Đại diện doanh nghiệp phỏng vấn ứng viên tìm việc làm
Việc thiếu hụt lao động nằm trong khả năng kiểm soát
Ông Nguyễn Văn Lâm (Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM) cho biết, tính đến ngày 10-2, TP.HCM có khoảng 1,6 triệu lao động trở lại làm việc (bao gồm cả doanh nghiệp ngoài khu chế xuất – khu công nghiệp). Khảo sát của các doanh nghiệp cho thấy, có khoảng 5% lao động không quay trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Đây là con số không quá lớn so với mức mà doanh nghiệp đã đưa ra, vì vậy việc thiếu hụt lao động cũng nằm trong khả năng kiểm soát.
Bà Nguyễn Thùy Trang (Trưởng phòng Tuyển dụng và Đào tạo Công ty xây dựng – cơ khí Trường Thành, TP.Thủ Đức) nhận định, thông thường sau Tết Nguyên đán có biến động về nguồn lao động. Năm nay do còn ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc xáo trộn nguồn lao động là không thể tránh khỏi. Tuy nhiên, để tránh bị động, ngay từ tháng 11-2021, công ty đã có kế hoạch tuyển dụng và đào tạo lao động cho năm 2022. Theo đó, công ty đã tuyển dụng mới hơn 200 lao động, trong đó trình độ ĐH khoảng 10%, lao động trình độ CĐ-TC 25%, còn lại là lao động sơ cấp và lao động phổ thông. Điều đáng mừng là số lao động này đều có kinh nghiệm làm việc, ít nhất là 2 năm thuộc vị trí tuyển dụng. Tương tự, ông Nguyễn Văn Khương (Phó Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Đông Nam, Q.Gò Vấp) cho biết, công ty cũng không quá lo lắng về nguồn lao động sau Tết Nguyên đán. Ông Khương khẳng định, doanh nghiệp thuộc lĩnh vực nào cũng có biến động nguồn lao động sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhưng năm nay với các chính sách thu hút lao động trước và sau Tết, đến thời điểm này công ty vẫn kiểm soát được nguồn lao động, không ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh. “Bên cạnh việc tăng lương, thưởng, công ty còn có nhiều chế độ cho lao động tuyển mới vào làm việc ngay trong tháng 2 như lì xì 1 triệu đồng/người; bố trí nơi ở hoặc hỗ trợ tiền mặt để lao động thuê nhà… Từ sự quan tâm này mà công ty không quá lo về nguồn lao động, đặc biệt là ở mảng lao động phổ thông, trình độ sơ cấp và TC”, ông Khương cho biết.
Sau Tết Nguyên đán, người lao động khu vực miền Trung trở lại TP.HCM làm việc
Ông Nguyễn Văn Bình (Phó Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH May thời trang Bình Minh) thông tin, may mặc là một ngành đặc thù, lao động thường nhảy việc, nhất là thời điểm cuối và đầu năm. Tuy nhiên, nếu so với thời điểm này năm 2021, số lao động trở lại làm việc tăng khoảng 10%, đây là tín hiệu vui. “Cuối năm 2021, mặc dù công ty khó khăn do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nhưng vẫn cố gắng trả lương, thưởng cho người lao động. Đây cũng là giải pháp thu hút người lao động trở lại làm việc sớm của công ty trong năm nay, bên cạnh các chính sách đãi ngộ đã thực hiện trước đó”, ông Bình chia sẻ.
Việc nhiều, cần lựa chọn kỹ
Ông Nguyễn Văn Sang (Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm Thanh niên TP.HCM) đánh giá, sau Tết Nguyên đán, thị trường lao động luôn có sự biến động mạnh do nhu cầu thay đổi môi trường làm việc, thay đổi công việc, năm nay lại thêm ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhưng qua khảo sát cho thấy tình hình lao động năm nay có khả quan hơn nhờ vào các chính sách đãi ngộ từ doanh nghiệp cũng như của thành phố. Tại khu Công nghệ cao TP.HCM (TP.Thủ Đức), đầu năm nhu cầu tuyển dụng lao động tăng mạnh so với năm 2021. Cụ thể, ngay trong tháng 2, Công ty TNHH Nidec tuyển dụng hàng trăm lao động với thu nhập trung bình khoảng 8-12 triệu đồng/tháng, chưa kể các khoản phụ cấp, thưởng. Trong khi đó, Công ty Jabil Việt Nam tuyển hơn 500 lao động cho các vị trí. Đại diện Công ty Jabil Việt Nam cho biết, với những lao động chưa có tay nghề nếu có nhu cầu làm việc, công ty sẽ tổ chức đào tạo miễn phí, được hưởng lương. Đây là cơ hội để lao động muốn thay đổi môi trường làm việc cũng như xác định gắn bó lâu dài với công ty. Theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, sau Tết Nguyên đán, doanh nghiệp tại thành phố cần khoảng 70.000 – 75.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề chiếm khoảng 30%. Sở dĩ có nhu cầu cao này là do một bộ phận lao động đã về quê, trong đó có không ít người không trở lại hoặc chưa trở lại thành phố.
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đang thực hiện các nội dung Quyết định số 1405/QĐ-BLĐTBXH ngày 13-12-2021 của Bộ LĐ-TB&XH về chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển thị trường lao động, với các giải pháp hỗ trợ người lao động quay trở lại làm việc sau cao điểm chống dịch Covid-19. Bên cạnh đó, hỗ trợ thêm chi phí cho người lao động đang nuôi con nhỏ, phụ nữ mang thai, sắp xếp nơi ở tạm hoặc hỗ trợ tiền mặt cho lao động ngoại tỉnh thuê nhà trong thời gian tìm việc hoặc mới có việc làm… |
Sở LĐ-TB&XH TP.HCM khuyến cáo, nhu cầu lao động ở các doanh nghiệp trong những tháng đầu năm 2022 là rất lớn. Vì vậy, người lao động cần bình tĩnh cân nhắc, lựa chọn nơi làm việc phù hợp và lưu ý cần tìm hiểu kỹ thông tin việc làm qua các kênh của Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp, các trung tâm dịch vụ, giới thiệu việc làm có uy tín. Cụ thể, theo Trung tâm Dự báo nhu cầu nhân lực và Thông tin thị trường lao động TP.HCM, nhu cầu lao động tập trung ở các ngành nghề như dệt may, da giày, logistics, hóa chất – dược – cao su, nhóm ngành dịch vụ (nhà hàng, khách sạn, hướng dẫn viên du lịch…), công nghệ thông tin, nhóm ngành kỹ thuật (điện công nghiệp, cơ khí, hàn, tiện…). Nhu cầu nhân lực qua đào tạo chiếm khoảng 86%, trong đó trình độ sơ cấp chiếm 20,6%; TC chiếm 25,08%; CĐ chiếm 19,13% và trình độ ĐH chiếm 21,58%. Trong khi đó, nhu cầu lao động ở các khu chế xuất – khu công nghiệp tăng cao do yêu cầu mở rộng quy mô sản xuất cũng như phát triển doanh nghiệp sau thời gian dịch bệnh. Ông Phạm Thanh Trực (Phó trưởng Ban quản lý khu chế xuất – khu công nghiệp TP.HCM) cho biết, trong năm 2022, các doanh nghiệp đăng ký nhu cầu trên 50.000 lao động, trong đó khu vực Nhà nước là 10.000 lao động và doanh nghiệp FDI khoảng 41.000 lao động.
Theo giaoduc.edu.vn