Hội thảo chuyên đề Aging Summit 2022 với chủ đề “Già hóa dân số – Cơ hội và Thách thức cho thế hệ Millennials” do Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), Viện nghiên cứu Y – Xã hội học (ISMS) và Prudential Việt Nam tổ chức ngày 29/11 tại TPHCM.
Theo Nghiên cứu của Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), thời kỳ già hoá dân số của Việt Nam rất ngắn, dự báo trong vòng 26 năm (2011-2036). Nếu tính từ năm 2022, Việt Nam chỉ còn khoảng 14 năm để ứng phó trước tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, cho dù hiện tại chúng ta vẫn đang trong thời kỳ cơ cấu dân số vàng.
TS. Bùi Sỹ Lợi, Nguyên Phó chủ nhiệm Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội, cho rằng Việt Nam còn khoảng thời gian rất ngắn (14 năm) để bước vào thời kỳ dân số già, nếu tính từ năm 2022. Đây là nguy cơ về suy giảm lực lượng lao động, có thể tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế, trở thành thách thức lớn cho hệ thống an sinh xã hội còn non trẻ của Việt Nam.
Trong bối cảnh đó, Việt Nam cần chú trọng giải quyết một số vấn đề để để “hóa giải” các thách thức đó và đảm bảo thu nhập cho cuộc sống độc lập khi về già của người dân.
“Từ nay đến 2030 Việt Nam phải tranh thủ được cơ hội của dân số vàng để tích luỹ cho giai đoạn dân số già. Cần phải chuẩn bị các điều kiện cho một xã hội dân số già như hệ thống trung tâm dưỡng lão, đào tạo nhân lực chăm sóc người già, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế,…”, ông Lợi nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS. Bùi Tôn Hiến, Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội (ILSSA), cũng cho rằng vấn đề già hóa dân số đã ra thách thức lớn cho Việt Nam khi tốc độ già hóa dân số tăng nhanh, trong khi nguồn lực kinh tế của đất nước còn hạn chế và hệ thống an sinh xã hội vẫn còn non trẻ.
Đến nay chúng ta mới có trên 36% lực lượng lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội; khoảng 47% người cao tuổi được hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng; các cơ chế, chính sách trợ giúp xã hội và hệ thống dịch vụ chăm sóc xã hội cho người cao tuổi chưa phát triển là những thách thức lớn cho xã hội. Điều này có thể dẫn đến gánh nặng “chưa giàu đã già” nếu như chúng ta không có các biện pháp thích ứng kịp thời đối với các vấn đề già hóa dân số. Thích ứng với già hóa dân số là một ưu tiên trong xây dựng và thực hiện các chính sách xã hội của Việt Nam đến 2030 và tầm nhìn 2045.
Kết quả quả khảo sát và nghiên cứu về “Mức độ sẵn sàng cho cuộc sống độc lập khi về già” được thực hiện vào năm 2021 và 2022 cho thấy, mức độ sẵn sàng chuẩn bị cho tuổi già độc lập của nhóm dân số trung niên chưa cao. Do đó, Việt Nam cần phải chủ động ứng phó ngay từ bây giờ.
Hồng Nhung