Báo cáo tại cuộc giao ban báo chí của Ban Tuyên giáo Trung ương sáng nay 22-2, đại diện Bộ Công thương đề nghị báo chí, truyền thông phối hợp với Bộ Công thương thông tin khách quan, đầy đủ và chính thống về việc cung ứng xăng dầu; các chủ trương, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành, địa phương về bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường để tạo sự đồng thuận trong dư luận, tránh gây hoang mang, bất ổn thị trường.
Bộ Công thương dẫn ví dụ tại TPHCM có 548 cửa hàng xăng dầu, trong đó có 8 cửa hàng ngừng bán tạm thời trong 1-2 ngày nhưng được báo chí đưa tin là tình trạng ngừng bán diễn ra phổ biến.
Theo Bộ Công thương, thông tin như vậy là chưa hợp lý đồng thời cho rằng, trên cả nước có hơn 16.000 cửa hàng, có khoảng 20 cửa hàng ngừng bán cũng được báo chí đưa tin là nhiều cửa hàng ngừng bán, tạo tâm lý lo ngại hết xăng, dầu và đi mua tích trữ, gây mất cân đối cung – cầu.
Bộ Công thương cũng đã báo cáo về việc đảm bảo nguồn cung xăng dầu trong bối cảnh dư luận xã hội lo ngại giá xăng dầu tăng cao, nguồn cung trong nước thiếu hụt, tình hình chính trị thế giới căng thẳng và phức tạp.
Theo Bộ Công thương, hiện nay các thương nhân đầu mối cũng đã đẩy mạnh việc nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước (do Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn giảm sản lượng giao hàng so với kế hoạch). Hiện Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVoil) đang thực hiện việc nhập khẩu tăng thêm và dự kiến lượng xăng dầu về cảng Việt Nam trong cuối tháng 2 là 26.000m³ xăng và 40.000m³ dầu.
Tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu thuộc hệ thống của các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu lớn như Petrolimex, PVoil, Tổng công ty Xăng dầu Quân đội, Tổng công ty Hóa dầu Quân đội, các công ty như Hải Hà, Hải Linh, Hòa Khánh, Thiên Minh Đức, Dương Đông, Nam Phúc, Hồng Đức… (chiếm trên 95% thị phần với khoảng 16.000 cửa hàng bán lẻ xăng dầu), việc bán hàng vẫn được duy trì liên tục từ trước Tết Nguyên đán đến nay.
Cục bộ tại một số địa phương phía Nam (như Hậu Giang, Cần Thơ, An Giang, Long An, Cà Mau, Đồng Nai, TPHCM) có hiện tượng một số cửa hàng xăng dầu ngừng bán hàng với lý do thiếu nguồn cung.
Ngay sau khi nhận thông tin báo cáo từ các địa phương, Bộ Công thương đã liên hệ với các doanh nghiệp đầu mối kinh doanh xăng dầu để kịp thời bổ sung nguồn cung cho các địa bàn (như đề nghị Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn cung cấp hàng cho Công ty Nam Sông Hậu để cung ứng hàng cho địa bàn TP Cần Thơ; yêu cầu Công ty TNHH MTV Dầu khí TPHCM cung cấp hàng cho Công ty Xăng dầu Bông Sen Vàng, Công ty cổ phần Thương mại hóa dầu Resol; đề nghị PVOIL bổ sung nguồn hàng cho Công ty Xăng dầu Hoàng Gia; đề nghị Petrolimex bổ sung lượng hàng cung ứng cho địa bàn TP Cần Thơ…) để kịp thời cung ứng xăng dầu cho các cửa hàng bán lẻ xăng dầu tại khu vực đồng bằng sông Cửu Long.
Bộ Công thương nhận định, sang tháng 3, lượng cung xăng dầu cho thị trường từ nguồn trong nước vẫn thấp so với các tháng thông thường do lượng cung ứng hàng từ sản xuất trong nước giảm mạnh trong tháng 2 và đầu tháng 3.
Tuy nhiên, tồn kho từ tháng 2 chuyển sang vẫn bảo đảm, cùng với việc Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn đã có kế hoạch sẽ chạy 85% công suất từ 15-3 và từ đầu tháng 4 sẽ chạy đủ 100% công suất. Đồng thời các thương nhân đầu mối cũng sẽ tiếp tục có kế hoạch nhập khẩu xăng dầu để bù đắp nguồn cung thiếu hụt từ sản xuất trong nước theo chỉ đạo (nếu Nhà máy Lọc dầu Nghi Sơn không bảo đảm lượng cung ứng như kế hoạch).
“Với tình hình cung ứng xăng dầu như trên cùng với công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường và việc điều hành giá xăng dầu theo hướng bám sát diễn biến giá thị trường thế giới, việc thiếu xăng dầu cục bộ sẽ sớm được giải quyết, cung – cầu xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới cơ bản ổn định” – đại diện Bộ Công thương báo cáo.
Nguồn:saigongiaiphong