Với doanh thu gần 9,2 tỷ đồng mỗi ngày, nhưng năm 2021, Grab ghi nhận lợi nhuận ròng âm 301 tỷ đồng, nâng lỗ lũy kế lên 4.365 tỷ đồng.
“Đốt tiền” cho quảng cáo và ưu đãi
Theo báo cáo tài chính năm 2021 của Công ty TNHH Grab Việt Nam (Grab Việt Nam) ghi nhận doanh thu đạt 3.346 tỷ đồng, giảm 11% so với năm 2020. Trong đó, gần như tất cả số thu đến từ hoạt động cung cấp dịch vụ kết nối (99,8%), còn lại là bán hàng hóa.
Song song đó, lợi nhuận gộp của Grab Việt Nam giảm gần 20%, còn 1.951 tỷ đồng. Lý giải nguyên nhân giảm lợi nhuận gộp là do giá vốn bán hàng tăng. Như vậy, trong năm 2021, biên lãi gộp của công ty này đạt khoảng 58,3%, thấp hơn mức 64,5% của năm 2020.
Trong bối cảnh doanh thu và lãi gộp đi xuống, thì chi phí bán hàng bị đội thêm 25% (lên 1.926 tỷ đồng), chi phí tài chính của Grab bị đội thêm 46% (lên 22 tỷ đồng), riêng chi phí quản lý doanh nghiệp cắt giảm được 44% (còn 414 tỷ đồng).
Đáng chú ý, chi phí bán hàng của Grab lên đến gần 2 nghìn tỷ đồng. Nguyên nhân khiến chi phí này luôn ở mức cao vì Grab thường xuyên đưa ra các chương trình khuyến mãi cho khách hàng và chi phí quảng cáo không chỉ để thu hút khách hàng mà còn thu hút tài xế – đối tác của doanh nghiệp này.
Theo đó, doanh nghiệp này dành 1.622 tỷ đồng trong năm 2021 cho chi phí bán hàng, tăng 22% so với năm 2020. Ngoài ra, chi phí quảng cáo cũng tăng từ 208 tỷ đồng lên 304 tỷ đồng. Theo đó, lợi nhuận sau thuế của Grab âm 301 tỷ đồng.
Với kết quả kinh doanh trên, tính đến ngày 31/12/2021, lỗ lũy kế của Grab Việt Nam đã tăng lên 4.366 tỷ đồng, trong khi vốn điều lệ của công ty chỉ mức 20 tỉ đồng. Việc này, đã khiến Grab Việt Nam âm vốn chủ sở hữu lên tới 4.346 tỷ đồng
Đây không phải năm duy nhất doanh nghiệp này kinh doanh thua lỗ. Tính từ giai đoạn 2018 – 2021, chỉ có năm 2020 doanh nghiệp này báo lãi, còn lại đều thua lỗ vài trăm đến hàng nghìn tỷ đồng mỗi năm. Theo đó, lợi nhuận của hãng giảm liên tục theo từng năm, đạt lần lượt -885 tỷ đồng (2018) và -1.670 tỷ đồng (2019). Lỗ lũy kế tính đến năm 2019 khoảng 4.300 tỷ đồng.
Tiền đi vay và phụ phí?
Mặc dù vốn chủ sở hữu âm nặng nhưng tổng nguồn vốn của Grab Việt Nam vẫn đạt 1.350 tỷ đồng nhờ vào các khoản vay và nợ thuê tài chính lên tới 4.279 tỷ đồng. Những khoản vay này đều do những doanh nghiệp liên quan đến Grab Việt Nam cung cấp.
Cụ thể, Grab Việt Nam ghi nhận khoản vay với GrabTaxi Holdings 3.373 tỷ đồng, khoản vay này có năm đáo hạn kéo dài từ năm 2021 – 2024. Bên cạnh đó, Grab Inc cũng cho vay hơn 905 tỷ đồng, đáo hạn năm 2021. Các khoản vay nàu đều được cấp bằng USD, lãi suất 0% và không có tài sản đảm bảo.
Thực tế, trong những năm trước đó, GrabTaxi Holdings Pte Ltd và Grab Inc liên tục cung ứng vốn cho Grab duy trì hoạt động kinh doanh tại thị trường Việt Nam.
Hàng loạt phí và phụ phí được Grab đưa ra với danh nghĩa là hỗ trợ tài xế.
Theo đó, đến cuối năm 2020, hai doanh nghiệp này cho Grab Việt Nam vay tổng cộng gần 5.200 tỷ đồng, số dư vào cuối năm 2019 cũng hơn 5.700 tỷ đồng.
Bên cạnh các khoản vay từ những doanh nghiệp liên quan, dư luận đang đặt ra nghi vấn liệu Grab có đang dùng những khoản phụ phí “trên trời” thu từ khách hàng để bù đắp lại khoản lỗ hàng nghìn tỷ đồng?
Theo đó, Công ty Grab Việt Nam đã ra thông báo bắt đầu triển khai chính sách thu phụ phí thời tiết nắng nóng gay gắt với nhiều dịch vụ bằng xe hai bánh như: GrabFood, GrabBike, GrabExpress bắt đầu từ ngày 6/7.
Bên cạnh đó, ngày 10/3/2022, Grab điều chỉnh giá cước dịch vụ tại nhiều tỉnh, thành phố để bù đắp chi phí vận hành trước áp lực của việc tăng giá xăng dầu.
Cụ thể, giá 2km đầu tiên của dịch vụ GrabCar 4 chỗ tại Hà Nội và TP Hồ Chí Minh lên 29 nghìn đồng, 7 chỗ lên 34 nghìn đồng, đối với các tỉnh, thành khác tăng 2 nghìn đồng. Cả nước mức tăng thêm từ 2 nghìn đồng mỗi cuốc. Dịch vụ GrabBike tại TP Hồ Chí Minh và Hà Nội cũng được điều chỉnh tăng lên lần lượt 12.500 và 13.500 đồng cho 2km đầu tiên, 4.300 đồng mỗi km tiếp theo,…
Ngoài ra, dịch vụ giao hàng GrabExpress, GrabFood cũng được hãng này điều chỉnh tăng lên quanh mức 16 nghìn đồng cho 2km đầu tiên và 5.000- 5.500 đồng cho mỗi km tiếp theo. Và GrabMart có giá cước lên mức 17 nghìn đồng cho 2km đầu tiên và 6 nghìn đồng mỗi km tiếp theo.
Không chỉ thế, Grab cũng quy định khoản thu 2 nghìn đồng/cuốc xe gọi là phí sử dụng ứng dụng. Nếu chờ quá 5 phút, khách hàng lại bị thu thêm 2 nghìn đồng phí chờ đợi.
Trước đó, danh sách phụ thu của Grab còn nối dài với hàng loạt loại phí khác nhau như: cuốc xe giờ cao điểm, cuốc xe đêm, kẹt xe, ngập, Tết,…
Đây đều là những khoản phí được Grab đưa ra nhằm mục đích hỗ trợ, bảo vệ các quyền lợi của tài xế.
Tuy nhiên khi đưa ra khoản phí và phụ phí, Grab không cung cấp thông tin chi tiết về việc áp dụng thu thêm các loại phí và phụ phí hiện nay (căn cứ, cơ sở và tiêu chí để áp dụng, thời gian áp dụng, việc phân chia lợi nhuận của các loại phí và phụ phí giữa Grab và lái xe, …), và các thông tin, tài liệu liên quan khác.
Trước việc Grab thu phụ phí nắng nóng, Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng (Bộ Công Thương) đã gửi yêu cầu Grab phải cung cấp, làm rõ danh mục, các loại hình, mức phí, phụ phí hiện nay được cộng trực tiếp vào giá cước hiển thị. Thông tin phản hồi về cơ quan quản lý trước ngày 18/7.
Tuy nhiên, thông tin từ Bộ Công Thương cho hay đến nay Grab vẫn chưa báo cáo và xin lùi thời hạn trả lời Cục Cạnh tranh và Bảo vệ người tiêu dùng. Trong khi đó, nhiều khách hàng phản ánh từ khi chiếm lĩnh được thị trường, giá cước của Grab đã không còn rẻ nữa. Nhiều thời điểm giá cước của Grab còn đắt hơn taxi truyền thống. Còn mặt bằng chung, giá cước Grab không có nhiều chênh lệch so với ngày Grab mới thâm nhập thị trường Việt Nam. |