Nhiều kiều bào, doanh nghiệp đã đóng góp ý kiến cho tiêu thụ nông sản tại Diễn đàn Kết nối doanh nhân kiều bào, thúc đẩy thương mại và đầu tư ngành nông nghiệp tối 14.2.
Tận dụng thế mạnh cộng đồng người Việt ở hải ngoại
Theo ông Võ Văn Long – Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức – Chủ tịch Tập đoàn Thăng Long – là doanh nghiệp kinh doanh thực phẩm, nhà hàng với 30 cửa hàng trên khắp nước Đức và Đông Âu, cần tận dụng thế mạnh cộng đồng người Việt Nam tại nước ngoài, đặc biệt là hơn 220.000 người Việt Nam đang sinh sống ở Đức làm cầu nối tiêu thụ nông sản của Việt Nam.
“Nên xây dựng một cầu nối giữa những doanh nghiệp Việt Nam với châu Âu thông qua doanh nghiệp ở Đức, vì đây là thị trường rất lớn. Chúng ta không nên nói thị trường Đức là thị trường khó tính, mà là một thị trường đầy tiềm năng. Vì hàng hóa của chúng ta vào được Đức thì chắc chắn vào được các thị trường khác. Điều quan trọng thứ hai là, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19, tại thị trường Đức, tất cả các mặt hàng nông sản đều tăng giá ít nhất 30%, đây là một cơ hội để hàng Việt Nam sang Đức. Đặc biệt không nên lấy tiêu chí là hàng rẻ mà phải lấy tiêu chí hàng chất lượng. Muốn có hàng chất lượng thì phải sản xuất đúng quy định, đúng chất lượng, đúng kỹ thuật và mẫu mã” – ông Long nói.
Ông Võ Văn Long cũng cho rằng, các doanh nghiệp Việt Nam muốn xuất khẩu sang Đức một cách ngắn nhất, tiết kiệm nhất thì phải kết hợp với Hội Doanh nghiệp Việt Nam tại Đức, coi các doanh nghiệp của người Việt tại Đức là cầu nối, là điểm giao hàng, điểm có thể tiếp cận được thị trường này.
“Tôi đã nghiên cứu, người dân Đức tiêu dùng hàng hóa của châu Á rất nhiều, nhưng lượng nông sản của chúng ta vào rất ít, phần lớn là hàng của Trung Quốc và Thái Lan và các nước khác. Đó là trăn trở của chúng tôi”- ông Long bày tỏ.
Ông Nguyễn Ngọc Luận – đại diện doanh nhân Việt Nam tại Úc cũng bày tỏ nỗi xót xa khi về Việt Nam, thấy thanh long bị ùn ứ không xuất khẩu được phải đổ bỏ cho bò ăn, trong khi mặt hàng này bán tại Úc với giá cực kỳ đắt đỏ.
“Việt Nam quanh năm cây trái mà chỉ xuất thô, sử dụng thô, khi lệ thuộc vào 1 thị trường sẽ mất đi giá trị nông sản, trong khi nhập về những nông sản chế biến sâu. Để giúp nông dân có đầu ra ổn định, chúng tôi nghiên cứu ra đời càphê nông sản, đây là tư duy mới, khác biệt, không giống ai đã bước đầu thành công và cho thành quả. Do đó, để phát triển nông sản, cần tập trung cho chế biến sâu, có sự khác biệt kèm chiến lược truyền thông dài hạn, để người Việt Nam tự hào dùng hàng Việt Nam, “tự hào” chứ không phải là “ưu tiên”” – ông Nguyễn Ngọc Luận khẳng định.
Kiều bào luôn hướng về quê hương, đóng góp cho nền nông nghiệp
Tối 14.2.2022, tại Diễn đàn kết nối, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam khẳng định: Kiều bào Việt Nam dù ở đâu trên toàn thế giới cũng luôn hướng về quê hương, và đã có đóng góp thiết thực cho quá trình xây dựng và đổi mới đất nước, luôn quan tâm đến khu vực nông nghiệp, nông thôn…
Dù ở xa quê hương, mỗi người Việt đã và đang trở thành cầu nối quan trọng giới thiệu với bạn bè thế giới các sản phẩm nông sản của Việt Nam cũng như đưa đầu tư nước ngoài vào trong nước. Từ những trung tâm thương mại lớn của người Việt ở nước ngoài như Incentra ở Moscow (Nga), Đồng Xuân ở Berlin (Đức), Sapa ở Séc, ASEAN Garden Mall tại Hoa Kỳ, Thanh Bình Jeune tại Pháp, chợ Bến Thành tại Úc đến những cửa hàng, siêu thị, quán ăn, quán cà phê… dù nhỏ hay to của kiều bào ở nước ngoài đều thể hiện tâm của người Việt đưa sản phẩm đi khắp bốn phương.
“Đóng góp của kiều bào còn phải kể đến tri thức và kinh nghiệm quý báu đang giúp ngành nông nghiệp chuyển mình thông qua chia sẻ và đưa nhưng công nghệ mới, mô hình sản xuất tiên tiến vào sản xuất như nuôi tôm công nghệ cao, phân bón thông minh, bao bì bảo quản nông sản đa lớp…” – Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh.
Nguồn: laodong.vn