Đáp ứng nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp, gần đây các NHTM tung ra nhiều gói tín dụng lãi suất cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi.
Tháng 3, Vietcombank tung ra gói tín dụng trị giá 49.000 tỷ đồng dành cho vay doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) với lãi suất 5,6-8,3%/năm kéo dài đến đầu năm sau. BIDV cũng đã triển khai gói vay 100.000 tỷ đồng, cho vay tiêu dùng và bổ sung vốn lưu động, lãi suất ngắn hạn từ 5%-5,5%/năm. Hay Agribank có chương trình cho vay ngắn hạn bằng VND doanh nghiệp lớn lãi suất 4%/năm, kéo dài đến hết 2022.
Trong khi đó, nhóm NHTMCP như LienVietPostBank, ABBank, SeABank, NamABank, Viet Capital Bank, MSB… cũng lần lượt đưa ra các gói tín dụng dành riêng cho nhóm khách hàng DNNVV. Cụ thể, trong tháng 3/2022, NamABank đã dành 30.000 tỷ đồng tài trợ các doanh nghiệp ngành tôm xây dựng chuỗi giá trị khép kín; ABBank triển khai gói vay 4.500 tỷ đồng cho vay trung và dài hạn với khách hàng cá nhân, lãi suất từ 7,29%/năm.
Nhiều gói tín dụng lãi suất cho vay ưu đãi nhằm hỗ trợ sản xuất kinh doanh phục hồi. |
Viet Capital Bank cũng lên kế hoạch sẽ triển khai 3 gói tín dụng trong năm nay trị giá 9.000 tỷ đồng cho DNNVV với mức lãi suất thấp hơn 1,5% so với khoản vay thông thường. Đồng thời ngân hàng này còn tài trợ lên đến 200% hạn mức tín dụng đối với công ty nhỏ và siêu nhỏ để bổ sung vốn lưu động mua sắm nguyên vật liệu, hàng hóa và thanh toán các chi phí hoạt động.
Theo quan sát thị trường của phóng viên, mặt bằng lãi suất cho vay phục vụ sản xuất kinh doanh và tiêu dùng trong 3 tháng đầu năm 2022 vẫn đang ổn định ở mức như năm 2021. Theo đó, lãi suất các khoản vay ngắn hạn tại BIDV hiện nay đang áp dụng mức 5%-5,5%/năm. Một số NHTM khác áp dụng mức lãi suất cho vay 5,6-8,3%/năm trong các chương trình tín dụng dành riêng cho các nhóm doanh nghiệp ngành nghề đặc thù như du lịch, xây lắp, dệt may, thuỷ sản…
Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, cùng với sự phục hồi của nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế, tốc độ tăng trưởng tín dụng của các TCTD đang khởi sắc trở lại. Theo nhận định của một số hiệp hội ngành hàng, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp trong các tháng cuối quý I/2022 đã có sự chuyển biến rõ nét. Khối ngành sản xuất và kinh doanh dịch vụ sau nhiều tháng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh hiện nay đều đã bắt đầu phục hồi và có nhu cầu vay mới để tái sản xuất, kinh doanh. Từ đó thúc đẩy các ngân hàng tìm kiếm nguồn vốn để chuẩn bị đáp ứng nhu cầu vay vốn tăng khi kinh tế đã trở lại bình thường. Thực tế gần đây một số NHTM nhỏ đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động ở một số kỳ hạn nhằm thu hút vốn ngoài xã hội vào ngân hàng. Chẳng hạn, BacABank, OCB, MSB… trong tuần cuối tháng 3/2022 đã điều chỉnh tăng lãi suất huy động 0,1-0,3% đối với các kỳ hạn huy động từ 3-6 tháng và 18-36 tháng. Nhiều ngân hàng khác cho ra đời các sản phẩm chứng chỉ tiền gửi dài hạn nhằm chuẩn bị cho vay các dự án đầu tư.
Tuy nhiên lãnh đạo một chi nhánh BIDV tại TP.HCM cho rằng, lãi suất huy động tăng nhẹ chỉ xảy ra cục bộ ở một số ngân hàng. Trong cơ cấu nguồn vốn của nhóm ngân hàng quy mô lớn, hiện tỷ lệ tiền gửi ngắn hạn với lãi suất thấp vẫn có tỷ trọng đáng kể và là cơ hội cho hoạt động bình quân vốn cho vay với lãi suất phù hợp.
Đồng quan điểm, bà Nguyễn Thị Hằng Nga – Phó tổng giám đốc Công ty Quản lý quỹ Vietcombank (VCBF) đánh giá, số liệu năm 2021 nhóm ngân hàng Techcombank, MB, MSB, Vietcombank… có tỷ lệ CASA (tiền gửi không kỳ hạn trên tổng tiền gửi) ở mức khá cao từ 32,2% – 50,5%. Nguyên do các ngân hàng này đi đầu trong miễn phí các giao dịch chuyển tiền, thanh toán trên ngân hàng số nên thu hút được một lượng tiền nhỏ lẻ rất lớn của người tiêu dùng, tạo ra lợi thế chi phí vốn rẻ cho nhiều ngân hàng. Từ đó các NHTMCP này có cơ hội giữ ổn định lãi suất cho vay trong thời gian tới và tiếp tục thu hút chọn lựa được các khách hàng vay vốn có dự án tốt.
Mặc dù hệ thống ngân hàng chịu áp lực từ lạm phát và các nền kinh tế trên thế giới tăng lãi suất trong các tháng đầu năm 2021, tuy nhiên trong kế hoạch hành động số 422 của NHNN mới đây tiếp tục yêu cầu các TCTD hỗ trợ doanh nghiệp cơ cấu lại nợ, giảm phí và lãi suất cho vay mới phục vụ tăng trưởng kinh tế.
Bởi vậy Công ty chứng khoán SSI đánh giá, lãi suất huy động một số ngân hàng tăng nhẹ nhưng mặt bằng lãi suất cho vay sẽ không có nhiều thay đổi trong các tháng tới. Còn Công ty chứng khoán VNDirect dự báo thời gian tới hệ thống ngân hàng triển khai hỗ trợ lãi suất 2% theo Nghị quyết 11 của Chính phủ về Chương trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế và theo Nghị quyết 43 của Quốc hội về chính sách tài khóa và tiền tệ giai đoạn 2022-2023 có thể giúp mặt bằng lãi suất cho vay trên thị trường năm nay giảm từ 0,2-0,4% so với năm 2021.