Ngày 26/7, tại TP. Hồ Chí Minh, Hội thảo “Thực hành ESG và đổi mới tài chính xanh cho tăng trưởng bền vững” được tổ chức. Sự kiện thu hút sự tham dự của các chuyên gia đầu ngành về ESG, các đại diện doanh nghiệp đã có kinh nghiệm triển khai ESG tại Việt Nam và đông đảo các nhà đầu tư, doanh nghiệp quan tâm đến xu hướng phát triển bền vững.
Theo quy định hiện hành, những Công ty đại chúng có quy mô lớn buộc phải công bố báo cáo ESG trong báo cáo thường niên. Trong quyết định “Phê duyệt chiến lược phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030” số 1726/QĐ -TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành 29/12/2023, về quan điểm phát triển thị trường chứng khoán có nêu rõ “Nâng cao chất lượng báo cáo thường niên của công ty đại chúng, hướng tới yếu tố phát triển bền vững dựa trên áp dụng tiêu chuẩn môi trường, xã hội và quản trị doanh nghiệp (tiêu chuẩn ESG) theo thông lệ quốc tế.” Tuy nhiên, hiện nay, nhiều doanh nghiệp đang tự công bố báo cáo phát triển bền vững như một cam kết về năng lực và văn hoá doanh nghiệp để gọi vốn, vay vốn.
Tại chương trình các chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực ESG như TS. Phạm Minh Tuấn – Giám đốc kỹ Thuật về ESG của Công ty Tư vấn và đào tạo SMP.
ThS. Đặng Bùi Khuê – Giám đốc Phát triển bền vững TUV NORD Việt Nam đã chia sẻ những kiến thức chuyên sâu về ESG, những thách thức và cơ hội khi áp dụng ESG tại Việt Nam, đặc biệt là cách thức để các doanh nghiệp tránh “tẩy xanh” (greenwashing).
Ông Huỳnh Thanh Trung- Chủ tịch HĐQT LeanWares (thành viên Ban Công nghệ và Phát triển bền vững LCH Bất động sản Công nghiệp Việt Nam) với phiên tham luận “Thực hành ESG trong quá trình thiết lập Khu công nghiệp xanh và nhà máy xanh – Thúc đẩy cơ hội tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu,đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của ESG trong việc thu hút đầu tư, nâng cao năng lực cạnh tranh và tạo dựng thương hiệu cho các Khu công nghiệp.
Tại buổi hội thảo cũng diễn ra lễ ký kết Thỏa thuận hợp tác giữa Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam và Liên chi hội Bất động sản công nghiệp Việt Nam (VIREA) nhằm phát huy năng lực, thế mạnh của mỗi bên với mục tiêu triển khai, tổ chức các hoạt động có ý nghĩa phụng sự xã hội. Hai bên sẽ phối hợp và tham gia tổ chức các sự kiện, các hội nghị, hội thảo về các lĩnh vực và chủ đề tài chính, kinh tế mà hai bên cùng quan tâm.
Bên cạnh những kết quả đạt được, việc phát triển khu công nghiệp, khu kinh tế thời gian qua cũng bộc lộ một số hạn chế, thể hiện chủ yếu trên các mặt: Chất lượng, hiệu quả quy hoạch chưa đáp ứng yêu cầu; thiếu tầm nhìn tổng thể, dài hạn; Vướng giải phóng mặt bằng, cơ sở hạ tầng bên ngoài khu công nghiệp chưa đảm bảo, đồng bộ; Loại hình phát triển chậm được đổi mới theo hướng khu công nghiệp xanh” hướng tới bền vững; Phát triển chưa bền vững và cân bằng về kinh tế, môi trường và xã hội.
Thu Thùy