Sự bùng nổ nguồn cung từ các quốc gia sản xuất dầu mỏ nhỏ hơn như Nigeria có thể phá hỏng nỗ lực duy trì giá cao của Ả Rập Xê Út và các đồng minh.
Iran, Guyana, Na Uy, Kazakhstan, Brazil và Nigeria đã bơm thêm dầu kể từ mùa thu năm ngoái, thúc đẩy nguồn cung của thế giới ngay cả khi một số nhà sản xuất lớn nhất cắt giảm sản lượng. Đặc biệt, Nigeria đã chứng kiến sản lượng tăng trở lại, với sự giúp đỡ từ lực lượng vệ sĩ có vũ trang bảo vệ các sà lan chở dầu trên các tuyến đường thủy rộng lớn ở vùng đồng bằng Niger giàu dầu mỏ, theo tường thuật của báo The Wall Street Journal.
Việc giá dầu có tăng cao hơn hay không một phần phụ thuộc vào sản lượng ở các nước sản xuất nhỏ hơn đang chống lại lợi ích của Ả Rập Xê Út. Mỹ cũng đã bơm thêm dầu thô, nâng sản lượng hằng ngày lên hơn một triệu thùng trong năm qua. Tuy nhiên, “lá bài số phận” đối với thị trường lại nằm ở những người chơi như Nigeria, nơi sản lượng đã đột ngột gia tăng nhưng hoạt động sản xuất dễ bị đình trệ và có thể chững lại.
Những tay chơi khó lường trong ván bài giá dầu toàn cầu
Khai thác dầu mỏ ở Nigeria
BLOOMBERG NEWS
Giá dầu không tăng cao như dự đoán
Tuần trước, Ả Rập Xê Út đã can thiệp để hỗ trợ thị trường. Nhà sản xuất dầu mỏ lớn thứ hai thế giới cho biết họ sẽ tiếp tục cắt giảm sản lượng, song song với Nga, Iraq, Các Tiểu Vương quốc Ả Rập Thống nhất (UAE) và các nước khác.
Động thái bất ngờ khiến giá cả tăng vọt. Tuy nhiên, ở mức khoảng 85 USD/thùng, giá dầu thô Brent không cao hơn mức hồi đầu tháng 3 và thấp hơn mức cao nhất trong thời kỳ đại dịch là hơn 125 USD/thùng được công bố ngay sau khi xung đột Nga – Ukraine bùng nổ.
Kể từ tháng 9.2022, Ả Rập Xê Út đã cắt giảm sản lượng dầu thô hằng ngày 560.000 thùng, xuống còn khoảng 10,5 triệu thùng, theo dữ liệu của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA). Iraq, UAE và Kuwait cũng đã cắt giảm sản lượng hơn 100.000 thùng/ngày. Tất cả đều là thành viên của OPEC+, một liên minh giữa Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC) và một nhóm do Nga đứng đầu.
Với diễn biến này, các nhà phân tích từng dự đoán giá dầu sẽ tăng mạnh. Ngay sau quyết định của OPEC+ vào mùa thu năm ngoái, tập đoàn Goldman Sachs đã nâng dự báo giá dầu Brent trong quý đầu tiên của năm 2023 lên mức 115 USD/thùng.
Song thực tế không diễn ra như vậy. Giá bán dầu Brent giao trong tương lai sôi động nhất đạt mức trung bình 82 USD/thùng trong quý đầu tiên và giảm xuống mức thấp nhất khi đóng cửa là dưới 73 USD/thùng vào giữa tháng 3.
Daan Struyven, chuyên gia kinh tế năng lượng cao cấp tại Goldman, cho biết ngân hàng đã dự báo sai vì nhu cầu của Trung Quốc thấp hơn kỳ vọng.
Lý do khác có thể bắt nguồn từ Tây Phi. Sản lượng hàng ngày ở Nigeria đã tăng thêm 350.000 thùng lên mức 1,3 triệu thùng kể từ tháng 9 năm ngoái, lấp hơn một nửa chỗ trống hình thành từ việc cắt giảm sản lượng của Ả Rập Xê Út.
Bất ngờ từ Nigeria
Vào tháng 8.2022, Nigeria khai thác chưa tới một triệu thùng mỗi ngày. Theo các nhà phân tích và quan chức Nigeria, việc phá hoại đường ống dẫn dầu, trộm cắp dầu và mức đầu tư thấp vào sản xuất là nguyên nhân.
Nigeria là thành viên của OPEC, nhưng không tham gia thực hiện chính sách cắt giảm sản lượng gần đây. Sản lượng thấp hơn nhiều so với hạn ngạch nên việc cắt giảm năm ngoái không phải là điều bắt buộc với nước này.
Các quan chức chính phủ và công ty ở Nigeria cho biết sản lượng phục hồi sau khi các công ty bắt đầu vận chuyển dầu thô qua đồng bằng sông Niger bằng sà lan. Giám đốc một nhà sản xuất nhỏ cho biết một số công ty đã ngừng bơm hoàn toàn vì họ không thể chắc chắn rằng dầu của họ sẽ đi qua các đường ống dẫn ra thị trường toàn cầu. Vận chuyển bằng sà lan chậm hơn và tốn kém hơn so với sử dụng đường ống, nhưng dầu có thể được bảo vệ bởi lực lượng vệ sĩ túc trực trên các thuyền hỗ trợ.
IEA cho biết trong một báo cáo gần đây rằng sản lượng dầu của Nigeria có thể lại tăng một cách khiêm tốn trong năm nay vì chính phủ đã đạt được thỏa thuận với các công ty an ninh.
Livia Gallarati, nhà phân tích cấp cao của Energy Aspects, cho biết ngoài Guyana, nơi đang khai thác trữ lượng dầu chưa sử dụng trước đây, hầu hết các nhà sản xuất nhỏ hơn đang phục hồi sau sự gián đoạn, thay vì đầu tư để tăng sản lượng.
Armen Azizian, nhà phân tích thị trường dầu thô tại Vortexa, cho biết Iran đã bổ sung thêm 200.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng 9, một phần do xuất khẩu từ Venezuela – quốc gia đang cạnh tranh để giành được người mua sẵn sàng sử dụng dầu nằm trong các lệnh trừng phạt – đã giảm. Sản lượng tại Brazil đạt mức cao kỷ lục vào tháng 1 sau khi Petróleo Brasileiro SA bắt đầu bơm tại một giàn khoan nổi mới ngoài khơi bờ biển Rio de Janeiro.
Sản lượng của Kazakhstan tăng hơn 240.000 thùng mỗi ngày kể từ tháng 9 sau thời gian hoạt động sản xuất dừng lại. Quốc gia thuộc Liên Xô cũ đang tham gia vào nỗ lực cắt giảm sản lượng do Ả Rập Xê Út dẫn dắt.
Nguồn:thanhnien