Từ những bài học thực tế của những gã khổng lồ “ngã ngựa” vì thiếu sự thay đổi như Nokia hay câu chuyện thành công vang dội từ khủng hoảng của những đế chế hàng đầu hiện nay như Toyota, Apple, Samsung… đều cho thấy tầm quan trọng của việc dẫn dắt sự thay đổi và thực hiện thay đổi kịp thời
Quản trị sự thay đổi quyết định thành – bại
Tại hội thảo trực tuyến “Quản trị sự thay đổi hiệu quả – Yếu tố quan trọng trong chuyển đổi số tại doanh nghiệp” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Công ty SAP và Amazon Web Services tổ chức mới đây, ông Hoàng Quang Phòng – Phó Chủ tịch VCCI cho biết, trong bối cảnh thế giới biến đổi liên tục, dù muốn hay không, mọi DN đều phải chịu tác động của một loạt yếu tố bên ngoài trong quá trình hướng tới mục tiêu phát triển lâu dài.
Vì vậy, quản trị sự thay đổi hiệu quả sẽ giúp cho doanh nghiệp thích ứng tốt nhất với mọi hoàn cảnh. Thay đổi ở đây không chỉ là thay đổi ngắn hạn để đối phó với những trở ngại do khủng hoảng và dịch bệnh gây ra. Đó sẽ là sự thay đổi lâu dài để thích ứng và phát triển bền vững.
Từ những bài học thực tế của những gã khổng lồ “ngã ngựa” vì thiếu sự thay đổi như Nokia hay câu chuyện thành công vang dội từ khủng hoảng của những đế chế hàng đầu hiện nay như Toyota, Apple, Samsung… đều cho thấy tầm quan trọng của việc dẫn dắt sự thay đổi và thực hiện thay đổi kịp thời.
Quản trị sự thay đổi hiệu quả sẽ giúp cho doanh nghiệp thích ứng tốt nhất với mọi hoàn cảnh.
Ông Nguyễn Trung Thực – Phó Viện trưởng Viện Tin học Doanh nghiệp chia sẻ: Trong quyết định số 411 ngày 31/3/2022 của Thủ tương Chính phủ phê duyệt chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số, xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, nhiệm vụ đặt ra trong năm 2022 là đẩy mạnh CĐS theo hướng lấy người dân và DN làm trung tâm.
Theo Kế hoạch của Bộ Thông tin và Truyền thông, trong năm nay, phấn đấu hoàn thành 35 nền tảng số và mục tiêu rất quan trọng đến năm 2025 là kinh tế số chiếm 20% GDP. Đây là thách thức rất lớn đối với cộng đồng DN nói chung và cộng đồng DN công nghệ số nói riêng.
Tuy nhiên, trên thực tế, trong báo cáo gần đây của 1 công ty tư vấn toàn cầu, tỷ lệ CĐS thành công của các DN, đặc biệt là các DNNVV còn đang ở mức khiêm tốn. Theo công ty này, 70% dự án thất bại do hạn chế hoặc không quản lý được sự thay đổi. Trong sản xuất, thậm chí con số còn cao hơn. Những hành vi thụ động làm trì hoãn mục tiêu của quá trình chuyển đổi.
Doanh nghiệp cần quyết liệt
Theo ông Hoàng Quang Phòng, sự thay đổi lớn nhất và nhanh nhất ngày nay là sự thay đổi về công nghệ. Việc kết nối ngày càng thuận tiện giữa con người với vạn vật trong cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang dần làm thay đổi nhu cầu của thị trường. Để theo kịp và duy trì tính cạnh tranh, doanh nghiệp phải điều chỉnh theo những nhu cầu này bằng cách số hóa các quy trình, mô hình sản xuất kinh doanh và bắt buộc phải tham gia vào cuộc chơi tất yếu mang tên “chuyển đổi số”. Do vậy, quản trị sự thay đổi hiệu quả là tiền đề quan trọng nhằm nâng cao tỷ lệ thành công trong công cuộc chuyển đổi số của mỗi tổ chức.
Trong khi đó, ông Nguyễn Trung Thực cho rằng, để quản trị sự thay đổi trong chuyển đổi số (CĐS), DN cần có kế hoạch và chiến lược. Định hình văn hóa mới cũng như năng lực lãnh đạo cần được năng cao để giải quyết vấn đề thách thức trong tổ chức, đích đến là tạo sự thấu hiểu từ hai phía: tổ chức và nhân sự. Hình thành động lực thúc đẩy sự tham gia của các thành viên. Đồng thời không làm xáo trộn, loại bỏ đi nền tảng cũ của DN mà có sự phối hợp hài hòa, nâng cao hiệu quả hoạt động của các tổ chức.
Ở góc độ cơ quan quản lý Nhà nước, trong quá trình hỗ trợ các DN cũng như từ sự trải nghiệm của DN, ông Lê Văn Khương – Giám đốc Trung tâm hỗ trợ Doanh nghiệp nhỏ và vừa phía Bắc (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) khuyến nghị, lãnh đạo DN cần phải nhận thức đúng đắn về lợi ích, vai trò của chuyển đổi số, trong đó đặc biệt là quản trị sự thay đổi. Cùng với nhận thức đúng cần lựa chọn giải pháp phù hợp với DN trong bối cảnh thị trường có nhiều nhà cung cấp với vô vàn các giải pháp khác nhau. Thêm vào đó, người đứng đầu DN cần phải quyết liệt trong quản trị sự thay đổi của tiến trình CĐS. Việc quản trị sự thay đổi có vai trò rất quan trọng đối với bất cứ DN nào.
Sự chuyển mình kịp thời của các doanh nghiệp sẽ tạo ra thế và lực mới, nâng cao hơn nữa đóng góp của cộng đồng doanh nghiệp vào sự phát triển của đất nước.
Theo Doanhnghiepvn.vn