Ngày 4/8, tại TP Hồ Chí Minh, Bộ NN&PTNT tổ chức hội nghị “Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực nông nghiệp và phát triển nông thôn khu vực phía Nam để phục vụ cho phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững”.
Theo thống kê, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hiện có 12 cơ sở đào tạo đại học và sau đại học, 28 trường cao đẳng và 2 trường cán bộ quản lý. Đến nay, các cơ sở giáo dục đại học và giáo dục nghề nghiệp thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã hình thành mạng lưới các trường, các đơn vị đào tạo phân bố rộng trên cả nước.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan phát biểu tại hội nghị.
Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, trong cuộc cách mạng công nghệ 4.0, ba công nghệ nền tảng chủ đạo: tự động hóa, internet vạn vật và trí tuệ nhân tạo đã và đang tạo ra nhiều thách thức cho nguồn nhân lực, không chỉ ở Việt Nam mà cả thế giới. Điều này đòi hỏi trình độ nguồn nhân lực phải bắt kịp với xu thế phát triển của ngành công nghệ để đáp ứng sự thay đổi mạnh mẽ về phân bố nguồn lực sản xuất, cách thức sản xuất, quản lý và tiêu dùng. Thực tế, nhờ vào sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ, phát triển nông nghiệp 4.0 đã và đang tác động toàn diện đến mọi mắt xích trong chuỗi sản xuất, cung ứng nông sản, thực phẩm nói chung. Một số tác động hiện hữu có thể kể đến: ứng dụng công nghệ tự động hóa, Big data, AI trong trồng trọt và chăn nuôi; ứng dụng AI, Blockchain trong truy xuất nguồn gốc, dự báo nhu cầu, lập kế hoạch sản xuất và phân phối.
Trong thời gian qua, công tác đào tạo và phát triển nguồn nhân lực trong vùng đã đạt được những kết quả quan trọng. Nếu như năm 2011, vùng ĐBSCL chỉ có 13 cơ sở giáo dục đại học thì đến năm 2020 đã tăng lên 21 cơ sở giáo dục đại học, với quy mô đào tạo gần 150.000 sinh viên. Đối với vùng Đông Nam bộ, quy mô đào tạo 516.797 sinh viên, với tỷ lệ 30,2% – đứng thứ hai của cả nước.
Trong số các trường đại học đóng trên địa bàn hai vùng, có nhiều trường đào tạo về nông, lâm nghiệp, thủy sản, thủy lợi, bao gồm: Trường Đại học Cần Thơ, Trường Đại học Nông Lâm TP Hồ Chí Minh, Trường Đại học Văn Hiến, Trường Đại học An Giang, Trường Đại học Kiên Giang, Trường Đại học Đồng Tháp, Phân hiệu Đại học Lâm nghiệp, Phân hiệu Đại học Thủy Lợi… với các chuyên ngành: bảo vệ thực vật, chăn nuôi, lâm học, lâm nghiệp đô thị, nông học, nuôi trồng thủy sản, công nghệ chế biến thuỷ sản, bệnh học thuỷ sản, quản lý tài nguyên rừng, công nghệ chế biến lâm sản, thú y, sư phạm kỹ thuật nông nghiệp, công nghệ sinh học nông nghiệp…
Giai đoạn 2016-2022, các trường cao đẳng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã đào tạo lao động cho các tỉnh, thành phía nam với các trình độ: cao đẳng gần 15.000 người; trung cấp hơn 41.000 người; sơ cấp và dạy nghề thường xuyên gần 53.000 người.
Năm 2022, cả nước có hơn 521.000 sinh viên nhập học ở 25 lĩnh vực đào tạo, trong đó chỉ có 7.100 sinh viên nhập học khối ngành nông, lâm, thủy sản và thú y, chỉ chiếm tỷ lệ 1,37%.
Nhằm nâng cao hiệu quả đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp, Bộ NN&PTNT đặt mục tiêu đến năm 2030 đạt bình quân mỗi năm đào tạo nghề cho khoảng 1,5 triệu lao động nông thôn trên cả nước; tỷ lệ lao động nông nghiệp được đào tạo đạt trên 70%.
Các cơ sở đào tạo thuộc Bộ NN&PTNT tuyển sinh bình quân hàng năm 200 nghiên cứu sinh; 2.500 học viên cao học; 20.000 sinh viên đại học; 8.000 sinh viên cao đẳng, 20.000 học sinh trung cấp và 40.000 học sinh sơ cấp.
Cùng với hệ thống các trường đại học, hiện nay cũng có nhiều cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang tham gia đào tạo nhân lực phục vụ ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn trong vùng, như các trường trực thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các trường cao đẳng, trường trung cấp, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên thuộc các tỉnh, thành phố.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh, giáo dục, đào tạo phải gắn liền nhu cầu cuộc sống, chính là cuộc sống chứ không phải chuẩn bị cho cuộc sống. Khởi nghiệp nông nghiệp cũng không nên làm theo phong trào, không nên coi đây là “sân chơi” chơi mà cần phải làm thật, tạo ra hiệu quả và giá trị thật.
Để làm được điều này, đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp cũng phải theo chuỗi giá trị. Đào tạo nguồn nhân lực nông nghiệp không chỉ để làm thuê cho doanh nghiệp mà còn phải tạo ra những người làm chủ.
“Không phải chỉ học nông nghiệp đơn thuần mới làm nông nghiệp được. Trong nền kinh tế ngày nay các ngành, môn học cần có sự liên kết với nhau. Ví dụ học du lịch, học quản trị kinh doanh, học thương mại, cơ khí,… cũng làm nông nghiệp được, thậm chí là làm rất tốt, đáp ứng được nhiều nhu cầu của nền kinh tế nông nghiệp” – Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Tại hội nghị, các đại biểu cho rằng, tương phản với sự giảm sút về số lượng người học là nhu cầu về nguồn nhân lực trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản vẫn rất lớn. Đặc biệt trong 5 năm gần đây, hầu hết các doanh nghiệp đều cho biết đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng nhân lực trình độ đại học.
Để đạt được các mục tiêu trên, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tập trung sắp xếp, kiện toàn hệ thống các trường, đổi mới nâng cao hiệu quả đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giảng viên, nhà khoa học, chuyên gia đầu ngành. Nghiên cứu và mở rộng mô hình thí điểm đào tạo nhân lực nông nghiệp trình độ trung cấp trong các trường cao đẳng của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn theo mô hình tiên tiến.
P.V