Mục tiêu của liều bổ sung này là tối ưu hóa hoặc tăng cường đáp ứng miễn dịch để thiết lập mức hiệu quả bảo vệ đủ để chống lại COVID-19.
Những người trước khi tiêm vaccine phòng COVID-19 đều được rà soát, kiểm tra sàng lọc. (Ảnh: TTXVN)
Theo thông tin từ Bộ Y tế, từ 16h ngày 1/1 đến 16h ngày 2/1, Hệ thống Quốc gia quản lý ca bệnh COVID-19 ghi nhận 16.948 ca mắc mới, trong đó 34 ca nhập cảnh; 16.914 ca ghi nhận trong nước (tăng 2.092 ca so với ngày trước đó) tại 63 tỉnh, thành phố; có 11.948 ca trong cộng đồng.
Hà Nội đã bước qua con số 2.000 ca trong một ngày và vẫn là địa phương có số mắc cao nhất cả nước. Trong ngày 2/1, số ca mắc của Hà Nội là 2.045 ca, tiếp đó là Hải Phòng (1.804 ca), Vĩnh Long (1.280 ca), Tây Ninh (946 ca), Bình Phước (782 ca), Khánh Hòa (780 ca), Cà Mau (619 ca)…
Từ đầu dịch đến nay, Việt Nam có 1.763.040 ca mắc, trong đó có 1.372.696 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh; 32.831 ca tử vong.
Số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6.746 ca, trong đó, thở ô xy qua mặt nạ 4.771 ca; thở ô xy dòng cao HFNC 988 ca; thở máy không xâm lấn 148 ca; thở máy xâm lấn 815 ca; ECMO 24 ca.
Tính đến 1/1 đã có tổng số 152.818.575 liều vaccine được tiêm, trong đó tiêm mũi 1 là 77.716.536 liều, tiêm mũi 2 là 69.065.759 liều, tiêm mũi 3 (tiêm bổ sung/tiêm nhắc và mũi 3 của vaccine Abdala) là 6.036.280 liều.
Theo báo cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) chỉ ra rằng các kháng thể sẽ suy giảm theo thời gian, khả năng sinh miễn dịch của một số loại vaccine cho thấy các kháng thể sẽ tồn tại ít nhất 6 tháng. Mặc dù vaccine có thể mất khả năng bảo vệ chống lại việc nhiễm SARS-CoV-2 theo thời gian, nhưng khả năng bảo vệ chống lại bệnh nặng vẫn được duy trì lâu dài. Việc tiêm liều bổ sung và liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19 là cần thiết, 2 liều này được WHO định nghĩa như sau:
Liều nhắc lại vaccine phòng COVID-19: Là liều vaccine được sử dụng cho những người đã hoàn thành đủ số mũi tiêm cơ bản theo hướng dẫn của nhà sản xuất vaccine (có thể là một hoặc hai liều vaccine COVID-19 tùy thuộc vào loại vaccine). Mục tiêu của liều nhắc lại này là khôi phục hiệu quả của vaccine mà từ đó được coi là không còn đủ hiệu quả bảo vệ nữa.
Liều bổ sung vaccine phòng COVID-19: Có thể cần thêm liều bổ sung của vaccine cho những người mà tỷ lệ đáp ứng miễn dịch được coi là không đủ sau khi đã tiêm đủ số mũi tiêm của liều cơ bản. Mục tiêu của liều bổ sung này là tối ưu hóa hoặc tăng cường đáp ứng miễn dịch để thiết lập mức hiệu quả bảo vệ đủ để chống lại COVID-19. Đặc biệt, đối với những người bị suy giảm miễn dịch hay người cao tuổi thường không đạt được phản ứng miễn dịch đủ để bảo vệ sau khi đã tiêm đủ số mũi vaccine cơ bản.
* Bệnh nhân mắc COVID-19 biến thể Omicron đầu tiên đã được ra viện.
Đến nay, tại Việt Nam đã ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 do biến thể Omicron, đều là các ca được cách ly ngay sau khi nhập cảnh tại Hà Nội (1 ca), Quảng Nam (14 ca), Thành phố Hồ Chí Minh (5 ca). Trong đó, bệnh nhân nhiễm biến thể Omicron đầu tiên của nước ta đã được ra viện.
Ngày 2/1, sau thời gian cách ly, theo dõi giám sát chặt chẽ và điều trị tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108, bệnh nhân mắc COVID-19 nhiễm biến chủng Omicron đầu tiên được phát hiện ở Việt Nam đã được ra viện.
Cụ thể, sau 2 tuần theo dõi sức khỏe, bệnh nhân K.V.H.M không có biểu hiện triệu chứng lâm sàng, sinh hoạt bình thường và được xét nghiệm âm tính lần cuối ngày 1/1. Ngày 2/1, bệnh nhân đủ điều kiện ra viện theo quy định, hướng dẫn của Bộ Y tế.
Trước đó, ngày 19/12, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp nhận hành khách K.V.H.M trên chuyến bay từ Anh về Việt Nam. Khi về đến sân bay Nội Bài người này có kết quả test nhanh dương tính với SARS-CoV-2. Sau đó, bệnh nhân được xét nghiệm PCR khẳng định bệnh nhân có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Ngay sau đó bằng công nghệ hiện đại Bệnh viện Trung ương 108 đã tiến hành giải trình tự gen khẳng định bệnh nhân nhiễm biến chủng Omicron. Bệnh nhân được cách ly tại khu cách ly riêng biệt của Bệnh viện và được theo dõi sức khỏe nghiêm ngặt, đảm bảo không lây nhiễm cho cộng đồng và an toàn cho công tác phòng, chống dịch.
Sau khi bệnh nhân ra viện, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tiếp tục phối hợp với gia đình theo dõi và quản lý sức khỏe của bệnh nhân tại gia đình và đảm bảo an toàn cho cộng đồng; đồng thời, bệnh viện khuyến cáo với người dân nên tuân thủ nghiêm các quy định về phòng, chống dịch của Bộ Y tế, thực hiện “5K + tiêm vaccine”, đặc biệt lưu ý đối với nhóm nguy cơ cao như người cao tuổi, có bệnh lý nền…
* Các địa phương tăng cường phòng, chống dịch
Tin từ Sở Y tế Hà Nội, từ 18h ngày 1/1/2022 đến 18h ngày 2/1/2022, Hà Nội ghi nhận thêm 2.045 ca F0, trong đó có 555 ca tại cộng đồng, còn lại ở khu cách ly và phong tỏa. Cộng dồn số mắc COVID-19 tại Hà Nội trong đợt dịch 4 (từ ngày 29/4/2021 đến nay) là 52.725 ca, trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng là 17.578 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly là 35.147 ca.
Trong những ngày Tết Dương lịch 2022, Sở Y tế Hà Nội đã yêu cầu các đơn vị trực thuộc Sở Y tế về việc đảm bảo công tác y tế phục vụ người dân. Cụ thể, các đơn vị nghiêm túc thực hiện công tác thường trực phòng, chống dịch bệnh, chủ động sẵn sàng đầy đủ các loại vật tư y tế, sinh phẩm, hóa chất, trang thiết bị, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch bệnh để nhanh chóng, kịp thời xử lý các tình huống dịch bệnh phát sinh trên địa bàn; đồng thời tổ chức tốt công tác phân luồng, phân tuyến khám bệnh, chữa bệnh, trực cấp cứu 24/24 giờ, sẵn sàng cấp cứu và thu dung điều trị người bệnh; duy trì trực đầy đủ theo quy chế chuyên môn, chuẩn bị đầy đủ cơ số thuốc, dịch truyền, phương tiện cấp cứu để dự phòng, tiếp nhận điều trị cấp cứu chấn thương, ngộ độc hàng loạt.
Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố và các đơn vị tổ chức thường trực chống dịch, chủ động sẵn sàng hóa chất, phương tiện phục vụ công tác phòng chống dịch, kịp thời xử lý các ổ dịch phát sinh. Chi Cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trước, trong và sau các ngày nghỉ lễ.
Theo Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Vĩnh Long, liên tục 3 ngày qua, tỉnh ghi nhận số ca mắc mới COVID-19 ở mức cao hơn 1.000 ca. Tính từ đầu đợt dịch COVID-19 thứ 4 (27/4/2021) đến nay, toàn tỉnh Vĩnh Long ghi nhận hơn 33.400 ca mắc COVID-19, trong đó ngành Y tế đã điều trị khỏi hơn 19.800 người, có 365 trường hợp tử vong. Hiện nay, tỉnh đang điều trị cho hơn 2.600 bệnh nhân tại các cơ sở điều trị tập trung và điều trị tại nhà cho hơn 10.000 bệnh nhân.
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Vĩnh Long Văn Công Minh, hiện nay tình hình dịch bệnh trên địa bàn diễn biến phức tạp, đồng thời cũng bước vào giai đoạn nghỉ Tết dương lịch và Tết Nguyên đán, nguy cơ dịch tiếp tục lây lan rất cao. Trước tình hình này, ngành Y tế đã tham mưu Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân, hạn chế tập trung đông người, thực hiện nghiêm thông điệp 5K, nhất là từ nay đến Tết Nguyên đán.
Ngành Y tế tỉnh cũng tích cực phối hợp với các địa phương củng cố hệ thống y tế cơ sở, phát huy hiệu quả trong việc giám sát ca mắc, thực hiện cách ly và điều trị F0 tại nhà; tập trung chuẩn bị hậu cần, sẵn sàng các phương án ứng phó với tình hình dịch có nguy cơ tiếp tục phức tạp trong dịp Tết Nguyên đán. Theo đó, ngành đã liên hệ các nhà sản xuất tìm nguồn dự trù cung cấp lượng oxy đảm bảo phục vụ công tác điều trị bệnh nhân COVID-19, khẩn trương đề xuất Bộ Y tế tăng cường nguồn thuốc kháng virus, huy động nguồn lực để cung ứng các loại thuốc phục vụ điều trị người bệnh COVID-19 tại nhà nhằm giúp người bệnh được tiếp cận các loại thuốc kịp thời, hạn chế tình trạng chuyển nặng và tử vong.
Ngày 2/1, Trung tâm Chỉ huy phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Lào Cai cho biết, UBND tỉnh vừa ra quyết định số 01/QĐ-UBND về việc thành lập Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị bệnh nhân COVID-19. Bệnh viện được thành lập trên cơ sở sử dụng nguyên trạng Trung đoàn 254 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai với quy mô từ 600 đến 800 giường bệnh.
Theo Quyết định này, Bệnh viện dã chiến số 2 điều trị bệnh nhân COVID-19 do Bệnh viện Sản Nhi tỉnh Lào Cai phụ trách chuyên môn, được đặt tại Trung đoàn 254 Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Lào Cai (Km18, Thôn Tòong Già, thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng) trên cơ sở chuyển đổi công năng Khu cách ly y tế tập trung của tỉnh thành Bệnh viện dã chiến số 2. Bệnh viện chịu trách nhiệm thu dung, điều trị cho người mắc COVID-19 nhẹ và không có triệu chứng theo các hướng dẫn chuyên môn của Bộ Y tế, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh và Sở Y tế tỉnh Lào Cai. Theo quyết định này, Bệnh viện đã chính thức đi vào hoạt động từ 12 giờ ngày 1/1/2022 cho đến khi được cấp có thẩm quyền cho phép giải thể.
Ngày 2/1, Lào Cai có thêm 41 ca mắc COVID-19. Trong đó, có 7 ca mắc mới được phát hiện qua sàng lọc; 32 ca mắc mới là F1 của các bệnh nhân đã được công bố trước đó; 2 ca mắc mới về từ địa phương khác. Hiện các bệnh nhân đã được chuyển đến các cơ sở điều trị COVID-19 để cách ly, điều trị. Như vậy, tính đến 18 giờ ngày 2/1, Lào Cai có 670 bệnh nhân mắc COVID-19. Trong đó, 359 bệnh nhân đã được điều trị khỏi và ra viện; hiện còn 311 bệnh nhân đang được cách ly, điều trị tại cơ sở y tế.