Cộng đồng doanh nhân, doanh nghiệp người Việt Nam tại nước ngoài đóng vai trò dẫn dắt, kết nối đưa hàng Việt ra nước ngoài và cùng doanh nghiệp trong nước tạo chuỗi cung úng của người Việt trên thị trường thế giới…
Nhiều ý kiến tâm huyết về giải pháp tăng cường đưa hàng Việt ra thị trường thế giới đã được các doanh nhân là đại diện các hiệp hội doanh nghiệp (DN) Việt Nam tại nhiều quốc gia/vùng lãnh thổ chia sẻ tại tọa đàm chủ đề “Nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài trong việc tham gia giới thiệu, tiêu thụ sản phẩm và phát triển các kênh phân phối hàng Việt Nam ở nước ngoài” do Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM (gọi tắt là ủy ban) tổ chức chiều 1-6.
Cầu nối mở rộng kênh phân phối hàng Việt
Nói đến việc phát huy nguồn lực người Việt Nam ở nước ngoài để xuất khẩu hàng Việt, đại sứ Ngô Hướng Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài TP HCM, cho biết thời gian qua, ủy ban đã thúc đẩy hình thành mạng lưới doanh nhân kiều bào trên toàn thế giới, kết nối mạng lưới này với các hiệp hội doanh nhân người Việt tại nước ngoài.
“Hiện có 35 hiệp hội doanh nhân người Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên lạc với chúng tôi. Từ năm 2021 đến nay, ủy ban đã tổ chức nhiều hoạt động kết nối DN kiều bào với DN trong nước và các địa phương, khuyến khích DN kiều bào đưa hàng Việt xuất ngoại” – ông Ngô Hướng Nam cho biết.
Mặt hàng thanh long của Việt Nam đã xuất khẩu được sang một số thị trường khó tính
Trao đổi tại tọa đàm, một số cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài cho hay từ năm 2021 đến nay, dù gặp nhiều khó khăn nhưng điều đáng mừng là kim ngạch thương mại Việt Nam với một số thị trường tăng trưởng tốt. Xu hướng đa dạng hóa nguồn hàng nhập khẩu của một số quốc gia đã mở ra thêm cơ hội cho hàng hóa Việt Nam tiếp cận người tiêu dùng quốc tế.
Phó Đại sứ Trần Lê Phương, cơ quan đại diện Việt Nam tại Úc, cho hay năm 2021, kim ngạch thương mại Việt Nam – Úc đạt 12,4 tỉ USD, tăng gần 50% so với năm 2020. Bốn tháng đầu năm 2022, kim ngạch thương mại 2 chiều đạt 4,8 tỉ USD, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm 2021.
“Khoảng 300.000 người Việt Nam tại Úc, trong đó có những doanh nhân đang rất thành công nỗ lực đưa hàng Việt phục vụ người Việt tại Úc và người bản xứ nhiều hơn. Các hiệp hội DN Việt Nam tại Úc có những đóng góp to lớn trong việc mở rộng kênh phân phối hàng Việt tại Úc, bao gồm các mặt hàng truyền thống lẫn hàng công nghệ cao” – ông Trần Lê Phương cho biết.
Với thị trường Mỹ vốn là đối tác quan trọng của Việt Nam, ông Tô Anh Tuấn, Tham tán Đại sứ quán Việt Nam tại Mỹ, cho biết cộng đồng người Việt tại Mỹ khoảng 2,4 triệu người, có tiềm lực kinh tế lớn nhất, phát triển ổn định.
Với khoảng 300.000 cơ sở kinh doanh tại Mỹ, các doanh nhân người Việt tại đây có nhiều lợi thế trong hợp tác với DN trong nước để thâm nhập thị trường Mỹ, gần đây đã hình thành nhiều trung tâm mua sắm của người Việt tại Mỹ, nhiều siêu thị của Mỹ đã bố trí khu vực riêng cho hàng hóa châu Á, trong đó có hàng Việt Nam.
“Thị trường Mỹ khó tính, cạnh tranh cao, yêu cầu khắt khe về nguồn gốc xuất xứ và nhiều yêu cầu khác. Với sự am hiểu thị trường, cộng đồng DN người Việt tại Mỹ sẽ hỗ trợ tốt cho các đối tác tại Việt Nam tiếp cận, thâm nhập thị trường Mỹ” – ông Tô Anh Tuấn nhấn mạnh.
Đồng tình với ý kiến của các cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài, các doanh nhân Việt kiều cho rằng các DN muốn xuất khẩu hàng Việt cần tham gia và tương tác nhiều hơn với các hội nghị do các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài tổ chức, kết nối với các tổ chức, hiệp hội DN Việt tại các nước để được hướng dẫn, hỗ trợ.
Ông Lê Bá Linh, Phó Chủ tịch Hội Liên lạc Lào – Thái Lan, cho biết đang bàn bạc để trực tiếp đưa hàng Việt vào Mỹ. “Nếu được, tôi sẽ là đại diện cho những DN muốn xuất khẩu, thông qua công ty chúng tôi đưa hàng sang các nước, khi nào thành công chúng tôi sẽ bàn giao lại cho chủ DN” – ông Lê Bá Linh bày tỏ.
Nâng tính cạnh tranh của sản phẩm “made in Vietnam”
Theo các DN kiều bào, cộng đồng doanh nhân Việt Nam trên thế giới rất tâm huyết, luôn nỗ lực mở rộng kênh phân phối hàng Việt nhưng quy mô và tiềm lực còn hạn chế nên rất cần chính quyền TP HCM xem xét hỗ trợ các hoạt động quảng bá hàng Việt tại nước ngoài, hoạt động của các trung tâm phát triển sản phẩm Việt Nam ở nước ngoài, qua đó đẩy mạnh giới thiệu hàng Việt đến người tiêu dùng quốc tế. Ngoài ra, phía Việt Nam cần có những bước quảng bá thương hiệu để tạo uy tín cho sản phẩm “made in Vietnam”.
Quan trọng hơn, cần nhanh chóng xây dựng những kho hàng để tập kết, dự trữ và bán hàng Việt hiệu quả hơn. Ông Đinh Vĩnh Cường, người Việt Nam ở Nhật, Chủ nhiệm CLB Kết nối doanh nhân Việt Nam – quốc tế (VIENC), cho hay đã nhận được thông tin từ một số đối tác ở các nước muốn ký kết với hiệp hội tìm kiếm nguồn cung gạo, thủy sản… để xuất sang thị trường họ.
“Nhân cơ hội này, chúng ta nên làm cho tốt để xuất khẩu hiệu quả hơn. Tôi làm logistics và thấy người Trung Quốc rất nhanh nhạy, lập kho khắp nơi trên thế giới nên khi khách đặt hàng thì giao rất nhanh. Chúng ta cũng có thể mở các nhà kho đưa hàng của người Việt sang bán, sẽ tiết kiệm được rất nhiều chi phí cho DN xuất khẩu trong nước” – ông Cường nêu ý kiến.
Cũng theo ông Cường, nguồn lực kiều bào rất lớn, các doanh nhân kiều bào đã có sự kết nối nhưng còn ở quy mô nhỏ lẻ mà chưa quy về một mối để hỗ trợ nhau hiệu quả hơn. “Ủy ban về người Việt Nam tại nước ngoài khi lập danh sách kiều bào cần lập thêm danh sách kho của các doanh nhân kiều bào để công bố rộng rãi cho cộng đồng doanh nhân người Việt ở nước ngoài biết nhằm liên hệ, ký gửi hàng hóa” – ông Linh đề xuất.
Ông David Dương, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nhân Việt – Mỹ (VABA), chỉ rõ hàng Việt muốn tiếp cận cộng đồng người châu Á và người bản xứ tại Mỹ thì phải có chất lượng tốt, giá cạnh tranh hơn. “Nếu có những nhà kho tại Mỹ để thường xuyên xuất khẩu hàng Việt qua kho và bán trực tiếp cho khách hàng thì sẽ có lợi thế hơn. Các nhà kho này cũng sẽ là nơi quảng bá sản phẩm Việt rất tốt” – ông David Dương nói.
Nhiều hoạt động hỗ trợ DN xuất khẩu Việt Nam
Cũng tại buổi tọa đàm, đại diện các hội, hiệp hội DN Việt Nam tại nước ngoài cam kết hỗ trợ các DN Việt Nam trong hoạt động xúc tiến thương mại và cầu nối thị trường, tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại (hội chợ, triển lãm, hội thảo…), thông tin về các quy định luật pháp nước sở tại để tránh trở thành mục tiêu áp dụng các biện pháp phòng hộ thương mại của các nước và nhất là vấn đề nguồn gốc xuất xứ; nâng cao chất lượng sản phẩm mẫu mã, gia nhập vào chuỗi cung ứng hàng hóa…
Cùng với đó là đẩy mạnh sản phẩm hàng Việt lên các sàn thương mại điện tử xuyên biên giới như Amazon, Alibaba… để người Việt Nam tại nước ngoài có cơ hội tra cứu, tiếp cận và mua hàng; hình thành những showroom gian hàng trưng bày sản phẩm cho DN Việt Nam tại các thị trường.
Riêng với thị trường Trung Quốc, TS Trà My, Chủ tịch Hội DN người Việt Nam ở Trung Quốc, cho hay hội đang có các chương trình hỗ trợ miễn phí cho DN Việt Nam quảng bá sản phẩm trên nền tảng mạng xã hội Trung Quốc, hỗ trợ miễn phí cho DN Việt Nam mở công ty hoặc chi nhánh và hỗ trợ miễn phí trưng bày hàng hóa ở trung tâm thương mại tại TP YanTai (còn gọi là Yên Đài), tỉnh Sơn Đông – Trung Quốc… sẵn sàng chào đón, hỗ trợ DN Việt đưa hàng vào thị trường đông dân này.
|
Thanh Nhân (theo NLĐ)