Từ đầu năm đến nay, các động thái từ phía Chính phủ đều quyết liệt và dồn dập nhằm giúp thị trường bất động sản năm 2023 khôi phục trở lại. Trong đó, hàng loạt các cuộc họp cấp Trung ương đã được tổ chức với nhiều cơ chế, chính sách được ban hành. Toàn bộ cơ quan quản lý các cấp, cả hệ thống ngân hàng đều vào cuộc nhằm tháo gỡ khó khăn và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững.
Thị trường bất động sản bắt đầu “ngấm” chính sách của Chính phủ
Cụ thể, ngày 5/3/2023, Chính phủ ban hành Nghị định số 08/NĐ-CP giúp giải tỏa áp lực thanh toán trái phiếu cho doanh nghiệp. Ngày 11/3/2023, Chính phủ ban hành nghị quyết số 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản năm 2023 phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững. Trong Chỉ thị số 08/CT-TTG ngày 23/3/2023, Thủ tướng Chính phủ giao nhiệm vụ, phấn đấu tỷ lệ giải ngân vốn đầu tư nguồn ngân sách nhà nước năm 2023 trên 95% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tiếp đó, ngày 31/3/2023, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành các quyết định điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành, có hiệu lực từ ngày 03/4/2023, nhằm tiếp tục thực hiện chủ trương của Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giảm lãi suất cho vay nhằm tháo gỡ khó khăn cho nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân. Đặc biệt, ngày 3/4/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 388/QĐ-TTG phê duyệt Đề án đầu tư xây dựng 1 triệu căn nhà ở xã hội; cùng với đó là giao Ngân hàng Nhà nước chủ trì gói tín dụng 120.000 tỷ đồng hỗ trợ vay đầu tư và mua nhà ở xã hội.
Tháng 6/2023, Nghị quyết số 105/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 6/2023, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất, nhất là giảm lãi suất cho vay (phấn đấu giảm ít nhất khoảng 1,5 – 2%) và nghiên cứu, thực hiện áp dụng đối với cả khoản vay mới và đang còn dư nợ.
Trong số các cơ chế, chính sách đã ban hành, nhiều chuyên gia nhận định Nghị quyết số 33/NQ-CP được xem là “kim chỉ nam”, thể hiện một cách khá rõ ràng quan điểm và quyết tâm khôi phục thị trường bất động sản từ phía Chính phủ, các bộ ngành.
Theo ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam (VARS), các cơ chế, chính sách trên đang tạo nên những tác động tích cực đối với nguồn cung của thị trường bất động sản. Xét trên tổng thể trong suốt 8 tháng của năm 2023, tình hình nguồn cung, đặc biệt là các sản phẩm nhà ở xã hội, nhà ở giá bình dân trên thị trường chưa thực sự được giải quyết một cách triệt để.
“Tuy nhiên, thị trường bất động sản có ghi nhận tín hiệu tích cực ngày càng rõ nét theo thời gian. Cụ thể vào những tháng cuối quý II và đầu quý III/2023, đã xuất hiện thông tin các dự án nhà ở xã hội mở bán tại một số địa phương như TP.HCM, Hải Phòng… Thứ nhất, một số dự án vướng mắc ở khâu pháp lý cuối cùng, được tháo gỡ và kịp thời đưa ra thị trường. Thứ hai, một số dự án trước đó đã đủ điều kiện mở bán nhưng chủ đầu tư trì hoãn việc ra hàng do tâm lý e ngại thị trường trầm lắng sẽ ảnh hưởng tới kế hoạch bán hàng”, ông Đính chia sẻ.
Tuy nhiên, Chủ tịch VARS cũng cho rằng, về bản chất, các cơ chế, chính sách vẫn đang dừng lại ở giai đoạn “tiếp cận” và tháo gỡ “lớp ngoài” đối với vấn đề nguồn cung. Các cơ chế chính sách chưa thực sự thâm nhập và giải quyết một cách triệt để, trên diện rộng tất cả các khó khăn, vướng mắc gây ảnh hưởng trực tiếp tới nguồn cung.
Nhiều chuyên gia cũng cho biết một dấu hiệu rõ nét cho thấy thị trường bất động sản đang có cơ hội hồi phục trong những tháng cuối năm 2023. Đó là trong tháng 8 vừa qua, Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư 10/2023/TT-NHNN nhằm hoãn thi hành các khoản 8, 9, 10 Điều 8 của Thông tư 06/2023/TT-NHNN. Việc hoãn thi hành các khoản trên sẽ giúp các doanh nghiệp, đặc biệt là bất động sản dễ tiếp cận nguồn vốn từ ngân hàng hơn trong điều kiện kinh tế còn nhiều khó khăn.
Thành Trung