Khoảng 300.000 tấn thanh long vào vụ thu hoạch, Trung Quốc lại tạm dừng nhập khẩu. Thứ trưởng Trần Thanh Nam nói Bộ NN-PTNT sẽ cố gắng hết sức để kết nối tiêu thụ, nhưng địa phương cũng phải chủ động, đừng ngồi chờ “sung rụng”.
Thanh long có nơi chỉ 2.000-4.000 đồng/kg
Tại diễn đàn “Kết nối sản xuất và tiêu thụ thanh long” sáng 6/1, ông Lê Thanh Tùng – Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNT), cho biết, thanh long đang vào vụ thu hoạch rộ, sản lượng ước khoảng 300.000 tấn – cần tìm hướng giải quyết căn cơ.
Theo ông Lê Thanh Hòa, Phó Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ NN-PTNT), đây là mặt hàng xuất khẩu chủ lực sang các nước, đặc biệt là thị trường Trung Quốc (chiếm khoảng 80%). Năm 2021, xuất khẩu thanh long thu về hơn 998 triệu USD. Tuy nhiên, Trung Quốc đã tạm dừng nhập thanh long qua các cửa khẩu ở phía Bắc để kiểm soát dịch Covid-19, khiến tiêu thụ gặp khó.
Thanh long đang bước vào vụ thu hoạch với sản lượng 300.000 tấn (ảnh: TL) |
Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Bình Thuận Phan Văn Tấn thông tin, thương lái đang thu mua chậm, thậm chí một số nơi ngừng thu mua thanh long. Giá thanh long giảm khá sâu, có nơi còn 2.000-4.000 đồng/kg.
Ông Tấn kiến nghị NN-PTNT, Bộ Công Thương và các bộ ngành có chính sách hỗ trợ tiêu thụ, vận chuyển thanh long cho Bình Thuận. Trước mắt, Sở định hướng DN chuyển hướng xuất khẩu sang Ấn Độ, đẩy mạnh chế biến sâu, bảo quản đông lạnh. Đồng thời tăng cường kết nội tiêu thụ tại thị trường nội địa.
Ông Nguyễn Quốc Trịnh – Chủ tịch Hiệp hội Thanh long tỉnh Long An, cho hay, sản lượng thanh long thu hoạch tại địa phương từ nay đến Tết khoảng 26.000 tấn, giá chừng 15.000 đồng/kg. Hiệp hội kiến nghị cơ quan chức năng đàm phán với phía Trung Quốc để đảm bảo hoạt động xuất khẩu thanh long và đẩy mạnh xúc tiến, mở rộng thị trường.
Hiệp hội đang phân ra 3 loại thanh long: loại xuất khẩu giá 15.000 đồng/kg; loại tiêu thụ nội địa giá 10.000 đồng/kg; loại dùng cho chế biến giá 5.000 đồng/kg.
Tiêu thụ nội địa, mở thị trường mới
Thứ trưởng Trần Thanh Nam khẳng định, Bộ NN-PTNT sẽ làm hết khả năng có thể để kết nối tiêu thụ. Tuy nhiên, tất cả đều phải vào cuộc, nhất là các địa phương cần chủ động tìm kiếm kết nối dựa trên sản lượng mình có. Đừng chỉ ngồi đề nghị Bộ ngành hỗ trợ, chờ “sung rụng”.
Các địa phương cần chủ động kết nối tiêu thụ |
“Chúng ta phải sửa đổi tư duy sản xuất, chứ không thể lúc nào cũng đề nghị phía bạn được. Trung Quốc giờ siết chặt kiểm soát, theo hướng an toàn, cao cấp, chứ không còn như trước đây là thị trường dễ tính nữa”, ông Nam lưu ý.
Đại diện các hệ thống siêu thị cũng khẳng định sẽ ưu tiên đưa thanh long lên kệ siêu thị, hỗ trợ tiêu thụ thanh long cho các vùng trồng. Nhưng các địa phương cũng cần chuyển đổi tư duy làm hàng để phục vụ cả thị trường nội địa, đừng chỉ làm để phục vụ xuất khẩu.
Lúc chào bán hàng cho các đối tác tiêu thụ nội địa, cũng đừng quảng cáo “chúng tôi có hàng loại 1 xuất khẩu, hàng loại 2, loại 3… ”. Bởi thị trường nội địa với dân số khoảng 100 triệu người cũng là thị trường quan trọng, cần hàng chất lượng.
Tham tán thương mại Việt Nam tại Ấn Độ, Nhật Bản, Hà Lan… cũng đồng ý hỗ trợ xúc tiến quả thanh long vào những thị trường tiềm năng này.
Ông Như Nguyễn, Giám đốc Công ty VIEC – đại diện thương mại Xuất nhập khẩu Hà Lan và Việt Nam – cho biết, nông sản từ châu Á được coi là “siêu thực phẩm” ở châu Âu. Thanh long đang dần trở thành một mặt hàng như vậy, đặc biệt tại Hà Lan.
Để đưa được thanh long vào thị trường này, sản phẩm phải đạt chứng nhận GlobalGAP và khoảng 150 tiêu chuẩn dư lượng thuốc BVTV.
Do đó, cần quảng bá hình ảnh thanh long hơn nữa, bởi nhiều người châu Âu chưa biết mua tại đâu. Ngoài ra, có thể chế biến thanh long như sấy khô, thành tinh bột hoặc cấp đông hoàn toàn, ông Như Nguyễn gợi ý.
Ngoài ra, cần chú ý đến mã số vùng trồng, chất lượng nông sản, tiêu chuẩn an toàn thực phẩm. Như vậy, thanh long mới mở được các thị trường mới, đồng thời xuất khẩu sang Trung Quốc sẽ bền vững hơn.
Thứ trưởng Trần Thanh Nam yêu cầu các Bình Thuận, Long An, Tiền Giang – những nơi chiếm 80% sản lượng cả nước chủ động có những phương án, tạo điều kiện để các DN tháo gỡ khó khăn ngay tại địa phương. Ngoài ra, đẩy mạnh hỗ trợ, kết nối tiêu thụ nông sản cho nông dân.
“Sắp tới dịp Tết Nguyên đán, nhu cầu về hàng hóa tại thị trường nội địa tăng cao, cần tăng cường kết nối giữa người sản xuất với những nhà bán lẻ”, ông Nam nói.
Hiện nay, các sản phẩm trái cây như thanh long, xoài, dưa hấu, mít,… đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ qua đường bộ. Đường thủy lại vướng mắc việc thiếu vỏ container. Vì vậy, ông Nam yêu cầu các đơn vị cần đồng hành, phối hợp cùng tháo gỡ, không đổ thừa trách nhiệm. Tất cả đều phải vào cuộc vì thương hiệu nông sản Việt.\
Nguồnvietnamnet