốc ở Hà Nội. Anh tốt nghiệp nhạc viện Hà Nội chuyên ngành chỉ huy dàn nhạc.
Năm 37 tuổi, anh vào TP.HCM lập nghiệp. Tuy là một chuyến đi “ bất đắc dĩ” nhưng có lẽ nhờ chuyến đi này mà anh đã có nhiều bài hát nhớ về Hà Nội da diết, cảm động, sâu sắc. Người ta bảo Phú Quang “bán cả Hà Nội cho âm nhạc” là vậy. Năm 59 tuổi, Phú Quang trở về Hà Nội, anh thành lập “công ty hỗ trợ và phát triển nghệ thuật” với phương châm: vui là chính, kiếm tiền là chủ yếu!
Phú Quang cho rằng: “Hạnh phúc là những khoảnh khắc ngắn ngủi, nó sáng và trong như pha lê nhưng rất mỏng manh và dễ vỡ”. Khi Phú Quang nói với tôi câu này, bất chợt tôi nhìn sang người vợ trẻ, đẹp hiện nay, cũng là con một nhà văn và tôi hiểu vì sao người nhạc sĩ đa tình này lại rất yêu vợ con.
Tôi quen biết Phú Quang đã lâu. Tôi cũng thích nghe nhạc Phú Quang vì rất giàu chất thơ. Những bài hát Phú Quang sáng tác về Hà Nội như Em ơi, Hà Nội phố, Im lặng đêm Hà Nội, Hà Nội ngày trở về, Chiều phủ Tây Hồ… thực sự đã tạo nên bản sắc của âm nhạc Phú Quang.
Mấy hôm nay, tôi nghe trọn nhiều tình khúc của Phú Quang qua những đĩa CD mà anh tặng tôi, tôi có cảm nhận rằng âm nhạc Phú Quang thấm đượm một nỗi buồn. Một nỗi buồn về tình yêu, một nỗi buồn tinh khiết, một nỗi buồn day dứt, một nỗi buồn khát khao, nỗi buồn chân thực và như là nỗi buồn muôn thủa của người nghệ sĩ…
Theo Dương Kỳ Anh/TNO