Theo số liệu cập nhật mới nhất, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam trong tháng 2/2022 đạt 48,80 tỷ USD, giảm 19,1%, tương ứng giảm 11,50 tỷ USD so với tháng trước.
Trong đó, trị giá xuất khẩu là 23,42 tỷ USD, giảm 24,1% (tương ứng giảm 7,43 tỷ USD) và tổng trị giá nhập khẩu là 25,38 tỷ USD, giảm 13,8% (tương ứng giảm 4,07 tỷ USD).
Với kết quả trên thì lũy kế trong 2 tháng từ đầu năm 2022, tổng trị giá xuất nhập khẩu hàng hoá của Việt Nam đạt 109,62 tỷ USD, tăng 14,2%, tương ứng tăng 13,6 tỷ USD so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, trị giá xuất khẩu đạt 54,52 tỷ USD, tăng 11,7% (tương ứng tăng 5,71 tỷ USD) và trị giá nhập khẩu đạt gần 55,1 tỷ USD, tăng 16,7% (tương ứng tăng 7,89 tỷ USD).
Tổng cục Hải quan cho biết: Sau khi thặng dư ngay trong tháng đầu năm, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam trong tháng 2/2022 đã đổi chiều, với mức nhập siêu 1,96 tỷ USD. Như vậy, lũy kế trong 2 tháng từ đầu năm 2022, cả nước đã nhập siêu 581 triệu USD.
Lý giải cho tình trạng đổi chiều cán cân thương mại hàng hóa tháng 2/2022, Bộ Công Thương cho rằng, tháng 2 có số ngày làm việc ít hơn tháng 1 nên tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa tháng 2 giảm. Tuy nhiên, so với cùng kỳ năm trước, tổng kim ngạch xuất nhâp khẩu tháng 2 vẫn tăng 17,6%.
Trong 2 tháng đầu năm 2022 có 9 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD, chiếm 71,6% tổng kim ngạch xuất khẩu (có 4 mặt hàng xuất khẩu trên 5 tỷ USD, chiếm 52%).
Trong bối cảnh tình hình thế giới diễn biến phức tạp, nhất là xung đột tại Nga – Ukraine sẽ ảnh hưởng đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa toàn cầu, Bộ Công thương khuyến nghị cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục tận dụng cơ hội ưu đãi thuế quan từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA).
Nhằm thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa trong thời gian tới, ngành Công thương đang triển khai đồng bộ nhiều giải pháp, trong đó chú trọng triển khai hiệu quả các FTA đã có hiệu lực, các cam kết trong WTO và Cộng đồng Kinh tế ASEAN, hướng dẫn doanh nghiệp các cơ hội của các FTA quan trọng như Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) …
Bộ Công thương sẽ đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, cơ cấu lại các ngành hàng xuất khẩu hiệu quả; nâng cao chất lượng hàng hóa theo hướng đáp ứng các quy định về tiêu chuẩn môi trường, chất lượng sản phẩm và quy tắc xuất xứ hàng hóa.
Tập trung phát triển xuất khẩu sang các khu vực thị trường và mặt hàng xuất khẩu mới, đẩy mạnh xuất khẩu thông qua các nền tảng số.
Theo DNVN