Giá cả thị trường trong tuần này: Giá vàng, rau xanh, thịt lợn, thịt gà đồng loạt tăng mạnh; trong khi nhiều loại hải sản, trái cây rớt giá thê thảm.
Giá vàng, rau xanh… tăng mạnh; trong khi nhiều loại hải sản, trái cây rớt giá thê thảm. Ảnh minh họa
Giá vàng tăng mạnh
Chốt phiên giao dịch cuối tuần, giá vàng thế giới giao dịch quanh ngưỡng 1.897 USD/ounce, giảm 2 USD/ounce so với giao dịch cùng thời điểm này sáng qua.
Tuần qua, giá vàng thế giới biến động mạnh theo chiều tăng. Nguyên nhân là do căng thẳng giữa Nga và Ukraine được đẩy lên cao, khi các nước NATO và Mỹ cho rằng Nga đang chuẩn bị lực lượng để tấn công Ukraine. Còn Nga bác bỏ các tin đồn kể trên.
Giá vàng tuần qua chỉ có 2 phiên giảm là ngày 14-16/2, khi Mỹ công bố báo cáo kinh tế tích cực. Còn 3 phiên tăng từ mức 1.859 USD/ounce đầu tuần lên đứng mức 1.897,8 USD/ounce vào cuối tuần. Trong đó, phiên tăng mạnh nhất là ngày 18/2, giá vàng thế giới đã có phiên tăng tới 29 USD/ounce tại thị trường Mỹ.
Hiện giới đầu tư lo ngại căng thẳng địa chính trị tại Nga – Ukraine sẽ bị đẩy lên cao hơn với các cuộc tấn công vũ khí, bởi bởi các cuộc đàm phán ngoại giao được lên kế hoạch giữa Mỹ và các quan chức Nga đã giảm đi.
Nhận định của chuyên gia, tình hình căng thẳng địa chính trị chưa “hạ nhiệt”, nên lực mua vàng khi giá giảm vẫn rất mạnh, đẩy giá kim loại quý tăng cao.
Kết tuần, giá vàng thế giới đã tăng gần 39 USD/ounce so với giá mở cửa tuần. Nếu tính từ mức thấp nhất tuần 1.853 USD/ounce trong phiên ngày 16/2 thì giá vàng thế giới đã tăng 45 USD.
Dự báo của chuyên gia, giá vàng vẫn đang còn cơ hội tăng, khi căng thẳng địa chính trị còn đó. Đồng thời, thị trường đang đồn đoán Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ không mạnh tay tăng lãi suất 0,5% như dự đoán trước đó, mà có thể chỉ tăng 0,25%. Điều này có lợi cho giá vàng. Dự báo, giá vàng thế giới sẽ leo qua ngưỡng 1.900 USD/ounce vào tuần sau.
Trên thị trường trong nước, giá vàng SJC tại thị trường TP Hồ Chí Minh giao dịch mua – bán quanh mức 62,5 – 63,2 triệu đồng/lượng. Giá vàng SJC tại Hà Nội và Đà Nẵng giao dịch mua – bán trong khoảng 62,5 – 63,22 triệu đồng/lượng.
Các thị trường trên đều giữ giá cả chiều mua và chiều bán so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Tập đoàn Doji, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua – bán quanh mức 62,3 – 63,1 triệu đồng/lượng, đi ngang cả chiều mua vào và chiều bán ra so với chốt phiên trước. Chênh lệch mua – bán là 700.000 đồng/lượng.
Giá vàng SJC tại Công ty Phú Quý, niêm yết trên thị trường Hà Nội mua – bán quanh mức 62,6 – 63,2 triệu đồng/lượng. Chênh lệch mua – bán là 600.000 đồng/lượng.
Tuần qua, giá vàng trong nước cũng tăng theo xu hướng thế giới, nhưng mức tăng không quá mạnh. Do đó vàng SJC đã thu hẹp khoảng cách chênh lệch giá với thế giới. Nếu như cuối tuần trước, vào dịp Vía Thần tài, giá vàng thế giới vẫn thấp hơn giá vàng trong nước khoảng gần 12 triệu đồng/lượng. Nhưng đến cuối tuần này, giá vàng SJC chỉ còn cao hơn vàng thế giới gần 9 triệu đồng/lượng, chưa tính thuế và phí.
Tính chung, giá vàng SJC trên thị trường tự do và tại Công ty Phú Quý đã tăng đến 450.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần. Giá vàng SJC tại Doji đã tăng đến 400.000 đồng/lượng so với giá mở cửa tuần.
Hải sản rớt giá thê thảm
Khảo sát tại các cửa hàng hải sản hay các chợ online, tôm hùm đang được bán với giá chỉ 650.000 – 850.000 đồng/kg size 0,3-0,4kg/con (thấp hơn 400.000 – 600.000 đồng/kg so với tuần trước); Cua gạch loại 3 con/kg cũng chỉ còn 650.000 đồng/kg (giảm từ 300.000 – 400.000 đồng/kg); cua thịt loại 3-4 con/kg chỉ còn 350.000 đồng/kg (giảm 150.000 đồng/kg).
Ngoài ra, các loại tôm cũng ghi nhận mức giá giảm từ 200.000 – 300.000 đồng/kg so với tuần trước. Cụ thể, tôm sú quảng canh size 20-25 con/kg chỉ còn 299.000 đồng/kg (giảm 200.000 – 250.000 đồng/kg); sú đen gộc size 10-12 con/kg chỉ 400.000 đồng/kg (giảm 150.000 đồng/kg); sú đại dương 7-8 con/kg có giá 850.000 đồng/kg (giảm 150.000 đồng/kg) …
Chị Trần Thị Hằng, chủ cửa hàng hải sản tại Bắc Từ Liêm (Hà Nội) cho biết, khoảng 2 ngày trở lại đây, các loại hải sản đều có mức giảm mỗi ngày đến “chóng mặt”.
“Tôm hùm mấy hôm trước còn cả triệu/kg, giờ chỉ còn 650.000 đồng; bề bề gộc 10-15 con/kg cũng chỉ còn 255.000 đồng/kg; cua biển còn 350.000 đồng/kg… Giảm cả nửa giá mà lượng khách cũng không đông bằng, chắc khách ăn Tết hết tiền rồi”, chị Hằng thở dài.
Tại cửa hàng hải sản tại Vũ Hữu (Thanh Xuân, Hà Nội), tôm hùm mini cũng đang được bán với giá 29.000 đồng/con size 10 con/kg; hàu vỏ 20.000 đồng/kg; ngao hoa 60.000 đồng/kg; vẹm xanh 30.000 đồng/kg; ốc móng tay 60.000 đồng’kg; mực trứng 200.000 đồng/kg; mực ống 250.000 đồng/kg…
Chị Phạm Thị Thu, chủ cửa hàng cho biết, thời điểm này một số loại hải sản còn có giá rẻ hơn trước Tết.
“Trước Tết, hàng hiếm, giá lại cao, không có hàng mà nhập. Giờ thì hàng hoá đầy chợ, lấy bao nhiêu cũng có, mỗi tội không có khách mà bán. Lấy về nhỡ bị chết, ngộp thì lại lỗ to”, chị Thu cho hay.
Theo chị Thu, trước Tết, tôm sú mẹ đại dương size đại, từ 5-10 con/kg có giá hơn 1 triệu đồng/kg cũng không có hàng để nhập do nhu cầu mua làm quà biếu, liên hoan cuối năm tăng mạnh. Tuy nhiên, hiện tại giá chỉ còn từ 750.000 – 850.000 đồng/kg.
Lí giải nguyên nhân khiến giá hải sản đột ngột quay đầu giảm mạnh, chị Thu cho rằng do các cửa khẩu biên giới phía Bắc tiếp tục bị ùn tắc khiến một số mặt hàng không thông quan được, quay đầu bán tại thị trường nội địa khiến nguồn cung tăng.
Giá rau xanh, thịt tăng mạnh
Ngày 16/2, ghi nhận tại chợ dân sinh trên địa bàn TP Hà Nội như Kim Quan (Việt Hưng, Long Biên); chợ Đồng Dinh (Thạch Bàn, Long Biên) và chợ Gióng (Phù Đổng, Gia Lâm), chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai), giá các loại rau xanh được các tiểu thương thông báo tăng do khan hiếm nguồn cung.
Cụ thể, các loại rau muống, rau cần, mồng tơi… có giá từ 12.000 – 15.000 đồng/mớ; rau bắp cải 30.000 đồng/kg; xu hào, cà tím giá 15.000 đồng/kg; cà chua khoảng 20.000 – 25.000 đồng/kg…, tăng khoảng 2.000 – 3.000 đồng/mớ/kg tùy loại, su hào từ 6.000 – 8.000 đồng/củ, súp lơ từ 15.000 – 17.000 đồng/cây, cà rốt từ 15.000 – 20.000 đồng/kg… Giá cả tại các chợ cũng chênh lệch nhau, nhưng không đáng kể.
Chị Nguyễn Đào, tiểu thương bán rau tại chợ Yên Duyên (Yên Sở, Hoàng Mai) cho biết, theo quy luật sau Tết Nguyên đán, thường là thời điểm giá rau tăng mạnh do nguồn cung khan hiếm. Thêm vào đó, từ Tết đến nay liên tục xảy ra các đợt rét đậm, rét hại ảnh hưởng đến các vùng trồng, nên lượng rau của các nhà vườn cung cấp về không nhiều. Đặc biệt, quán ăn, nhà hàng… hoạt động trở lại sau một thời gian dài đóng cửa dẫn đến nhu cầu tăng cao. “Nguồn nhập hàng giá tăng lên, chưa kể đến một số rau ăn lá còn khan hàng do mưa rét nên bị hỏng. Giá cao nên người dân cũng thắt chặt chi tiêu hơn, lượng mua cũng ít đi”, chị Đào cho biết.
Tương tự, ngày 18/2, tại các chợ dân sinh trên địa bàn thành phố Vinh (Nghệ An) như chợ Vinh, chợ ga Vinh, chợ Quán Lau, chợ Kênh Bắc,… một số rau củ quả, thịt lợn, gà, cá đều tăng giá. “Xà lách 25.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng), đậu cô ve 25.000 đồng/kg (tăng 10.000 đồng), cà chua 30.000 đồng/kg (tăng 5.000 đồng)… Hành lá, ớt tăng giá thêm 2.000 – 3.000 đồng/kg. Ngoài ra, các loại rau xanh như cải ngọt, mùng tơi, rau khoai… cũng tăng giá”, bà Hồng, tiểu thương buôn bán rau tại chợ Vinh nói.
Giá xăng dầu tăng kéo theo giá hàng hóa, thực phẩm tăng khiến người dân càng thêm khốn đốn sau đại dịch. Nhiều người lo ngại, với đà tăng giá này, giá hàng hóa có nguy cơ tăng cao nữa, các hàng quán cũng theo đó nâng giá, ảnh hưởng rất nhiều tới việc chi tiêu của người dân.
Chị Hoàng Thị Hoa, tiểu thương bán thịt tại chợ Kênh Bắc, cho biết: “Giá thịt đã tăng gần một tháng nay. Gần đây, giá thịt lợn nhích thêm 10.000 đồng/kg. Thịt lợn loại ngon nhất hiện nay là 145.000 đồng/kg. Riêng thịt bò giá tăng mạnh 20.000 – 30.000 đồng/kg, hiện có giá từ 260.000 – 280.000 đồng/kg; gà sống 120.000 – 140.000 đồng/kg,…”, chị Hoa nói.
Bà Ngô Thị Tâm (trú phường Trường Thi) cho biết, hai đứa con bà thất nghiệp từ đợt dịch đến nay, thu nhập của cả nhà sụt giảm đáng kể trong khi giá gas, xăng dầu, các mặt hàng ăn uống tăng cao khiến đời sống gia đình bà gặp rất nhiều khó khăn.”Trước đây tiền chợ mỗi ngày chỉ khoảng 250.000 đồng là đủ ăn cho cả gia đình, nay dù chi tiêu dè sẻn lắm cũng hết 400.000 – 500.000 đồng/ngày”, bà than phiền.
Trái cây đồng loạt giảm giá
Sau thông tin tỉnh Lạng Sơn tạm dừng tiếp nhận phương tiện vận chuyển trái cây lên cửa khẩu từ ngày 16/2 đến ngày 25/2, giá nhiều mặt hàng trái cây ở các tỉnh miền Tây giảm mạnh, đặc biệt là trái thanh long.
Trước Tết Nguyên đán, tình hình ách tắc tại cửa khẩu đã khiến giá thanh long rớt xuống mức 2.000 – 3.000 đồng/kg. Sau Tết, giá thanh long có lúc nhích lên 15.000 đồng/kg nhưng chỉ được vài ngày ngắn ngủi, nay lại rơi thẳng đứng. Loại 1 chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg, loại 2 từ 3.000 – 4.000 đồng/kg còn hàng dạt thì không ai mua.
Ông Lê Văn Lập, nhà vườn xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo chia sẻ: Xe lạnh không được ra Lạng Sơn nên kho đóng cửa hết, giá thanh long chỉ còn 3.000 đồng/kg, nông dân lỗ nặng, không đủ tiền thu hoạch.
“Bây giờ lớp trái xanh, chín tính ra tỉnh này có hàng nghìn tấn mà nội địa thì ai ăn hết, rồi lớp mới xông đèn đang có bông nữa… Bây giờ nhờ nhà nước tìm đầu ra, chứ nông dân không có cách nào làm gì được”, ông Lập nói.
Trong khi đó, giá ớt thu mua tại vườn ở một số vùng trồng vẫn chưa có dấu hiệu khởi sắc sau một thời gian dài ngụp lặn ở đáy. Giá ớt bình quân từ 8.000 đồng/kg ở khu vực các tỉnh phía bắc, vùng Tây nguyên và miền Trung giá ớt từ 11.000 đồng/kg, khu vực các tỉnh miền Tây giá ớt từ 12.000 – 14.000 đồng/kg. Sau tết, giá ớt rớt xuống thấp chỉ vài ngàn đồng mỗi ký do thị trường Trung Quốc vẫn chưa thông thương. Vài năm trước, trồng ớt mang lại thu nhập khá cao cho người nông dân khi lên đến 80.000 – 100.000 đồng/kg. Ước tính mỗi héc ta ớt đầu tư hơn 100 triệu đồng, với giá ớt trái ở mức 8.000 đồng/kg, người trồng ớt lỗ từ 70 – 100 triệu đồng/ha.
Ngoài trái thanh long, ớt thì ổi ruột đỏ ruby giảm giá khoảng 5.000 đồng chỉ còn 8.000 – 9.000 đồng/kg, ổi ruột trắng chỉ còn 2.000 – 3.000 đồng/kg; xoài cát chu và mận An Phước từ 12.000 – 13.000 đồng giờ chỉ còn 8.000 – 9.000 đồng/kg, xoài tứ quý chỉ còn 4.000 – 5.000 đồng/kg.