Chè Việt Nam chiếm trên 50% tổng lượng nhập khẩu Đài Loan
Tại phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm chè và cà phê sang thị trường Đài Loan và Hồng Kông ngày 28/4, bà Nguyễn Thu Thủy, Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xuất khẩu (Cục Xúc tiến thương mại – Bộ Công Thương) cho biết, Việt Nam là nước có lợi thế sản xuất chè. Việt Nam có trên 170 giống chè các loại đảm bảo chất lượng và cho năng suất cao, với các hương vị đặc biệt được thế giới ưa chuộng. Sản phẩm chè của Việt Nam cũng đã được xuất khẩu tới hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, Pakistan, Đài Loan, Nga, Indonesia, Trung Quốc là 5 thị trường trọng điểm của chè Việt.
Năm 2021, xuất khẩu chè của Việt Nam sang Đài Loan đạt 18.586 tấn, tương đương 28,72 triệu USD, tăng 7,5% cả về lượng và kim ngạch, chiếm 14,7% trong tổng lượng và chiếm 13,4% trong tổng kim ngạch xuất khẩu chè.
Theo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), trong 2 tháng đầu năm, thị trường Đài Loan nhập khẩu chè nhiều nhất từ Việt Nam, đạt 2.000 tấn, trị giá 3 triệu USD, tăng 3,5% về lượng và tăng 0,9% về trị giá so với cùng kỳ năm 2021. Nhập khẩu chè Việt Nam chiếm 47,7% tổng lượng chè nhập khẩu của thị trường Đài Loan trong 2 tháng đầu năm.
Ông Vũ Văn Cường – Trưởng đại diện Bộ phận Thương vụ, Văn phòng Kinh tế, Văn hoá Việt Nam tại Đài Bắc (Trung Quốc) – cho biết, Việt Nam là thị trường cung cấp chè chính cho Đài Loan. Trong 3 năm gần đây, tỷ trọng chè Việt Nam tại thị trường này giảm, chỉ còn chiếm 56%, trước đó vào năm 2014 -2015, tỷ trọng chiếm gần 70% tổng lượng nhập khẩu chè của Đài Loan.
Lý do giảm tỷ trọng của Việt Nam, theo ông Vũ Văn Cường là do năm 2015, Đài Loan sửa Luật vệ sinh an toàn thực phẩm, trong đó nâng tiêu chuẩn về chè, điều này làm giảm rất lớn lượng trà Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã không đạt được ngưỡng tồn dư của thuốc bảo vệ thực vật.
Hiện nay, đối thủ cạnh tranh chính mặt hàng chè của Việt Nam tại thị trường này là Sri Lanka (tỷ trọng chiếm 15%), Ấn Độ 10%, Indonesia 6%, Trung Quốc chỉ chiếm 1,5%.
“Tại sao Trung Quốc là nước xuất khẩu trà lớn trên thế giới mà xuất khẩu sang Đài Loan số lượng ít? Đó là do sau khi gia nhập WTO, Đài Loan đơn phương cấm trên 800 mặt hàng có nguồn gốc xuất xứ từ Trung Quốc phần lớn là mặt hàng nông sản. Chè Trung Quốc nhập khẩu vào Đài Loan chủ yếu là chè đen, chè đã lên men hoàn toàn, còn các mặt hàng chè xanh, chè hương và các sản phẩm chè khác, Đài Loan đơn phương cấm. Đây là cơ hội để chè Việt Nam trong nhiều năm qua đã thống lĩnh được thị trường Đài Loan.”- ông Vũ Văn Cường nhấn mạnh.
Ngoài ra, chè Việt Nam có được “thành quả” như hiện nay do các chính sách hướng Nam mới của Đài Loan. Từ năm 1993, Đài Loan – Việt Nam chính thức thiết lập Văn phòng Kinh tế – văn hóa đại diện ở mỗi bên, lượng đầu tư của Đài Loan sang Việt Nam khá nhiều. Một trong lĩnh vực đầu tư mạnh về nông nghiệp chính là doanh nhân Đài Loan đã đem giống trà như trà ô long… về trồng tại Việt Nam.
Chè xanh loại bao trên 3kg, Việt Nam là đối tác thương mại trà lớn nhất của Đài Loan. |
Cần đa dạng hóa sản phẩm chè
Mặc dù, Việt Nam là thị trường cung cấp chè chính cho Đài Loan, với lượng xuất khẩu tương đối lớn, nhưng giá trị lại khá thấp.
Theo Hiệp hội Chế biến chè của Đài Loan năm 2021, chè xuất khẩu sang Đài Loan lượng trên 3kg rất lớn, lượng bao gói nhỏ hầu như không có. Trà xanh chiếm tỷ trọng rất lớn, ô long chiếm đại đa số.
Ông Vũ Văn Cường cho rằng, nguyên liệu chè của Việt Nam rất tốt, chè Việt Nam nhập vào Đài Loan chủ yếu dùng trong chế biến thực phẩm có sử dụng nguyên liệu chè như trà sữa, bột matcha (trà xay)… Vì vậy, chè Việt Nam nhập vào Đài Loan thường được đóng bao lớn, loại trên 3kg/bao. Trong khi đó, chè từ nhiều nước khác như Nhật Bản, Sri Lanka… nhập vào Đài Loan chủ yếu được đóng túi nhỏ, đóng hộp, bày bán tại các cửa hàng chuyên bán trà, để bán cho người tiêu dùng Đài Loan mua về pha chè uống hàng ngày hoặc làm quà tặng nhau.
“Doanh nghiệp chè Việt Nam cần có sự đột phá trong thời gian tới. Bên cạnh việc đa dạng hóa thị trường, cần đa dạng hóa các sản phẩm chè. Ngoài các loại trà hiện nay, nên xem xét đầu tư sản xuất các loại khác như trà túi, trà cốc…”, ông Vũ Văn Cường khuyến nghị.
Ngoài ra, chất lượng chè cũng phải đáp ứng tiêu chuẩn của Đài Loan. Nếu sản phẩm đạt chất lượng tốt, không gian cho chè Việt Nam tại thị trường này rất lớn.
Ông CHOU Tsung-Piao Tổng giám đốc Công ty Trà Queyue (Đài Loan) cũng chia sẻ, theo khảo sát của người tiêu dùng Đài Loan khi mua chè, họ quan tâm đến bao bì, thông tin sản xuất, quy trình sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt họ chú ý đến dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Có 66,4% những người được hỏi, sẽ mua chè qua giới thiệu bạn bè, người thân, 75% sẽ mua chè nếu có nhà sản xuất, bán hàng rõ ràng… Điều này cho thấy, người tiêu dùng có nhu cầu về an toàn vệ sinh thực phẩm là xu hướng tất yếu.
“Việc quảng bá chè có chất lượng cao, xác minh nguồn gốc, chất lượng chè an toàn… là nhiệm vụ quan trọng các doanh nghiệp cần lưu ý. Các sản phẩm chè vào Đài Loan đều phải qua kiểm nghiệm đảo bảo lượng tồn dư thuốc bảo vệ thực vật. Nếu không đảm bảo, không đạt sẽ không thể vào được Đài Loan”- ông CHOU Tsung-Piao khuyến nghị.
Sản phẩm trà nhập khẩu vào Đài Loan phải tuân thủ mã nhập khẩu tuân thủ F01 (phải tuân theo Quy định về kiểm tra thực phẩm và sản phẩm liên quan nhập khẩu, nhà nhập khẩu phải đăng ký kiểm tra với Cơ quan quản lý thực phẩm và dược phẩm, Đài Loan (FDA) và mã MWO quy định cấm nhập khẩu các mặt hàng có xuất xứ từ Trung Quốc. Dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, dư lượng Fipronil tại Đài Loan năm 2014 từ 0,005ppm xuống còn 0,002 ppm. |
Theo Báo Công Thương