Dấu hiệu và nguyên nhân của rối loạn tiêu hóa
Việc dùng các món ăn đặc trưng của Tết cũng như thức ăn lưu giữ lâu ngày trong tủ lạnh (không đảm bảo nhiệt độ lạnh) có thể gây bệnh cho mọi người, nhất là trẻ em. Rối loạn tiêu hóa là bệnh thường gặp nhất, đặc biệt ở đối tượng là trẻ nhỏ.
Theo bác sĩ Trần Hồ Trung Tín – Phòng Điều dưỡng Bệnh viện Nhi đồng Thành phố, TPHCM – biểu hiện của rối loạn tiêu hóa ở trẻ rất đa dạng, phụ thuộc vào lứa tuổi và nguyên nhân gây bệnh. Trẻ nhỏ có thể biểu hiện bằng quấy khóc, biếng ăn, nôn trớ, chướng bụng, tiêu chảy. Trẻ lớn có thể than đau bụng, đầy hơi, khó tiêu, nôn ói, táo bón hay tiêu chảy.
Về triệu chứng đau bụng, trẻ có thể đau không liên tục, thường liên quan đến bữa ăn, có thể khởi phát với một loại thức ăn nhất định như sữa, thức ăn nhiều chất béo,… Vị trí đau thường ở vùng thượng vị hoặc quanh rốn. Trẻ nhỏ chưa biết nói thường biểu hiện bằng quấy khóc, đôi khi bỏ ăn.
Bên cạnh đó, trẻ có thể chán ăn. Trẻ ăn ít hoặc không chịu ăn. Mỗi cữ ăn hay cữ bú thường kéo dài hơn so với bình thường. Về chướng bụng, bụng trẻ căng hơn bình thường, nhất là tại vùng thượng vị. Khi gõ vào thành bụng nghe tiếng vang. Triệu chứng đầy bụng và chướng bụng là do thức ăn chậm di chuyển trong ống tiêu hóa.
Một trong những biểu hiện của rối loạn tiêu hóa là buồn nôn và nôn ói. Trẻ có cảm giác buồn nôn khi đang ăn hoặc sau khi ăn một thời gian ngắn. Chất ói thường là thức ăn còn nguyên hoặc thức ăn chưa tiêu hóa hết. Ngoài ra, trẻ có thể gặp triệu chứng tiêu chảy. Tiêu chảy là khi trẻ đi tiêu phân lỏng từ 3 lần trở lên trong một ngày. Tiêu chảy cấp thường hết sau 5 – 7 ngày.
“Một số trường hợp trẻ bị tiêu chảy kéo dài. Tiêu chảy có thể dẫn đến mất nước và tử vong. Các trường hợp này cần đến khám tại các cơ sở y tế” – bác sĩ Trung Tín cho hay.
Cách chăm sóc và phòng ngừa rối loạn tiêu hóa cho trẻ
Để tránh cho trẻ bị rối loạn tiêu hóa trong dịp Tết, các bậc phụ huynh phải chú ý duy trì chế độ ăn của trẻ gần với ngày thường. Thức ăn nên chế biến đơn giản, không quá cầu kỳ, không nên cho nhiều gia vị và phải phù hợp với khẩu vị của trẻ.
“Kiểm soát khẩu phần ăn của trẻ để tránh lạm dụng các thực phẩm ngày Tết, đặc biệt là bánh kẹo, nước ngọt, đồ ăn nhiều chất béo” – bác sĩ Tín khuyến cáo.
Thực phẩm chế biến cho trẻ phải đảm bảo an toàn vệ sinh, bởi một trong những nguyên nhân chủ yếu gây rối loạn tiêu hóa là không đảm bảo vệ sinh trong quá trình lựa chọn thực phẩm, chế biến và sinh hoạt. Đối với trẻ còn đang bú sữa mẹ, phải duy trì tối đa nguồn sữa mẹ giúp trẻ có sức đề kháng tốt hơn với các bệnh tật.
Bữa ăn của trẻ phải đảm bảo đủ 4 nhóm chất, gồm chất đạm, chất bột đường, chất béo và các loại vitamin, khoáng chất. Vì lúc này cơ thể trẻ rất yếu do việc tiêu hóa và hấp thu dinh dưỡng kém, hơn nữa trẻ lại ăn kém. Tuy nhiên, nên chọn những thực phẩm dễ tiêu hóa.
“Trẻ nhỏ hay bị nôn trớ khi bị rối loạn tiêu hóa, nên tuyệt đối không ép ăn nhiều, mà cho ăn từng ít một, chia thành nhiều bữa nhỏ. Nếu trẻ bị tiêu chảy thì việc đầu tiên các mẹ nên làm là bù nước cho trẻ bằng nước điện giải, nước trái cây” – bác sĩ Tín cho hay.
Các món ăn có đủ chất nhưng dễ tiêu hóa như cháo thịt nạc xay, cháo bí ngô thịt nạc, cháo cà rốt xay thịt nạc,… và các loại trái cây như chuối, hồng xiêm, đu đủ,… Không nên cho trẻ ăn các loại bánh kẹo nhiều đường và các loại sữa có đường lactose. Với trẻ bị táo bón, nên tăng cường bổ sung các loại rau xanh và trái cây giàu chất xơ. Lưu ý rau nên xay nhỏ và không nên ăn những loại rau già, nhiều chất xơ cứng gây cọ xát thành ruột.
Theo Laodong.vn