Rõ ràng khi kinh tế phục hồi dần, đại dịch không còn là mối nguy lớn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng sẽ hồi phục, từ đó đẩy tổng cầu đi lên. Tuy nhiên điều này cũng có thể làm tăng mức độ rủi ro giá cả bị đẩy lên nếu tổng cung chưa kịp phục hồi theo, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng chuỗi cung ứng vốn được dự báo chỉ là vấn đề ngắn hạn nhiều khả năng sẽ kéo dài trong năm 2022.
Cùng với việc thích nghi an toàn, sống chung với dịch bệnh, tỷ lệ bao phủ vắc xin cao, đẩy nhanh chiến dịch tiêm mũi bổ sung, kinh tế Việt Nam đang trên đà hồi phục. Nhiều chuyên gia, tổ chức khá lạc quan khi nói về triển vọng tăng trưởng năm nay. Sự lạc quan này càng được nhấn mạnh hơn sau khi Chính phủ trình Quốc hội gói kích thích kinh tế quy mô khoảng 350.000 tỷ đồng.
Rõ ràng khi kinh tế phục hồi dần, đại dịch không còn là mối nguy lớn, nhu cầu mua sắm, tiêu dùng sẽ hồi phục, từ đó đẩy tổng cầu đi lên. Tuy nhiên điều này cũng có thể làm tăng mức độ rủi ro giá cả bị đẩy lên nếu tổng cung chưa kịp phục hồi theo, đặc biệt trong bối cảnh khủng hoảng chuỗi cung ứng vốn được dự báo chỉ là vấn đề ngắn hạn nhiều khả năng sẽ kéo dài trong năm 2022.
Tại họp báo Chính phủ tháng 11/2021, Thứ trưởng Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết giá nhiên liệu (than, xăng dầu…), chi phí vận chuyển trên thế giới tăng cao đã tác động tới giá thành, giá bán hàng tiêu dùng trong nước.
Dù CPI 2021 dưới 2%, nhưng Thứ trưởng nhấn mạnh áp lực lạm phát năm 2022 là rất lớn do giá nhiên liệu thế giới liên tục tăng, trong bối cảnh kinh tế thế giới, trong nước phục hồi mạnh nhờ đạt miễn dịch cộng đồng.
Cũng trong tháng 11/2021, tại kỳ họp Quốc hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng thừa nhận với nền kinh tế có độ mở lớn như Việt Nam, áp lực rủi ro lạm phát nhập khẩu rất lớn.
Khi nền kinh tế thế giới dần phục hồi, giá cả hàng hóa có xu hướng gia tăng, một số mặt hàng như xăng dầu đã tăng rất cao, nhiều nước phát triển đã ghi nhận mức lạm phát cao nhất lịch sử. Tại Mỹ, chỉ số giá tiêu dùng tháng 10/2021 tăng 6,2% so với năm 2020, cao nhất hơn 30. Lạm phát của Hàn Quốc cũng lần đầu tiên vượt mức 3%, cao nhất kể từ năm 2012. Tại châu Âu, giá năng lượng tăng cao đẩy lạm phát tháng 9/2021 của khu vực đồng euro lên cao nhất trong 13 năm.
Mới nhất, Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ở Anh tháng 11 tăng 5,1% so với cùng kỳ năm 2020, cao hơn nhiều so với mức 4,2% trong tháng 10. Đây cũng là mức cao nhất trong một thập kỷ.
Theo dự báo mới nhất của Hội nghị Liên Hợp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD), giá vận tải biển cao có thể dẫn đến việc giá tiêu dùng toàn cầu tăng 1,5% vào năm 2022.
UNCTD cho biết, phí vận chuyển đã tăng hơn 4 lần trong thập kỷ qua. Giá vận chuyển một container 40 feet từ Trung Quốc đến Mỹ hiện cao hơn 348% so với mức trung bình trước đại dịch.
Cơ quan này nhận định nếu duy trì, mức tăng giá vận chuyển container hiện nay sẽ làm tăng đáng kể giá nhập khẩu và tiêu dùng.
Trong báo cáo chiến lược năm 2022, Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chỉ ra áp lực lạm phát do chi phí đẩy khi nhu cầu phục hồi. Dù vậy, VDSC vẫn kỳ vọng lạm phát sẽ tiếp tục được kiểm soát, với chỉ số CPI trung bình năm nay là 3,8%. Thực phẩm và xây dựng/nhà ở sẽ là yếu tố chính góp phần vào lạm phát của Việt Nam năm 2022. Do đó công ty khuyến nghị cần theo dõi hai biến số này chặt chẽ hơn.
Trong khi đó, bà Hoàng Việt Phương, Giám đốc Phân tích của SSI tại “Diễn đàn Kinh doanh 2021: Con đường phía trước” tổ chức ngày 9/12/2021 nhận định lạm phát có thể tăng mạnh vào quý I, II năm 2022, tiệm cận mức 4% của Chính phủ đề ra, thậm chí cao hơn nhưng đến cuối năm sẽ được kiểm soát, nằm trong mức dưới 4%.
Về rủi ro lạm phát liên quan gói kích thích kinh tế mới, trong phiên thảo luận của Quốc hội, các đại biểu cũng bày tỏ lo ngại này và nhấn mạnh khi đưa ra gói hỗ trợ phục hồi kinh tế thì mục tiêu cao nhất là phải giữ được kinh tế vĩ mô và kiểm soát được lạm phát.
“Lạm phát hiện đang ở mức thấp nhưng cũng không thể coi thường, một số nước như Mỹ tung ra gói hỗ trợ lập tức lạm phát tăng lên”, ông Trần Văn Lâm, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội nói tại phiên thảo luận tại tổ chiều 4/1/2022.
Đồng quan điểm, ông Vũ Tiến Lộc (đoàn Đại biểu QH Hà Nội) nhấn mạnh mất ổn định là mất tất cả. “Chúng ta không thể bỏ qua một thực tế trong bối cảnh hiện nay ở nước ta là áp lực lạm phát đang lớn và áp lực nợ xấu cũng gia tăng”.
Trước những lo ngại của đại biểu, Bộ trưởng KHĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, bên cạnh đánh giá tác động của chính sách thì Chính phủ đã nhận diện và chuẩn bị các giải pháp để kiểm soát rủi ro có thể xảy ra, nhất là về áp lực lạm phát gia tăng trong năm 2022 và 2023 do cộng hưởng từ các biện pháp hỗ trợ của ta và tác động của các yếu tố bên ngoài.
“Trong quá trình thực hiện thì Chính phủ sẽ theo dõi chặt chẽ, thường xuyên diễn biến tình hình giá cả trong nước và thế giới để kịp thời có phản ứng, chính sách phù hợp để kiểm soát lạm phát, để nâng cao tính công khai, minh bạch”, ông Dũng nhấn mạnh.
Trong phần báo cáo giải trình được gửi tới các đại biểu Quốc hội, ông Nguyễn Chí Dũng cũng thừa nhận từ năm 2022, rủi ro lạm phát tăng cao, các tổ chức quốc tế cảnh báo Việt Nam tránh nới lỏng hơn nữa chính sách tiền tệ.
Theo ông, lạm phát chịu nhiều sức ép tăng do cộng hưởng của cả cầu kéo và chi phí đẩy. Kinh tế phục hồi, tổng cầu tăng mạnh; giá hàng hóa thế giới neo cao, chuỗi cung ứng gián đoạn, địa chính trị phức tạp; chi phí sản xuất tăng mạnh trong năm 2021 có thể truyền dẫn sang lạm phát của năm 2022; kỳ vọng lạm phát tăng.
Trong bối cảnh trên, ông Dũng cho biết Chương trình đưa ra giải pháp điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, sẵn sàng điều chỉnh, thích ứng với diễn biến thị trường là phù hợp để vừa hỗ trợ triển khai Chương trình nhưng vẫn phải bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.