Doanh thu sụt giảm 70 – 80%, nhiều doanh nghiệp kinh doanh vận tải đã kiệt quệ, thậm chí tiếp tục chìm sâu vào thua lỗ khi lượng khách ngày một ít đi vì lo ngại dịch bệnh.
Tuy nhiên, để giữ “lốt” (biểu đồ chạy xe), giữ khách, giữ nguồn hàng, các nhà xe vẫn phải duy trì hoạt động, nhưng hầu hết đều giảm tần suất số chuyến để giảm bớt chi phí.
Càng chạy càng lỗ, không biết có trụ được nữa không…, đó là những câu cửa miệng của các doanh nghiệp kinh doanh vận tải khi được hỏi về tình hình hoạt động vận tải hành khách trong thời gian qua.
“Các doanh nghiệp chạy như này bù lỗ không đủ, không chạy được”, đại diện một doanh nghiệp chia sẻ.
“Đến giờ phút này, tất cả các doanh nghiệp đều chạy cầm cự, không doanh nghiệp nào có lãi”, đại diện một doanh nghiệp khác cho biết.
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách hiện đang rơi vào cảnh thua lỗ. (Ảnh minh họa – Ảnh: TTXVN)
Là một doanh nghiệp vận tải hành khách khá lớn trên địa bàn Hải Phòng, tuy nhiên sau nhiều tháng, Công ty TNHH Vận tải Bus Hải Phòng đã phải dừng hoạt động chở khách đến và đi bến xe Nước Ngầm, Hà Nội.
Còn đối với bến xe Gia Lâm, hiện doanh nghiệp cũng chỉ duy trì hoạt động 2 tuyến: Hà Nội – Thái Bình và Hà Nội – Hải Phòng. Lý giải về việc ngừng hoạt động, doanh nghiệp cho biết doanh thu sản xuất, kinh doanh thời gian này gần như không có lãi.
“Lượng hành khách trên tuyến giảm sút rõ rệt nên doanh nghiệp chỉ duy trì tuyến để có xe đi lại, chứ thực ra doanh nghiệp lỗ rất nhiều”, ông Nguyễn Mạnh Chiến, Trưởng Điều hành bến, Công ty TNHH Vận tải Bus Hải Phòng, cho hay.
Hầu hết các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách đều gặp cảnh thua lỗ, chi phí cho một chuyến xe tuyến ngắn khi xuất bến gần 3 triệu đồng. Nếu một chuyến xe có 10 khách thì không đủ trả chi phí này, chưa kể lương lái xe, lãi vay ngân hàng, khấu hao tài sản, chi phí hoạt động doanh nghiệp, giá xăng dầu tăng, khiến doanh nghiệp không thể cầm cự.
Hàng loạt doanh nghiệp vận tải hành khách hiện đang trong cảnh thoi thóp, thậm chí đứng trước nguy cơ phá sản.
“Lượng xe hoạt động chỉ được khoảng 20 – 30% so với lượt đăng ký và hoạt động tại bến. Tuy nhiên lượng khách vắng, mỗi xe xuất bến chỉ có khoảng 3 – 5 người”, ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Phó Giám đốc Bến xe Gia Lâm, Hà Nội, nói.
Trước những khó khăn của các doanh nghiệp vận tải hành khách, mới đây, Bộ Giao thông Vận tải vừa có văn bản đề nghị Bộ Tài chính tiếp tục giảm phí sử dụng đường bộ đến hết ngày 30/6/2022 đối với xe ô tô kinh doanh vận tải, kéo dài thêm 6 tháng so với quy định hiện nay.