Chỉ còn hơn 1 tháng nữa là đến Tết Nhâm Dần 2022 nên nhiều doanh nghiệp ngành bánh kẹo, thực phẩm trên địa bàn TP. Đà Nẵng đang nỗ lực sản xuất để cung ứng hàng hóa ra thị trường phục vụ nhu cầu người dân dịp Tết.
Do chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi dịch COVID-19 nên thị trường tiêu thụ bánh kẹo tết cuối năm được dự báo sẽ không sôi động như nhiều năm trước. Song các doanh nghiệp vẫn chủ động sản xuất, phục vụ thị trường tết.
Các doanh nghiệp sản xuất bánh kẹo tết Đà Nẵng cho biết, bước vào mùa cao điểm sản xuất hàng hóa phục vụ dịp Tết Dương lịch 2022 và Tết Nguyên đán Nhâm Dần, dù chịu sức ép chi phí nguyên vật liệu đầu vào tăng mạnh nhưng các doanh nghiệp vẫn cố gắng tiết giảm chi phí, tìm kiếm thêm thị trường tiêu thụ để tăng sản lượng, bình ổn giá để phục vụ khách hàng.
Những ngày này, tại cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) đã nhận các đơn hàng và bước vào mùa sản xuất phục vụ hàng tết. Những mùa Tết trước, đơn vị này sản xuất, cung ứng ra thị trường khoảng 300.000 sản phẩm (gói) bánh khô mè các loại, thì năm nay, vì tình hình dịch COVID-19, đơn vị chỉ sản xuất khoảng hơn 150.000 sản phẩm.
Ông Huỳnh Sol, Chủ cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cho biết, đơn vị đã nhận đơn hàng Tết và cũng đã có đơn đặt. Tuy nhiên, hiện doanh nghiệp và đại lý vẫn trong trạng thái vừa làm vừa lo. Hiện tất cả mọi nguyên liệu đều tăng giá. Hiện đơn vị đang cố gắng cân đối để bình ổn, không tăng giá sản phẩm vừa để phục vụ người tiêu dùng, vừa để giữ chân đối tác.
“Ngoài tiết giảm chi phí sản xuất, mở rộng kênh bán hàng, chúng tôi đang phát triển thêm một sản phẩm mới đó là bánh khô mè trắng/đen từ gạo lứt để đa dạng hóa sản phẩm, tăng thêm lựa chọn cho người tiêu dùng khi mua biếu tặng, thờ cúng”, ông Huỳnh Sol cho hay.
Tương tự, tại cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương – Mỹ Phương Foods (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cũng đang gặp rất nhiều khó do chi phí sản xuất đầu vào tăng. Bà Mai Thị Ý Nhi, Chủ cơ sở sản xuất bánh ngọt Mỹ Phương – Mỹ Phương Foods cho biết giá các nguyên, vật liệu đầu vào đều tăng mạnh như đường, bột, dừa, bao bì… với mức tăng giá nguyên liệu lên tới 30 – 40%, có một số nguyên liệu thiếu hụt cục bộ như bột, dừa.
“Chúng tôi luôn có sự chủ động trong chuẩn bị nguồn nguyên liệu nên hiện tại vẫn đảm bảo cho sản xuất, đảm bảo cung ứng đủ sản phẩm ra thị trường. Dù giá nguyên liệu đầu vào tăng nhưng chúng tôi vẫn cố gắng giữ giá, đẩy sản lượng, tiết giảm chi phí sản xuất, tự động hóa sản xuất tăng năng suất sản xuất để bù cho phần chi phí gia tăng”, bà Nhi cho hay.
Theo bà Nhi, dịp Tết, các mặt hàng bánh kẹo luôn có thị trường lớn hơn bình thường. Dù chịu cạnh tranh với hàng ngoại nhập nhưng hiện người tiêu dùng đã có sự ưu tiên trong tiêu dùng hàng Việt. Hiện nay, các sản phẩm của đơn vị chủ yếu phục vụ cho du lịch và xuất khẩu, không bán lẻ.
“Trước những khó khăn hiện nay, đơn vị đã quay sang phát triển kênh bán lẻ vào các cửa hàng tạp hóa lẻ ở các địa phương. Sản phẩm của chúng tôi đã phủ khắp các tỉnh thành, đặc biệt tại miền Bắc. Hiện, đơn vị cũng đã tiếp cận với phương thức bán hàng trực tuyến, tham gia các sàn thương mại điện tử, nhờ vậy, đến thời điểm hiện tại việc sản xuất và tiêu thụ sản phẩm vẫn ổn định”, bà Nhi nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thiện Khiêm, Phó Giám đốc công ty TNHH Công nghệ sinh học Vinseed (quận Cẩm Lệ, TP. Đà Nẵng) cho biết, mặc dù lo lắng dịch COVID-19 sẽ ảnh hưởng đến sức tiêu thụ chung của thị trường nhưng hiện tại công ty vẫn duy trì được tiến độ cung ứng và tiêu thụ sản phẩm theo kế hoạch nhờ mở rộng thêm kênh phân phối, đẩy mạnh bán hàng trực tuyến trên các sàn thương mại điện tử lớn.
Đặc biệt, đơn vị đã linh động thiết kế những gói sản phẩm phù hợp với nhu cầu của thị trường và vừa với túi tiền của người tiêu dùng nhưng không để ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.
“Để phục vụ thị trường Tết, đơn vị đang nghiên cứu sẽ phối hợp với một số đơn vị cung cấp các loại hạt (hạt điều, hạt dẻ cười, hạt óc chó….) để làm đa dạng hóa các sản phẩm trong giỏ quà, hợp quà với mức giá hợp lý”, ông Khiêm cho biết.
Theo NĐT