Hiện nay, hàng loạt công trình giao thông trọng điểm đang được triển khai, hoàn thiện sẽ khép kín cung đường du lịch Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam.
Về vấn đề này, TS.KTS Ngô Viết Nam Sơn cho rằng: “Bên cạnh không gian “Huế xưa”, Thừa Thiên Huế sẽ có không gian “Huế mới” với các vùng đô thị hiện đại, văn minh, nhà cao tầng, dịch vụ thương mại và quốc tế cũng như hệ thống hạ tầng hiện đại bao gồm sân bay, đường cao tốc, tuyến metro… Chúng ta kỳ vọng các khu đô thị mới sẽ mang bản sắc thế kỷ XXI của Thừa Thiên Huế và đây sẽ là nơi an cư lạc nghiệp với môi trường đáng sống tầm cỡ quốc tế cho các thế hệ tương lai”.
Về phía Đà Nẵng và Quảng Nam, hai địa phương này đang bắt tay triển khai dự án khơi thông lòng sông Cổ Cò và đưa vào sử dụng hệ thống giao thông kết nối các đô thị, khu nghỉ dưỡng ven biển và phố cổ Hội An… Là tuyến giao thông đường thủy và du lịch quan trọng nối liền Đà Nẵng – Hội An, việc xây dựng TP ven sông Cổ Cò theo quy hoạch được xem là động lực kinh tế, kích thích sự phát triển cho cả hai địa phương. Tính chất cộng hưởng qua lại của dự án này sẽ tạo sức bật kinh tế cho cả hai thị trường.
Ở góc nhìn khác, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV & Thành viên Hội đồng tư vấn Chính sách tài chính – tiền tệ Quốc gia, TS Cấn Văn Lực cho rằng, ngành BĐS nhiều triển vọng phục hồi, bởi dù chịu ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19 nhưng giá nhà ở vẫn tăng 6 – 10% tùy địa bàn, chủ yếu do thiếu nguồn cung trong khi cầu không giảm. Giá thuê BĐS khu công nghiệp tăng từ 5 – 18%, tùy địa phương.
Mặt khác, nền kinh tế phục hồi nhanh (khi việc Việt Nam thực hiện tốt chương trình phòng, chống dịch Covid-19 và chương trình phục hồi, phát triển kinh tế – xã hội 2022 – 2023), BĐS cũng có nhiều triển vọng. Bên cạnh đó, việc đầu tư cơ sở hạ tầng, tốc độ đô thị hóa, chuyển đổi số đang diễn ra mạnh mẽ cũng là cơ sở để tin rằng BĐS sẽ sớm phục hồi.
Căn hộ giá từ 100 triệu đồng/m2 sẽ trở lại thị trường
Theo dự báo của DKRA Vietnam, nguồn cung mới và sức cầu của phân khúc đất nền trong năm 2022 tại thị trường Thừa Thiên Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam có thể tăng so với năm 2021. Trong đó, tập trung chủ yếu ở Quảng Nam, còn Thừa Thiên Huế và Đà Nẵng tiếp tục duy trì khan hiếm. Sức cầu có sự hồi phục so với năm 2021. Mặt bằng giá thứ cấp ổn định.
Ghi nhận từ bộ phận R&D – DKRA Vietnam, năm 2021, thị trường đất nền Huế – Đà Nẵng – Quảng Nam có 17 dự án mở bán (7 dự án mới và 10 dự án thuộc giai đoạn mở bán tiếp theo). Nguồn cung ra thị trường đạt khoảng 1.670 sản phẩm, tăng 60% so với năm 2020. Tỷ lệ tiêu thụ chung đạt khoảng 68%, bằng 166% so với năm 2020.
Ở phân khúc căn hộ, nguồn cung mới toàn thị trường này duy trì mức tương đương hoặc tăng nhẹ so với năm 2021, dao động từ 1.200 – 1.500 căn. Các dự án mới tập trung ở TP Đà Nẵng. Riêng Quảng Nam có thể tiếp tục thiếu vắng nguồn cung mới. Giá bán và thanh khoản thị trường thứ cấp có thể phục hồi khi các tỉnh, thành từng bước khôi phục kinh tế, hoạt động du lịch trở lại. Trước đó vào năm 2021, phân khúc này tại khu vực có khoảng 7 dự án mở bán (4 dự án mới, 3 dự án giai đoạn tiếp theo) đều được ghi nhận ở Đà Nẵng.
Đáng chú ý, DKRA dự báo tại Đà Nẵng, nguồn cung căn hộ trong năm nay dao động ở mức 1.000 – 1.300 căn, tập trung ở quận Ngũ Hành Sơn và Hải Châu. Tỷ trọng căn hộ hạng A có thể tăng, trong khi căn hộ hạng B không có nhiều đột biến so với năm 2021. Đặc biệt, dự báo căn hộ hạng sang mức giá từ 100 triệu đồng/m2 trở lại thị trường, tập trung chủ yếu ở quận Hải Châu.
Trong khi đó, nguồn cung mới phân khúc nhà phố/biệt thự dự báo duy trì mức ổn định trong năm 2022. Thừa Thiên Huế có thể tiếp tục dẫn đầu nguồn cung mới (năm 2021 chiếm 54% nguồn cung, 47% lượng tiêu thụ toàn thị trường), trong khi Đà Nẵng tiếp tục duy trì khan hiếm trong năm 2022.
Đà Nẵng luôn là khu vực tiềm năng phát triển thị trường bất động sản.
Với BĐS nghỉ dưỡng, nguồn cung mới có thể tăng so với năm 2021. Trong đó, TP Đà Nẵng là thị trường tiếp tục dẫn dắt nguồn cung, Thừa Thiên Huế tiếp tục khan hiếm. Xu hướng dịch chuyển sang chương trình ủy thác cho thuê theo dạng chia sẻ lợi nhuận tiếp tục được nhiều chủ đầu tư áp dụng.
YẾN TRINH