Với hơn 30 năm sưu tập và nghiên cứu cổ vật, ông Đỗ Hùng cảm nhận được mỗi cổ vật đều chứa đựng nhiều yếu tố về nghệ thuật, lịch sử cùng những câu chuyện thú vị gắn liền.
Ông Đỗ Hùng chia sẻ tại buổi họp báo ra mắt Bảo tàng
“Đến thời điểm này, tôi không còn là một nhà sưu tầm, hay một người thưởng thức cổ vật nữa. Tôi đặt mình là một người có sứ mệnh phải giữ gìn, phát huy bằng cách giới thiệu các cổ vật ra công chúng. Chính vì vậy tôi thành lập Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn” – ông Đỗ Hùng cho
biết lý do thành lập bảo tàng.
Ông Đỗ Hùng giới thiệu cổ vật Thời Hoàng Cung Triều Nguyễn
Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam trưng bày các bộ trang sức, trang phục thể hiện quan niệm thẩm mỹ, tín ngưỡng, phong tục tập quán… của 54 dân tộc anh em. Từ đó, khơi dậy ý thức bình đẳng, đoàn kết và tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển, bảo vệ và giữ gìn bản sắc văn hóa đa dạng trước tác động của toàn cầu hóa.
Ông Đỗ Hùng cho biết thêm: “Hơn 100 năm qua, đã có nhiều nhà nghiên cứu trong và ngoài nước thực hiện các công trình nghiên cứu về sự đa dạng văn hóa dân tộc ở Việt Nam.
Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa riêng biệt như tín ngưỡng, tập quán, sinh hoạt, nhà ở, lễ hội, ẩm thực và nghệ thuật đặc trưng.
Chính vì sự đa dạng phong phú ấy, Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam ra đời với các hiện vật gốc và trang sức có niên đại hơn 2.500 năm trước đến thế kỷ 20 của 54 dân tộc Việt Nam.
Mục đích là giới thiệu, phản ánh 54 sắc thái văn hóa đan xen, sống động, mỹ lệ và đa dạng hội tụ của các dân tộc Việt Nam với bạn bè quốc tế”.
Theo các chuyên gia, về giai tầng xã hội của mấy ngàn năm trước được thể hiện rõ nét qua trang sức. Trang sức thể hiện cá tính, nghệ thuật, đẳng cấp, phản chiếu cho giai đoạn lịch sử đó thay vì diễn tả bằng ngôn ngữ.
Còn Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn trưng bày những hiện vật của hoàng tộc nhà Nguyễn, từ những món đồ trang sức, thú vui của hoàng tử, công chúa thường nhật cho đến những món đồ giá trị hơn phục vụ cho việc vận hành triều chính.
Nhà Nguyễn là triều đại quân chủ cuối cùng trong lịch sử Việt Nam, tồn tại trong 143 năm, được thành lập sau khi Nguyễn Ánh (vua Gia Long) lên ngôi hoàng năm 1802 và vua Bảo Đại thoái vị năm 1945.
Triều Nguyễn đánh dấu một giai đoạn lịch sử đầy biến động của Việt Nam, đặc biệt là cuộc xâm lược của người Pháp vào giữa thế kỷ 19. Hàng ngàn cổ vật trưng bày trong hai bảo tàng được ông Đỗ Hùng sưu tầm và mua
lại từ nhiều nguồn sưu tầm khác nhau.
Những hiện vật quý giá thường được người nước ngoài sở hữu, ông phải mua đấu giá chủ yếu từ Pháp. Đặc biệt, trong lần ra mắt bảo tàng này, có những cổ vật của vua Kiến Phúc (trị vì năm 1883-1884) vừa được ông Hùng đấu giá từ Pháp về được trưng bày trong bảo tàng Hoàng cung Triều Nguyễn. Ông Đỗ Hùng kể để sưu tầm những cổ vật quý hiếm là điều không dễ dàng. Ông nhớ lại: “Có những cổ vật cha truyền con nối, đồ gia truyền, có những cổ vật được truyền mấy đời nên quyết không bán”. Ông vẫn kiên trì, mưa dầm thấm đất, hiểu được món đồ của mình tìm được chủ – món đồ đem đến giá trị thật sự cho công chúng nên nhượng lại.
Từ những kinh nghiệm học hỏi trong suốt 8 năm qua đi đến nhiều quốc gia trên thế giới, ông Đỗ Hùng tự tay lên bố trí mặt bằng, triển khai với kiến trúc sư để bảo tàng có nhiều phong cách. “Tại vị trí đất vàng của thành phố, không gian bị giới hạn khá nhiều, để xây dựng được một bảo tàng vừa có tính sáng tạo vừa đáp ứng nhu cầu cho du khách thuận tiện khi tham quan trong một không gian nghệ thuật và tìm hiểu văn hoá là điều mà ekip đã dày công nghiên cứu. Cùng với thời gian triển khai ngắn, đây cũng là một trong những khó khăn khi hình thành nên bảo tàng này”- ông Hùng cho biết.
Đặc biệt trong không gian Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn, ban tổ chức bố trí khu vực chụp ảnh check-in miễn phí cùng ngai vàng của vua, kiệu hoàng hậu, xe kéo hoàng hậu. Du khách có thể mặc trang phục vua và hoàng hậu để chụp ảnh. Ngoài ra, trong tất cả các không gian của bảo tàng không hạn chế việc cho du khách chụp ảnh hay quay phim mà không ảnh hưởng đến cổ vật trưng bày.
Thông qua hai bảo tàng này, ông Đỗ Hùng mong muốn nâng cao nhận thức của cộng đồng về tầm quan trọng của di sản văn hóa phi vật thể và di sản vật thể.
Bảo tàng Trang sức 54 dân tộc Việt Nam và Bảo tàng Hoàng cung triều Nguyễn là hai bảo tàng tư nhân nằm trong hệ thống Bảo tàng Đỗ Hùng, tọa lạc tại số 68 Nguyễn Huệ, quận 1, TP.HCM. Hai bảo tàng này đi vào hoạt động từ ngày 6-6-2024, mở cửa phục vụ từ 9h đến 22h, với giá vé 250 ngàn đồng/vé.
Thu Trang