Ngày 24/7/2025, diễn đàn công nghiệp chiến lược M-TALKS 2025 với chủ đề “Cơ hội bứt phá chuỗi giá trị ngành cơ khí – chế tạo Việt Nam trong bối cảnh thuế quan và chuyển dịch chuỗi cung ứng toàn cầu” đã thu hút đông đảo doanh nghiệp quan tâm tham gia.
M-TALKS 2025 được tổ chức nhằm thúc đẩy các cuộc đối thoại thực chất giữa doanh nghiệp– hiệp hội ngành – tổ chức hỗ trợ – chuyên gia đầu ngành, cùng trao đổi về định hướng chiến lược và giải pháp khả thi để nâng cấp vị thế trong chuỗi giá trị toàn cầu. Diễn đàn quy tụ hơn 250 đại biểu, cùng các diễn giả uy tín đến từ VASI, CSID, RX Tradex, Source of Asia, Automech, GCool, cùng nhiều chuyên gia và nhà hoạch định chính sách, tập trung chia sẻ hành trình chuyển đổi mô hình sản xuất, đầu tư vào R&D, tự động hóa, và phát triển thương hiệu Made by Vietnam, đồng thời khai thác lợi thế từ các FTA, chính sách xúc tiến thương mại và nền tảng công nghệ để doanh nghiệp Việt thâm nhập sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế. Ngoài ra, diễn đàn cũng cập nhật các xu hướng công nghệ hậu COVID-19, định hướng chính sách phát triển công nghiệp hỗ trợ, cũng như các cơ chế tài chính – xuất khẩu thiết thực cho doanh nghiệp trong bối cảnh Công nghiệp 4.0.

TS. Trương Thị Chí Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI)
Tại diễn đàn, TS. Trương Thị Chí Bình, Viện Nghiên cứu Chiến lược Chính sách Công Thương, Bộ Công Thương, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hiệp hội công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI) cho biết, trước làn sóng tái cấu trúc chuỗi cung ứng, chuyển dịch dòng vốn và gia tăng rào cản thương mại, nhiều doanh nghiệp Việt vẫn đang dừng lại ở vai trò gia công, chưa làm chủ công nghệ lõi hay phát triển thương hiệu riêng. Bà Chí Bình cũng nhấn mạnh, doanh nghiệp Việt để làm được EOM (đóng gói hoàn thiện một sản phẩm nào đó cho các hãng nước ngoài) rất khó, đòi hỏi phải có công nghệ lõi, tạo dựng được thương hiệu riêng, vì vậy doanh nghiệp hiện chủ yếu phụ trách khâu sản xuất linh kiện.
Chia sẻ về những khó khăn cụ thể, ông Hồ Ngọc Toàn, Công ty Automech JSC cho hay, các doanh nghiệp Việt hầu hết quy mô nhỏ, vốn ít, nên việc tổ chức thành lập một nhà máy rất khó, vì giá thuê đất của các khu công nghiệp khá cao, trong khi đó còn phải đầu tư cơ sở vật chất ban đầu, trang thiết bị máy móc. Cái khó nữa khi làm với đối tác nước ngoài mà hầu hết các doanh nghiệp Việt đều gặp phải là quy trình sản xuất và tiêu chuẩn. Quy trình và tiêu chuẩn của chúng ta thì đơn giản, nhưng khi đi vào công việc thực tế thì phát sinh rất nhiều tiêu chuẩn, hệ thống truyền thống rất vất vả để dung nạp vào những quy trình mới. Đội ngũ nhân sự cần đáp ứng cũng là một rào cản lớn khác. Theo ông Toàn, thông thường một doanh nghiệp muốn phát triển từ 20 người lên 200 người ít nhất cũng mất khoảng 5 năm, nhưng khi đã có khách hàng, có đơn hàng thì gần như lập tức cần phải có ngay hàng trăm nhân sự đó và phải là kỹ sư giỏi. Điểm khó khăn cuối cùng, ông Toàn cho rằng, đó là việc chuyển đổi tư duy từ bán hàng sang sản xuất phải đáp ứng hai tiêu chí quan trọng chất lượng và tiến độ. Để làm được điều này, đòi hỏi doanh nghiệp phải kiên trì, nhất quán và bám sát mục tiêu.

Ông Trần Hồng Quân, Giám đốc Truyền thông RX Tradex giới thiệu về triển lãm METALEX Vietnam 2025 sắp diễn ra vào tháng 10/2025
M-TALKS 2025 là điểm khởi đầu cho chuỗi hoạt động chuyên sâu hướng tới METALEX Vietnam 2025 – lần thứ 18 được tổ chức tại Việt Nam sẽ diễn ra từ ngày 01 – 03/10/2025 tại Trung tâm Hội chợ & Triển lãm Sài Gòn (SECC), với quy mô 250+ thương hiệu toàn cầu, 10+ cụm gian hàng quốc tế và 15.000+ khách tham quan thương mại đến từ hơn 30 quốc gia. Với thông điệp “Empowering Metalworking – Nâng tầm sức mạnh gia công cơ khí”, METALEX Vietnam 2025 không chỉ là sân chơi công nghệ mà còn là điểm chạm chiến lược để doanh nghiệp ngành cơ khí Việt bứt phá, nâng cao năng lực sản xuất và hội nhập sâu vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Là một phần của chuỗi triển lãm METALEX – sự kiện công nghiệp hàng đầu khu vực Đông Nam Á do RX Tradex tổ chức hằng năm tại Thái Lan với quy mô hơn 3.000 thương hiệu và 100.000 chuyên gia ngành, METALEX Vietnam đóng vai trò là nền tảng triển lãm chuyên ngành chiến lược để doanh nghiệp tiếp cận công nghệ mới, kết nối đối tác quốc tế và nâng cao năng lực cạnh tranh vững bước tham gia vào chuỗi cung ứng khu vực. Đây chính là “điểm chạm chiến lược” dành cho cộng đồng cơ khí chế tạo Việt Nam trên hành trình chuyển đổi, hội nhập và phát triển bền vững.
Triển lãm năm nay sẽ giới thiệu hệ sinh thái công nghệ toàn diện, phục vụ trực tiếp cho nhu cầu nâng cấp dây chuyền sản xuất, đầu tư thiết bị, và chuyển đổi số trong ngành cơ khí: Máy công cụ CNC, tiện – phay – mài chính xác cao; Thiết bị cắt gọt, laser fiber, xử lý bề mặt kim loại; Robot công nghiệp và giải pháp tự động hóa nhà máy; Giải pháp đo kiểm, cảm biến, phần mềm CAD/CAM/MES; Hệ thống kết nối dữ liệu thông minh và nhà máy số.
Không chỉ là triển lãm thương mại, METALEX Vietnam còn được thiết kế như một hệ sinh thái tích hợp, với nhiều hoạt động ứng dụng – kết nối – xúc tiến:
- Chuỗi hội thảo chuyên đề diễn ra xuyên suốt 3 ngày triển lãm, xoay quanh các chủ đề thiết yếu trong giai đoạn chuyển đổi của ngành gia công kim loại như: AI & dữ liệu lớn, quản lý sản xuất thông minh, ESG, chính sách công nghiệp hỗ trợ và xu hướng nội địa hóa chuỗi cung ứng.
- NextGen Spotlight khu vực tuyển chọn công nghệ đón đầu tương lai, quy tụ các giải pháp và thiết bị thế hệ mới từ những thương hiệu dẫn dắt xu hướng toàn ngành.
- Khu vực Kết nối nguồn cung trực tiếp (Sourcing Zone) – Lần đầu tiên ra mắt, khu vực kết nối cung – cầu trực tiếp giữa nhà mua hàng và nhà cung ứng linh kiện, bán thành phẩm, dịch vụ kỹ thuật.
- Chương trình kết nối doanh nghiệp (Business Matching) – Chương trình kết nối giao thương trực tiếp, giúp doanh nghiệp trong và ngoài nước tìm kiếm đối tác phù hợp và mở rộng mạng lưới.
- Chương trình tham quan nhà máy (Factory Visit) – Hoạt động tham quan thực tế nhà máy tiêu biểu, giúp đối tác hiểu rõ năng lực sản xuất và thúc đẩy hợp tác dài hạn.
- Hệ thống kết nối tự động (Onsite Automatic Matching) – Hệ thống kết nối thông minh, hỗ trợ khách tham quan xác định gian hàng, công nghệ và đối tác phù hợp ngay từ bước đăng ký.
- Gian hàng quốc gia – cửa ngõ hợp tác đa chiều: Không gian trưng bày thiết bị và công nghệ tiên tiến từ Nhật Bản, Hàn Quốc, Đức, Thái Lan, Trung Quốc – mở ra cơ hội hợp tác, phân phối và chuyển giao công nghệ.
- Hội nghị Tìm kiếm Nhà cung cấp ngành Công nghiệp hỗ trợ 2025: Phối hợp tổ chức cùng Trung tâm Phát triển Công nghiệp Hỗ trợ TP.HCM (CSID), hội nghị là cầu nối chiến lược giữa các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước và các tập đoàn, nhà mua hàng lớn trong và ngoài nước. Bên cạnh hoạt động kết nối cung–cầu, CSID và RX Tradex cũng dự kiến triển khai chương trình tập huấn chuyên sâu về lộ trình tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, nhằm hỗ trợ doanh nghiệp nội địa nâng cao năng lực, chuẩn hóa quy trình và hội nhập bền vững vào thị trường quốc tế.
Với chiến lược tổ chức đồng bộ, nội dung có chiều sâu và hệ sinh thái kết nối đa lớp, METALEX Vietnam 2025 hứa hẹn không chỉ là không gian trưng bày sản phẩm và công nghệ, mà còn là bệ phóng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp cơ khí Việt trong bối cảnh toàn cầu đang tái cấu trúc chuỗi cung ứng một cách mạnh mẽ.
P.V