Việc quy định cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách ở bán kính dưới 500 m là hạn chế quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp…
Bộ Công Thương vừa đưa ra dự thảo thông tư quy định về phân loại và quản lý một số loại hình hạ tầng thương mại để lấy ý kiến, bao gồm siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet. Trong đó, yêu cầu hệ thống siêu thị và trung tâm thương mại phải có địa điểm kinh doanh phù hợp với quy hoạch và có quy mô, có cách thức và trình độ tổ chức kinh doanh đáp ứng các tiêu chí cơ bản.
Riêng với cửa hàng tiện lợi, dự thảo thông tư yêu cầu phải được đặt tại vị trí khu dân cư tập trung, khu thương mại dịch vụ, khu du lịch, nơi tập trung đông người. Hàng hóa chủ yếu là thực phẩm ăn ngay và hàng bách hóa nhỏ lẻ; hàng tiêu dùng nhanh; số lượng mặt hàng kinh doanh trong khoảng 3.000 tên hàng, được hoạt động tối đa 24 giờ/ngày.
Ngoài ra, dự thảo quy định các cửa hàng tiện lợi được bán chủ yếu theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân. Đối tượng phục vụ chủ yếu là khách mua hàng trong phạm vi bán kính dưới 500 m. Hệ thống này sẽ hoạt động theo chuỗi, áp dụng công nghệ hiện đại trong hoạt động bán hàng và thanh toán.
Một cửa hàng tiện lợi tại TP HCM
Dù chưa được góp ý cho dự thảo thông tư nhưng nhiều doanh nghiệp (DN) bán lẻ lớn cho rằng một số nội dung trong dự thảo đang quy định chung chung, không phù hợp và khó khả thi. Đặc biệt, một số quy định có khả năng gây trở ngại cho các DN kinh doanh loại hình này.
Chị L.B, giám đốc một chuỗi cửa hàng thực phẩm cao cấp tại TP HCM, cho rằng cơ quan soạn thảo quy định cửa hàng tiện lợi “chủ yếu bán theo phương thức tự phục vụ, thanh toán tập trung tại quầy thu ngân” nhằm phân biệt với các cửa hàng tạp hóa truyền thống và định hướng mô hình, quy mô hoạt động của cửa hàng tiện lợi. Vì vậy, có thể đây chỉ là vấn đề câu chữ chứ không có nghĩa là tại các cửa hàng tiện lợi, nhân viên không được phục vụ khách chọn hàng, mua hàng.
Riêng quy định về đối tượng phục vụ của cửa hàng tiện lợi, chị L.B đánh giá là không cần thiết. “Dự thảo thông tư đưa ra tiêu chí cho 5 loại hình: siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet nhưng chỉ đưa tiêu chí về đối tượng khách hàng cho cửa hàng tiện lợi. Thường các cửa hàng tiện lợi phục vụ cộng đồng dân cư nhỏ, dễ tiếp cận. Hiện tại, một cửa hàng tạp hóa cũng có thể coi là cửa hàng tiện lợi nếu họ bảo đảm được việc trưng bày và tính tiền qua máy tính. Xu hướng tạp hóa khu đô thị cũng nên và sẽ thay đổi theo hướng này” – chị L.B nêu ý kiến.
Ông K., giám đốc marketing một hệ thống siêu thị lớn, cho rằng quy định về đối tượng khách hàng chủ yếu của mỗi cửa hàng tiện lợi trong phạm vi dưới 500 m là rất hẹp, khả năng sẽ giới hạn quyền tiếp cận mua hàng của người dân.
“Dự thảo dùng từ “chủ yếu”, nghĩa là ngoài đối tượng khách hàng trong bán kính dưới 500 m, cửa hàng có được quyền bán cho khách vãng lai và khách ngoài phạm vi này? Đây là vấn đề cần làm rõ bởi nếu dự thảo được hoàn chỉnh và thông qua với những quy định chung chung thế này sẽ dẫn đến “hiểu sao cũng trúng”, khó cho DN trong quá trình thực hiện” – ông K. nêu thắc mắc.
Cũng theo ông K., lâu nay, cửa hàng tiện lợi được hiểu là cửa hàng có 1 quầy thu ngân, có máy tính tiền, tiện cho mua sắm. Cửa hàng đó có thể gần nhà, cơ quan hoặc trên đường đi… chỉ có chợ truyền thống mới quan trọng việc gần hay không gần nhà.
Một chuyên gia bán lẻ nhận định có thể có câu chuyện gì đó đằng sau quy định về đối tượng khách hàng của cửa hàng tiện lợi. Dù vậy, cơ quan soạn thảo cần tính đến yếu tố khả thi của quy định bởi từ quy định này, làm sao triển khai, kiểm soát là cả quá trình dài.
Trao đổi với phóng viên, luật sư Nguyễn Văn Đức, Công ty TNHH MTV Kinh Luân, nhận xét quy định cửa hàng tiện lợi chủ yếu phục vụ khách ở bán kính dưới 500 m là hạn chế quyền tự do kinh doanh của DN. Về nguyên tắc, các quy định của thông tư không được trái với hiến pháp và luật là bảo đảm quyền tự do kinh doanh của DN. Việt Nam đang vận hành theo nền kinh tế thị trường thì nên để thị trường tự điều tiết chứ không nên can thiệp bằng những quy định chung chung có khả năng ảnh hưởng đến 1 loại hình, 1 bộ phận DN như vậy. “Có thể hiểu, quy định này không có nghĩa là cửa hàng tiện lợi không được bán cho người ở phạm vi 500 m nhưng cách diễn đạt có thể gây hiểu sai” – ông Đức nêu.
Ngoài ra, theo luật sư Đức, những gì đã được luật quy định (trong trường hợp này là Luật DN) thì thông tư không cần quy định lại để tránh gây ra tình trạng hướng dẫn chồng chéo, tạo thêm phiền hà cho DN.
Dễ gây hiểu lầm
Cũng theo dự thảo thông tư, thương nhân kinh doanh hạ tầng thương mại phải thực hiện phân loại, phân hạng hạ tầng thương mại kinh doanh và đặt tên đúng loại hình theo thông tư. Các cơ sở kinh doanh thương mại không đáp ứng đủ các tiêu chí quy định sẽ không được đặt tên là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet hoặc ghi biển hiệu bằng tiếng Việt hay tiếng nước ngoài (như supermarket, hypermarket, big mart, big store, shopping center, trade center, plaza…). Đối với tên biển hiệu, dự thảo quy định phải ghi bằng tiếng Việt Nam là siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng outlet, trung tâm outlet trước tên thương mại hoặc tên riêng.
Ngoài tên bằng tiếng Việt, những loại hạ tầng thương mại này có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt (bằng chữ Latin), còn tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài. Phần tên riêng trong tên của hạ tầng thương mại không được sử dụng cụm từ “công ty”, “DN”.
Một chuyên gia bán lẻ cho hay đang có sự hiểu lầm về quy định này. Theo quy định, các DN bán lẻ sẽ không phải đổi tên, biển hiệu của DN mình mà chỉ đơn vị kinh doanh hạ tầng thương mại phải điều chỉnh (trong trường hợp đang ghi biển hiệu không đúng với các tiêu chí của loại hình hoạt động) nhằm tránh tình trạng loạn tên gọi các hạ tầng thương mại. “Quy định này cũng đã có từ trước nhưng chưa được thực hiện nghiêm nên dự thảo đưa vào nhắc lại” – chuyên gia nêu.
|
Thanh Nhân (theo NLĐ)