Để đẩy mạnh thương mại điện tử, nhất là đối với ngành hàng xoài, Ban Quản lý các dự án IFAD, UNIDO và GIC tỉnh Đồng Tháp (Sở NN& PTNN) vừa tổ chức Tuần lễ Xoài Cao Lãnh và trái cây chủ lực trên sàn thương mại điện tử nhằm mục đích hỗ trợ doanh nghiệp, hợp tác xã, hội quán và nông dân đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số, tiếp cận với kênh thương mại điện tử để bán hàng…
Tuần lễ Xoài Cao Lãnh và trái cây chủ lực trên sàn thương mại điện tử tỉnh Đồng Tháp diễn ra từ ngày 16 – 22/05 tại Đồng Tháp. Đây là một trong những hoạt động của Dự án Hướng tới tương lai tốt đẹp hơn: Phát triển chuỗi giá trị có tăng cường ứng dụng kỹ thuật số và có khả năng ứng phó, chú trọng tới phụ nữ và thanh niên Việt Nam, do tổ chức IFAD và UNIDO tài trợ.
Ông Huỳnh Tất Đạt, Phó Giám đốc Sở NN&PTNN cho biết, xoài là một trong những ngành hàng chủ lực của Đồng Tháp, đến thời điểm hiện nay diện tích xoài hơn 14.200 ha với sản lượng trên 129.000 tấn mỗi năm, trong đó 65% sản lượng được xuất khẩu thông qua các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh, 35% được tiêu dùng nội địa qua kênh truyền thống. Nắm bắt nhu cầu của người tiêu dùng, thời gian qua nhiều nông dân trên địa bàn Đồng Tháp đã từng bước đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử để bán.
Ông Phạm Thiện Nghĩa, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp cho biết, địa phương đã xây dựng bộ tiêu chí để thực hiện tất cả vùng xoài, đảm bảo được mã vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và đáp ứng được các tiêu chuẩn để đưa vào các thị trường xuất khẩu. Để nâng cao giá trị nông sản, Đồng Tháp đã khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã chế biến thành những sản phẩm OCOP để nâng cao giá trị. Bên cạnh đó, tổ chức kết nối giao thương giữa các doanh nghiệp với các hợp tác xã sản xuất xoài trên địa bàn.
“Đồng Tháp đã kiên trì để thực hiện theo các tiêu chuẩn quốc tế, trong những năm qua chúng tôi thực hiện rất mạnh mẽ chuyển trồng xoài theo hữu cơ, chính vấn đề này chúng tôi áp dụng theo GlobalGAP, VietGAP theo tất cả các tiêu chuẩn để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường thế giới. Chúng tôi khuyến khích qua những khâu chế biến để tạo thành những sản phẩm OCOP, những sản phẩm mà chúng ta nâng cao giá trị gia tăng để phát triển ngành hàng xoài, nâng cao giá trị hơn trong thời gian tới” – ông Phạm Thiện Nghĩa nhấn mạnh.
Tại hội nghị kết nối, tiêu thụ và phát triển bền vững ngành hàng xoài, các doanh nghiệp và hợp tác xã, hội quán, nông dân trồng xoài trên địa bàn tỉnh đã trao đổi về nhu cầu tiêu thụ xoài, tiêu chuẩn về mẫu mã, chất lượng xoài xuất khẩu. Trong đó, sản xuất đáp ứng yêu cầu của thị trường, đặc biệt về dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, trồng rải vụ để có sản lượng quanh năm… là điều kiện được doanh nghiệp mong muốn nông dân tuân thủ để có sự gắn kết chặt chẽ giữa hai bên trong liên kết tiêu thụ.
Theo Thuonghieucongluan.com.vn