Kỳ vọng truyện tranh
Tháng 11 năm ngoái, đạo diễn Ngô Thanh Vân công bố thông tin sẽ chuyển thể Long Thần Tướng thành một tác phẩm điện ảnh. Dự án này mang tên Lê Nhật Lan, cũng là nữ chính của phim. Có thể thấy từ dự án mong muốn tạo ra hình ảnh nữ anh hùng đầu tiên của phim Việt. Mặc dù vậy, tác giả Long Thần Tướng là ông Nguyễn Khánh Dương cho biết: “Khi bán bản quyền bao giờ chúng tôi cũng giữ lại quyền chuyển thể hoạt hình. Chúng tôi rất mong sẽ được chiếu phim hoạt hình Long Thần Tướng”.
Hình ảnh liên quan đến Long Thần Tướng được Nguyễn Thành Phong đưa lên mạng khiến người hâm mộ đặt câu hỏi đây là phim hoạt hình hay game. CHỤP MÀN HÌNH
Ông Dương cũng cho biết ông cùng bạn bè còn thử nghiệm một vài sản phẩm game. Thoạt tiên, họ cũng băn khoăn, liệu độc giả truyện tranh có quan tâm đến sản phẩm game Việt Nam không khi thị trường có quá nhiều sản phẩm nước ngoài. Tuy nhiên, game Còi to cho vượt, phát hành tháng 10.2017, đã nhận được sự chú ý lớn của cộng đồng. “Sau 1 tiếng, game đã lên số 1 bảng xếp hạng của app store. Chúng tôi làm thì khẳng định người Việt luôn sẵn sàng và bao dung đón nhận sản phẩm game Việt”, ông Dương cho biết. Rõ ràng, sau thành công của bộ truyện tranh Long Thần Tướng, nếu thị trường có cả phim điện ảnh và phim hoạt hình Long Thần Tướng, cộng thêm một game nữa liên quan thì hệ sinh thái hình ảnh này sẽ là hình mẫu khả quan.
Cả hai tác giả Nguyễn Thành Phong và Nguyễn Khánh Dương đều cho biết họ có thể thoải mái sống bằng nghề. Ông Phong nói: “Tôi sống thoải mái bằng công việc chuyên môn của mình”. Trong khi đó, ông Dương chia sẻ: “Nhà sản xuất thì căng thẳng, nhưng chúng tôi may mắn có sự đón nhận từ cộng đồng. Cuộc sống khả quan và tương lai phát triển”.
Ông Đặng Cao Cường, Trưởng ban Biên tập Comic NXB Kim Đồng, cho biết đơn vị của ông đã xuất bản nhiều bộ truyện tranh nổi tiếng. Trong số đó, truyện tranh Việt chỉ chiếm 10%, truyện tranh Nhật chiếm tới 70%. Nhưng hợp tác quốc tế của NXB Kim Đồng cũng không chỉ bó gọn trong truyện tranh nữa, mà cả các công ty hoạt hình, doanh nghiệp làm sản phẩm từ truyện tranh. Với truyện Việt, hướng xây dựng hệ sinh thái là có. Chẳng hạn, Dế mèn phiêu lưu ký của nhà văn Tô Hoài đã được ông Tạ Huy Long chuyển thể truyện tranh, có phiên bản sách tranh, và đang được xây dựng kịch bản phim hoạt hình. Theo ông Cường: “Phát triển hệ sinh thái cho công nghiệp hình ảnh tại VN là xu hướng tất yếu. Nhiều tác phẩm gốc có thành tích cao nhờ phát triển hệ sinh thái”.
NXB Kim Đồng có nhiều bản sách tranh, truyện tranh Dế mèn phiêu lưu ký với hình ảnh khác nhau. NXB KIM ĐỒNG
Chờ bùng nổ hệ sinh thái hình ảnh
Giám đốc nghệ thuật Hà Huy Hoàng của Dee Dee Animation studio cho biết cách đây 10 năm khi ông quyết định đến Mỹ học về sáng tạo hình ảnh, về phim hoạt hình, ông đã rất khó khăn để thuyết phục bố mẹ. Sau 5 năm, trở về, chính ông Hoàng cũng bất ngờ khi tại VN đã có một hệ sinh thái cơ sở đào tạo cả hoạt hình, video, truyện tranh nở rộ. “Tôi không ngờ được chuyện đấy. Ở Mỹ tìm kiếm công việc như vậy cũng không dễ dàng. Nhưng tôi thấy, ồ, cơ hội ở VN còn nhiều hơn ở Mỹ”, ông Hoàng nói. Sau đó, ông Hoàng đầu quân cho Dee Dee vào thời điểm họ chỉ có 6 người. Sau 5 năm, hiện nhân sự của Dee Dee đã là 50 người.
Dee Dee Animation studio cũng có nhiều thành công. Phim ngắn Tàn thể: Tiền truyện đã dự hơn 60 liên hoan phim quốc tế, nhận giải Cánh diều bạc năm ngoái và giải Họa sĩ xuất sắc nhất. Một số tác phẩm khác cũng thu hút trên mạng, nhờ đó, họ tìm kiếm được sự chú ý từ thị trường quốc tế. Ông Hà Huy Hoàng cho biết: “Có nhiều đối tác quốc tế tìm đến hợp tác với Dee Dee Animation studio để làm cả phần vẽ hình ảnh chuyển động lẫn phông nền của phim hoạt hình. Ngay tại VN, chúng tôi cũng có một series được đón nhận là Bi Bo Ben trên VTV3, hiện đang là mùa thứ 2. Cơ quan nhà nước hỗ trợ cũng hài lòng vì nó vừa giải trí vừa chuyển tải được các thông điệp ý nghĩa”.
Ông Hoàng cho biết: “Đến thời điểm này, hệ sinh thái sáng tạo hình ảnh truyện tranh ở VN đã phát triển đến độ hoàn toàn có thể bùng nổ bất cứ lúc nào. Những bạn trẻ có tài năng có thể nhờ internet tiếp cận kiến thức mà cách đây 10 năm, tôi rất khó tiếp cận”.
TS Nguyễn Thị Thu Hà, Viện Nghiên cứu văn hóa VICAS, cho biết cần có những can thiệp chính sách để hỗ trợ hệ sinh thái hình ảnh phát triển. “Quan trọng là chúng ta có tạo được hệ sinh thái hình ảnh hay không, cụ thể ở đây là hoạt hình – truyện tranh – trò chơi điện tử hay không. Chúng ta cần nhìn tổng thể để thấy chúng ta yếu về cái gì, yếu về đội ngũ sáng tạo hay quản lý, hay chính sách hỗ trợ. Từ đó, chúng ta thấy ngay cần can thiệp vào đâu”, bà Hà nói.
Ông Frederic Cros, Giám đốc điều hành Pôle Image Magelis, chia sẻ về chính sách để xây dựng hệ sinh thái công nghiệp hình ảnh tại địa phương mình – vùng Angoulême (Pháp). Nhiều khu học xá đã được xây dựng tại Angoulême, trong đó có trường quốc gia về trò chơi điện tử, trường dạy làm phim tài liệu, cũng có trường chuyên về truyện tranh. “Như vậy có thể kết nối nguồn nhân lực trẻ. Đây là những nghề yêu cầu trình độ cao, vì thế việc đào tạo rất cần thiết”, ông Frederic Cros nói.
Theo Trinh Nguyễn/TNO