Phân khúc nhà ở thương mại giá bình dân đang ngày càng khan hiếm trên thị trường bất động sản, khiến nhiều người dân tại TP. Hà Nội khó có cơ hội sở hữu.
Nguồn cung thiếu thốn
Ghi nhận thực tế của Lao Động cho thấy, nhiều người dân có thu nhập trung bình, thấp trên địa bàn TP.Hà Nội đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận nhà ở thương mại giá bình dân. Trường hợp, nếu có nhu cầu sở hữu thì họ buộc phải bỏ ra với số tiền chênh lệch khá cao, mua lại từ các bên trung gian.
Cụ thể, giá nhà ở thương mại trên địa bàn TP. Hà Nội như quận Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Cầu Giấy… đang rơi vào khoảng 28 – 35 triệu đồng/m2. Trong bối cảnh dịch COVID-19, kinh tế khá khó khăn, thu nhập của đại bộ phận người lao động chỉ đủ đảm bảo cuộc sống. Không phải người mua nhà nào cũng đủ tiềm lực tài chính để sở hữu căn hộ theo mức giá do chủ đầu tư đề xuất.
Làm việc tại Hà Nội gần 10 năm nay, gia đình anh Trần Văn Minh (sinh năm 1980, quê Hưng Yên) nhiều lần có ý định tìm mua nhà ở để sớm ổn định cuộc sống. Tuy nhiên, đến nay, gia đình anh Minh vẫn chật vật tìm kiếm nhà ở thương mại phân khúc bình dân trong nội thành Hà Nội.
Anh Minh chia sẻ: “Vợ chồng tôi ở nhà thuê gần 10 năm nay, có con nhỏ, rất cần nhà ở để ổn định. Gia đình dành dụm được gần 600 triệu đồng. Nếu vay mượn thêm người thân, bạn bè có thể gom góp được khoảng 700 triệu đồng nữa. Tài chính gia đình có hạn, mục tiêu là sở hữu một căn nhà ở thương mại nhưng đến giờ vẫn chưa mua được”.
Đồng cảnh ngộ, chị Trịnh Thu Hương (SN 1985, huyện Chương Mỹ) có kế hoạch mua nhà ở tại Hà Nội với tài chính từ 1 – 1,5 tỉ đồng từ hồi đầu năm. Tuy nhiên, sau nhiều lần săn lùng thất bại, giá nhà ở không có dấu hiệu giảm nhiệt, chị Hương buộc phải dời ý định mua nhà hết lần này sang lần khác.
Lệch pha cung cầu
Do khan hiếm nguồn cung, một số dự án nhà ở thương mại dành cho người thu nhập thấp gần đây trên địa bàn thành phố Hà Nội cũng đang được rao bán với mức giá tăng mạnh so với hồi đầu năm.
Nhu cầu thực tiễn rất lớn, trong khi mặt bằng chung nhà ở thương mại đều tăng giá đã gây áp lực không nhỏ đến khả năng tiếp cận của đại đa số tầng lớp người dân, đặc biệt những người có mức thu nhập trung bình, thấp. Trong khi thị trường bất động sản đang ngập tràn những phân khúc hạng sang, có giá vài chục tỉ đồng nhưng bỏ trống.
Theo Savills Hà Nội, trong điều kiện COVID-19 như hiện nay, về lý thì giá nhà sẽ có sự sụt giảm nhưng thực tế giá vẫn tăng. Điều này không riêng gì ở Việt Nam, nhiều quốc gia trên thế giới cũng nằm trong xu hướng.
Đánh giá của Bộ Xây dựng trong hội nghị tổng kết ngành năm 2021 cho thấy, thị trường bất động sản hiện nay đang trong tình trạng lệch pha cung cầu, nhu cầu về nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đang rất bức thiết nhưng rất ít những dự án đầu tư cho phân khúc này.
Đáng chú ý, chỉ số giá xây dựng tăng 4,34% so với cùng kỳ năm 2020 và chỉ số giá giao dịch một số loại bất động sản so với cùng năm trước tăng khoảng 3,1%.
Ông Lê Hoàng Châu – Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh cho rằng, điều cần thiết hiện nay là Bộ Xây dựng và các cơ quan quản lý Nhà nước cần đẩy mạnh tháo gỡ vướng mắc trong cơ chế chính sách để tạo ra nguồn cung sản phẩm mới thật dồi dào cho thị trường. Đồng thời, chú trọng phát triển nhà ở thương mại bình dân, nhà ở xã hội để tăng thanh khoản, từng bước khôi phục thị trường và cân bằng cơ cấu thừa hàng cao cấp, thiếu hàng bình dân.
Thực tế trong bối cảnh các thủ tục pháp lý cho một dự án bất động sản còn khá phức tạp, giá đất đầu vào tăng cao, các doanh nghiệp khi đã được giao dự án sẽ có khuynh hướng phát triển các phân khúc trung cao cấp, đem lại biên lợi nhuận hấp dẫn hơn là các dự án nhà ở thương mại có mức giá bình dân.
Theo Laodong.vn