Ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, còn nhiều tiềm năng và sẽ thu hút sự tham gia của không chỉ các ngân hàng trong nước mà còn cả các chủ thể khác.
Thực trạng ngân hàng số
Các ngân hàng Việt Nam đã sớm nhận thấy vai trò của công nghệ với hiệu quả hoạt động và cạnh tranh trên thị trường, nên nhiều ngân hàng đã đầu tư vào xây dựng chiến lược chuyển đổi số và xây dựng ngân hàng số
Theo đó, một số dịch vụ ngân hàng (thanh toán, nhận tiền tiết kiệm) gần như đã được số hóa 100%, cho phép khách hàng thực hiện tất cả các khâu trong quy trình sử dụng dịch vụ thanh toán, từ mở tài khoản, chuyển tiền, thanh toán hóa đơn, nộp rút tiền tiết kiệm thông qua tài khoản thanh toán,… Nhiều ngân hàng đã ứng dụng các công nghệ AI, Machine Learning, Big data để đánh giá, phân loại khách hàng và quyết định giải ngân,… giúp đơn giản hóa thủ tục, rút thời gian giải ngân, cho vay từ nhiều ngày xuông trong ngày.
Qua khảo sát của Ngân hàng Nhà nước năm 2020 về lựa chọn mô hình chuyển đổi số, khoảng 88% các ngân hàng đều lựa chọn chuyển đổi số cả kênh giao tiếp khách hàng và nghiệp vụ nội bộ; số ít ngân hàng dự kiến chỉ số hóa kênh giao tiếp khách hàng. Chỉ có 13% ngân hàng chọn số hóa toàn bộ và thiết lập thương hiệu/kênh phân phối ngân hàng số mới. Như vậy có thể thấy, phần lớn ngân hàng đều đã và đang quan tâm đầu tư, thực hiện chuyển đổi số nói chung và xây dựng ngân hàng số nói riêng nhưng tỷ lệ ngân hàng thực hiện số hóa toàn diện còn thấp.
Nhìn chung, hạ tầng thanh toán cũng được nâng cấp và hoạt động an toàn, hiệu quả, thông suốt. Hệ thống thanh toán điện tử; Hệ thống chuyển mạch tài chính và bù trừ điện tử được vận hành ổn định, liên tục và an toàn. Mạng lưới ATM, POS được phủ sóng đến tất cả tỉnh, thành trên cả nước. Nhiều nghiệp vụ được số hóa 100% (như gửi tiết kiệm, tiền gửi có kỳ hạn, mở và sử dụng tài khoản thanh toán, thẻ ngân hàng, ví điện tử, chuyển tiền, quản lý nhân sự, kế toán – tài chính…). Ngân hàng số ở cấp độ chuyển đổi về quy trình và kênh giao tiếp, trong khi chuyển đổi về nền tảng dữ liệu mới được triển khai tại một số ngân hàng tiên phong.
Hầu hết các ngân hàng quan tâm đến chuyển đổ số vì có nhiều lợi ích. Có thể thấy, một trong những lợi ích của chuyển đổi số là giúp ngân hàng tiết giảm chi phí tối đa, tăng doanh thu, lợi nhuận. Do đó, bên cạnh chỉ tiêu lợi nhuận, CIR (tỷ lệ chi phí hoạt động trên tổng thu nhập) là một trong những chỉ tiêu quan trọng đánh giá mức độ hiệu quả trong hoạt động của các ngân hàng. CIR của các ngân hàng ngày càng giảm cho thấy, ngân hàng đang hoạt động khá hiệu quả, tốn ít chi phí hoạt động hơn để tạo ra doanh thu.
Hiện nay, mô hình ngân hàng số thường được các ngân hàng tiếp cận và triển khai theo các hướng đó là: Một, chuyển đổi ngân hàng hiện hữu, như ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB); Ngân hàng thương mại cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank); Ngân hàng thương mại cổ phần Tiên Phong (TP Bank)… Hai, số hóa kết hợp phát triển ngân hàng số, xây dựng hệ sinh thái như Ngân hàng thương mại cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VP Bank); và Ba, xây dựng ngân hàng số như một chiến lược độc lập.
Các thách thức đặt ra
Quá trình chuyển đổi số của các ngân hàng lớn thường gắn liền với việc nâng cấp căn bản hệ thống hạ tầng công nghệ thông tin, đặc biệt công nghệ lõi (Core Banking). Trong khi một số ngân hàng nhỏ và mới tiến hành đầu tư công nghệ mạnh và tách biệt ngân hàng số với hoạt động ngân hàng truyền thống như Timo – Bản Việt Bank, Livebank – TPBank hay OCB OMNI; thì các ngân hàng lớn như VCB, BIDV lại tập trung chuyển đổi số các hoạt động kinh doanh truyền thống kết hợp với việc tạo ra những sản phẩm, kênh dịch vụ mới cho khách hàng.
Đồng thời khai thác những mảng kinh doanh mới trên cơ sở kết hợp với các ứng dụng Fintech. Mặc dù ngành ngân hàng chuyển đổi số có nhiều thành tựu đáng kể nhưng cũng gặp phải không ít khó khăn thách thức như:
Thứ nhất, cơ chế pháp lý hỗ trợ tiến trình này vẫn chưa đồng bộ. Việc sử dụng eKYC để mở tài khoản, cấp chữ ký số ngân hàng vẫn yêu cầu phải gặp mặt trực tiếp. Điều này cũng đồng nghĩa quy trình chuyển đổi số chưa được thực hiện 100%, quy trình xây dựng, ban hành chính sách thường đi sau đà phát triển của công nghệ. Nhiều ngân hàng muốn hợp tác với Fintech tạo ra hệ sinh thái chung để tận dụng thế mạnh của nhau trong việc nâng cao trải nghiệm của khách hàng nhưng khuôn khổ pháp lý và cơ chế khuyến khích cho sự hợp tác này chưa theo kịp.
Thứ hai, chi phí đầu tư cho công nghệ không hề nhỏ, vòng đời công nghệ thường rất ngắn do luôn xuất hiện công nghệ mới để đáp ứng nhu cầu thực tiễn. Các ngân hàng phải đầu tư nhiều chi phí vào công nghệ mới, chi phí xây dựng dữ liệu khách hàng.
Thứ ba, vấn đề thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cho xây dựng và phát triển ngân hàng số là thách thức lớn đặt ra cho ngành giáo dục đào tạo tại Việt Nam và một số ngân hàng chưa thực sự theo kịp tốc độ phát triển của công nghệ.
Thứ tư, các ngân hàng Việt Nam chưa thực sự có hệ sinh thái số đúng nghĩa. Các sản phẩm số của nhiều ngân hàng khá giống nhau, chưa có nét đặc trưng riêng dẫn đến tình trạng cạnh tranh lẫn nhau.
Thứ năm, rủi ro cao khi tội phạm công nghệ cũng ngày càng tinh vi, phức tạp trên quy mô toàn cầu. Công nghệ phát triển, kém theo các hình thức lừa đảo, gian lận, tấn công ngày càng tinh vi hơn khiến người dùng e ngại, cũng như gây thiệt hại cho các ngân hàng.
Thứ sáu, rào cản lớn nhất là thói quen của người dân trong sử dụng dịch vụ ngân hàng, đa số vẫn e ngại với các hình thức giao dịch mới, thanh toán bằng tiền mặt còn phổ biến, đặc biệt tại vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa, bên cạnh đó là những lo ngại về an toàn thông tin và dữ liệu người dùng; các vụ mất tiền trong tài khoản vẫn xảy ra khiến dân e ngại khi sử dụng dịch vụ.
Thứ bảy, sự kết nối hạ tầng công nghệ thanh toán chưa được triển khai rộng khắp, đặc biệt ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa.
Giải pháp khai thác thị trường
Ngân hàng số tại Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn đầu phát triển, còn nhiều tiềm năng và sẽ thu hút sự tham gia của không chỉ các ngân hàng trong nước mà cả các chủ thể khác với thị trường màu mỡ này.
Để việc xây dựng và phát triển ngân hàng số được thuận lợi và hiệu quả, một số giải pháp gợi ý được đưa ra như sau: Đầu tiên, Ngân hàng Nhà nước cần tiếp tục triển khai đồng bộ, có hiệu quả các giải pháp đẩy mạnh chuyển đổi số ngành Ngân hàng, bao gồm: Tiếp tục hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đáp ứng yêu cầu đối với các mô hình kinh doanh và sản phẩm dịch vụ mới trên nền tảng công nghệ; Triển khai thực hiện Kế hoạch chuyển đổi số ngành Ngân hàng đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 nhằm giúp các ngân hàng, tổ chức trung gian thanh toán cung ứng các sản phẩm, dịch vụ thanh toán an toàn, bảo mật, tiện ích, đáp ứng được nhu cầu ngày càng cao của khách hàng trong kỷ nguyên số; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hệ thống công nghệ thông tin trong ngành Ngân hàng; bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng; Cần sớm có cơ chế cho phép cấp chữ ký số trực tuyến, bởi nền tảng công nghệ tại Việt Nam hiện nay có thể làm được việc này từ công nghệ sinh trắc học và dữ liệu dân cư quốc gia được tích hợp trên thẻ căn cước công dân.
Cùng với đó là hoàn thiện hệ thống hạ tầng công nghệ số quốc gia, trong đó, tiếp tục xây dựng, hoàn thiện hạ tầng công nghệ ngành ngân hàng với sự chỉ đạo của Ngân hàng Nhà nước; tăng cường tích hợp, kết nối hạ tầng, ứng dụng của ngành Ngân hàng với các ngành, lĩnh vực dịch vụ khác như điện, viễn thông, truyền hình… để mở rộng hệ sinh thái số.
Riêng các ngân hàng thương mại cần tăng cường các biện pháp bảo vệ dữ liệu người dùng định danh số, hoàn thiện quy định bảo mật giao dịch, an ninh thông tin. Thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ như: Đầu tư vào công nghệ hiện đại và đẩy nhanh tốc độ chuyển đổi số; Phát triển ngân hàng số có bản sắc riêng, sự khác biệt rõ ràng với những tiện ích thiết thực để thu hút khách hàng, nâng cao trải nghiệm và chất lượng dịch vụ cho khách hàng; Đẩy mạnh hoạt động truyền thông để người dùng biết đến ngân hàng số và các lợi ích của ngân hàng số, từ đó có thể chuyển đổi số toàn diện hơn; Xây dựng quy trình đào tạo kỹ năng sử dụng cho khách hàng, thực hiện cài đặt và sử dụng dịch vụ đơn giản để thay đổi thói quen người dùng.
Đặc biệt, các ngân hàng thương mại xem xét hợp tác Ngân hàng – Fintech, coi Fintech là đối tác thay vì đối thủ để có thể tận dụng thế mạnh của các bên, nâng cao lợi thế cạnh tranh trong bối cảnh mới và đẩy nhanh quá trình số hóa ngân hàng.
Dưới tác động của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và ảnh hưởng của đại dịch COVID-19 như một cú hích thúc đẩy các ngân hàng đẩy mạnh giải pháp tài chính online, nhằm giúp khách hàng giao dịch an toàn, thuận tiện và nhanh chóng. Ngân hàng số trở thành xu thế tất yếu và được các ngân hàng quan tâm phát triển.
Thậm chí, các ngân hàng coi đây là cơ hội để bứt phá trong thị trường mới, nhanh chóng, khẳng định vị trí trên sân chơi mới khi cạnh tranh chưa gay gắt như thị trường truyền thống. Bên cạnh những khó khăn, thì các ngân hàng Việt Nam đã gặt hái được những thành công nhất định trên con đường chuyển đổi số, xây dựng ngân hàng số, khi nhận ra thị trường tài chính đã thay đổi trong bối cảnh mới. Do đó, các giải pháp cần được thực hiện đồng bộ từ tất cả các cấp từ trung ương, bộ ban ngành, ngân hàng Nhà nước đến các chủ thể là ngân hàng thương mại.
Nguồn:diendandoanhnghiep