Tại chương trình, ông Ngô Văn Đông – Tổng Giám đốc Công ty chia sẻ năm 2022 doanh nghiệp đã phải đối diện với rất nhiều thách thức.
Ngành sản xuất kinh doanh phân bón gặp nhiều khó khăn, chủ yếu do tác động của cuộc xung đột Nga – Ukraine kéo dài, áp lực lạm phát cao, thị trường xuất khẩu thu hẹp; các nước sử dụng chính sách tiền tệ để kích thích nền kinh tế sau đại dịch Covid-19 dẫn đến thị trường quốc tế có nhiều biến động, giá nguyên vật liệu đầu vào bất ổn, chi phí vận tải vẫn ở mức cao, nền tài chính tiền tệ đang có dấu hiệu khủng hoảng, biến động tỷ giá hối đoái… gây khó khăn cho công tác quản trị sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Trung Quốc vẫn duy trì chính sách “Zero Covid” làm gián đoạn chuỗi cung ứng do chính sách phong tỏa từng phần đã ảnh hưởng đến nguồn nhập nguyên liệu, làm chậm trễ thời gian giao hàng, từ đó ảnh hưởng đến tiến độ sản xuất trong nước. Giá cả các mặt hàng nông sản ở mức thấp, trong khi đó giá cả phân bón tăng đã làm cho nhu cầu đầu tư phân bón của bà con nông dân giảm, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh phân bón.
Cũng trong năm 2022, Bình Điền đã thực hiện các chương trình Marketing gắn với công tác tư vấn, chuyển giao các tiến bộ khoa học kỹ thuật cho bà con nông dân cả trong nước và thị trường xuất khẩu, trong đó nổi bật là chương trình canh tác thông minh ứng phó với biến đổi khí hậu tại 13 tỉnh thành đồng bằng sông Cửu Long do Công ty phối hợp với Trung tâm khuyến nông Quốc gia, Trung tâm khuyến nông các tỉnh thành vùng Đồng bằng sông Cửu Long và cơ quan truyền thông thực hiện.
Đi đôi với việc đảm bảo quyền lợi cho các cổ đông, Công ty luôn quan tâm đến việc nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người lao động. Năm 2022, thu nhập bình quân của người lao động là 13,5 triệu đồng, đạt 105% so với kế hoạch; các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp và các chế độ khác của người lao động được Công ty thực hiện đầy đủ theo quy định của pháp luật và thỏa ước lao động tập thể.
Công ty cũng duy trì các chương trình an sinh xã hội, từ thiện như hỗ trợ nhà tình nghĩa, mái ấm Bình Điền cho các gia đình chính sách, thương binh liệt sĩ; ủng hộ người nghèo, trẻ em nghèo hiếu học, phụng dưỡng Mẹ Việt Nam anh hùng, ủng hộ đồng bào bị lũ lụt, thiên tai, Quỹ học bổng tiếp sức đến trường, Quỹ đồng hành nhà nông, Quỹ an sinh xã hội Tập đoàn… với tổng số tiền trên 7 tỷ đồng.
Với sự đồng lòng và quyết tâm cao của ban lãnh đạo và người lao động, Công ty đã đạt kết quả sản xuất kinh doanh khá ấn tượng.
Cụ thể, sản lượng sản xuất: 520.671 tấn, đạt 86,4% so với kế hoạch năm 2021; Sản lượng tiêu thụ: 510.040 tấn, đạt 84,6% so với kế hoạch năm; Tổng doanh thu hợp nhất thực hiện: 8.720,619 tỷ đồng, đạt 135,7% kế hoạch; Lợi nhuận trước thuế hợp nhất: 234,453 tỷ đồng, đạt 117,2%, so với kế hoạch năm; Lợi nhuận trước thuế thực hiện riêng Công ty mẹ: 155,253 tỷ đồng, đạt 107,1% so với kế hoạch năm.
Năm 2023, dự báo tình hình quốc tế và trong nước còn nhiều yếu tố bất lợi, giá cả nông sản, phân bón không ổn định, thời tiết diễn biến phức tạp; bảo hộ mậu dịch, chiến tranh thương mại giữa các nước lớn ngày càng gay gắt, đặc biệt là ảnh hưởng từ cuộc xung đột Nga – Ukraine. Bên cạnh đó, việc Trung Quốc mở cửa thị trường đã và đang ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh phân bón trong nước.
Tuy vậy, Bình Điền đặt ra mục tiêu sản lượng tiêu thụ đạt khoảng 600.000 tấn, tổng doanh thu đạt trên 7.400 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 220 tỷ đồng và lợi nhuận thực hiện riêng với công ty mẹ là 155 tỷ đồng.
Theo kế hoạch, năm nay Phân Bón Bình Điền chú trọng phát triển dòng sản phẩm có hàm lượng dinh dưỡng cao; nghiên cứu, sản xuất các sản phẩm mới phù hợp với biến đổi khí hậu, sự chuyển đổi cơ cấu cây trồng và định hướng phát triển nông nghiệp của Chính phủ. Công ty tập trung vào việc củng cổ và phát triển thị trường mục tiêu, có chính sách hợp lý để phát triển thị trường mới. Đẩy mạnh các sản phẩm cho vùng lúa, vùng bị ảnh hưởng hạn mặn, vùng đất phèn; xem xét đưa vào sản xuất các sản phẩm mới đã thử nghiệm thành công trong năm 2022.
Hồng Nhung