Tình trạng nợ đọng trong xây dựng đang khiến các nhà thầu càng làm càng lỗ, khó khăn “chồng” khó khăn.
Sau hơn 2 năm dịch Covid-19, tuy vẫn còn rất nhiều khó khăn, nhưng các DN ngành xây dựng đã cố gắng khắc phục để triển khai sản xuất kinh doanh, góp phần sớm phục hồi phát triển kinh tế đất nước.
Nhà nước cũng đã có nhiều tháo gỡ thông qua ban hành, sửa đổi bổ sung chính sách về đầu tư xây dựng như sửa đổi bổ sung Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu, đặc biệt trong đó ban hành Nghị định số 50/2021/NĐ–CP, sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2015/NĐ–CP, về hợp đồng xây dựng; ban hành Nghị định số 10/2021/NĐ-CP về quản lý chi phí đầu tư xây dựng thay thế Nghị định số 68/2019/NĐ–CP.
Tuy nhiên, trong thực tế, khi thực hiện vẫn còn nhiều vướng mắc trong khung khổ pháp lý giữa chủ đầu tư – nhà thầu (hợp đồng xây dựng), trong đó, phần thua thiệt lại là nhà thầu.
Theo đó, nhiều vướng mắc về thủ tục pháp lý rắc rối, phức tạp cần được tháo gỡ, đặc biệt trong khâu thanh quyết toán. Hầu hết nhà thầu bị nợ đọng, đặc biệt ở khoảng giá trị khối lượng còn lại từ 20 – 25% cuối của dự án. Nhiều dự án đã đưa vào khai thác sử dụng vài ba năm vẫn chưa quyết toán được, trong khi nhà thầu phải vay tín dụng ngân hàng, chịu lãi suất cao dẫn đến tình trạng nợ đọng kéo dài hết công trình này đến công trình khác.
Tình trạng nêu trên diễn ra không chỉ ở các gói thầu dự án sử dụng vốn đầu tư công, vốn nhà nước ngoài đầu tư công mà ở cả các dự án sử dụng những nguồn vốn khác. Rất nhiều khó khăn đến với các DN nhà thầu xây dựng, nếu không được tháo gỡ kịp thời, cộng với việc không có công ăn việc làm, nhiều DN xây dựng thật sự đang đối mặt với thực trạng sẽ bị phá sản.
Ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch Hiệp hội các nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) thông tin, hiện nay, các DN ngành xây dựng đều có nợ đọng. “Vấn đề là nợ nhiều hay ít. Có rất nhiều DN nợ trên 1.000 tỷ đồng. Họ thực sự đang rất khó khăn” – ông Nguyễn Quốc Hiệp chia sẻ.
Theo đại diện VACC, trong công nợ có 2 loại, nợ đầu tư công và nợ bên ngoài. Nhiều chủ đầu tư chỉ trả 70% tổng hợp đồng công trình rồi chây ì không chịu thanh toán, điều này khiến cho các nhà thầu rơi vào bế tắc, không có tiền trả lãi ngân hàng, không có tiền nuôi nhân công… dẫn đến kiệt quệ và phá sản. Vì vậy, cần có cơ chế như xin phép Thủ tướng để cơ quan truyền thông được công bố các chủ đầu tư nợ không thanh toán, điều này sẽ khiến cho các chủ đầu tư sợ mất uy tín, sẽ không dẫn đến tình trạng công trình xong và đã nghiệm thu nhưng 5 hoặc 7 năm sau mới thanh toán cho các nhà thầu.
Đại diện VACC cho biết thêm đã kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao Bộ KH&ĐT, Bộ Tài chính sớm thực hiện rà soán đầu tư công, có biện pháp giải ngân vốn tồn đọng để tháo gỡ khó khăn cho DN, cũng như các nhà thầu xây dựng.
“Trong những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhất là một số vấn đề địa chính trị, nên giá vật liệu xây dựng tăng cao, trong khi nhà thầu xây dựng ký hợp đồng trọn gói với chủ đầu tư nên khó càng thêm khó” – vị đại diện VACC nói và cho rằng, muốn giải quyết nợ đọng, sớm tháo gỡ khó khăn cho các nhà thầu xây dựng phải có cơ chế đột phá. Nên chăng, xây dựng một gói tài chính để thực hiện mới kỳ vọng sớm giải quyết hiệu quả.
Nguồn:kinhtedothi