Lo ngại suy thoái kinh tế, nhu cầu tiêu thụ dầu tại Trung Quốc giảm mạnh và đồng USD mạnh khiến giá dầu thô có tuần giao dịch đầy khó khăn, bất chấp tình hình nguồn cung thắt chặt.
Ảnh minh hoạ |
Giá dầu thế giới bước vào tuần giao dịch từ ngày 10/10 với trạng thái khá bất ổn khi thị trường liên tiếp ghi nhận cảnh báo nguy cơ suy thoái kinh tế sẽ đến sớm hơn dự báo.Quyết định cắt giảm sản lượng khai thác của OPEC+ có thể hỗ trợ giá dầu đi lên nhưng nó cũng đồng nghĩa với áp lực lạm phát gia tăng, đặt kinh tế toàn cầu trước những rủi ro mới.
Việc các ngân hàng trung ương quyết định tăng mạnh lãi suất nhằm hạ nhiệt lạm phát đã bước đầu phát huy hiệu quả, tuy nhiên, ở chiều hướng ngược lại, nó cũng tạo thêm áp lực đối với nỗ lực hỗ trợ, phục hồi kinh tế của các nước.
Chủ tịch Fed Chicago Charles Evans trong tuần đã cho biết hiện Fed đã đạt được đồng thuận cao về việc tăng lãi suất chính sách mục tiêu lên 4,5% vào tháng 3/2023 và giữ nguyên ở đó trong khi có những đánh giá về tác động của nó tới lạm phát và chuỗi cung ứng.
Nhưng ở chiều hướng tích cực, rủi ro nguồn cung năng lượng, trong đó có dầu thô từ Nga, cũng là nhân tố hỗ trợ giá dầu đi lên.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 10/10/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 91,27 USD/thùng, giảm 0,08 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 98,43 USD/thùng, tăng 4,01 USD/thùng trong phiên.
Và khi lo ngại suy thoái kinh tế gia tăng trước sự leo thang căng thẳng xung đột Nga – Ukraine bào mòn nhu cầu tiêu thụ, đặc biệt là tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc…, giá dầu đà quay đầu giảm mạnh.
Ngày 11/10, Chủ tịch Ngân hàng thế giới (WB) David Malpass và Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Kristalina Georgieva hôm đã cảnh báo nguy cơ suy thoái toàn cầu ngày càng tăng và cho biết lạm phát vẫn là một vấn đề tiếp diễn.
Theo báo cáo Triển vọng kinh tế thế giới mới nhất được đưa ra tại cuộc họp thường niên, IMF cho rằng, tăng trưởng trong năm 2023 sẽ giảm xuống mức 2,7% so với mức dự báo 2,9% hồi tháng 7 vừa qua. Cuộc xung đột Nga – Ukraine chưa hồi kết, giá năng lượng và lương thực cao, tình trạng lạm phát và lãi suất cao là những nguyên nhân chính được IMF chỉ ra khiến kinh tế thế giới đối mặt với nguy cơ gia tăng rơi vào suy thoái trong năm tới.
IMF dự báo tăng trưởng kinh tế Mỹ trong năm 2023 sẽ chỉ ở mức 1%; khu vực đồng tiền Euro là 0,5% và Trung Quốc là 4,4%.
Tại Mỹ, theo báo cáo của Viện Dầu mỏ Mỹ (API), tuần trước dự trữ dầu thô của Mỹ tăng 7,054 triệu thùng; dự trữ xăng tăng 2,008 triệu thùng; và dự trữ sản phẩm chưng cất giảm 4,560 triệu thùng.
Bộ Năng lượng Mỹ đã dự báo mức tiêu thụ dầu của nước này trong năm 2023 chỉ tăng 0,9%, giảm đáng kể so với dự báo 1,7% được đưa ra trước đó. Mức tăng này của toàn thế giới trong năm 2023 là 1,5%, thấp hơn mức dự báo 2% được đưa ra trước đó.
Ghi nhận vào đầu giờ sáng ngày 13/10/2022, theo giờ Việt Nam, trên sàn New York Mercantile Exchanghe, giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 đứng ở mức 85,99 USD/thùng, giảm 0,07 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 92,45 USD/thùng, giảm 0,12 USD/thùng trong phiên.
Đà giảm của giá dầu chỉ tạm bị chặn lại vào đầu phiên 14/10 khi thị trường ghi nhận dữ liệu về tồn kho dầu diesel và dầu sưởi của Mỹ xuống mức thấp và tâm lý tích cực của nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán Mỹ.
Theo số liệu từ Cơ quan Thông tin năng lượng Mỹ (EIA), tồn kho dầu diesel và dầu sưởi của Mỹ đã giảm tới 4,9 triệu thùng trong tuần kết thúc ngày 7/10, cao hơn nhiều so với dự báo giảm 2 triệu thùng được giới phân tích đưa ra trước đó.
Tồn kho sản phẩm chưng cất của Mỹ hiện chỉ còn 106,1 triệu thùng, thấp nhất kể từ tháng 5/2022. Và tồn kho dầu của Mỹ lại tăng 9,9 triệu thùng, trong khi dự trữ xăng lại tăng 2 triệu thùng.
Thị trường cũng đặt cược vào nhu cầu tiêu thụ dầu sẽ tăng mạnh khi mùa đông đến gần tại châu Âu trong bối cảnh nguồn cung khí đốt tại khu vực thắt chặt.
Tuy nhiên, triển vọng nhu cầu yếu, đồng USD mạnh hơn, dự trữ dầu thô Mỹ tăng… vẫn tiếp tục tạo áp lực kiềm chế đà tăng của giá dầu. Và thực tế ngay phiên giao dịch sau đó, những nhân tố này đã nhanh chóng khiến giá dầu rơi vào trạng thái lao dốc mạnh.
Kinh tế toàn cầu liên tục được cảnh báo về nguy cơ sớm rơi vào trạng thái suy thoái trong bối cảnh lạm phát tăng cao, chi phí năng lượng leo thang.
Đặc biệt là tại Trung Quốc, giới đầu tư lo ngại nhu cầu tiêu thụ dầu của nền kinh tế thứ 2 thế giới sẽ giảm mạnh khi dịch Covid-19 lại đang “nóng” tại nhiều khu vực, trong khi Trung Quốc vẫn đang theo đuổi chính sách zero-Covid.
Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA) mới đây đã cảnh báo quyết định cắt giảm sản lượng của OPEC+ có thể đẩy kinh tế toàn cầu sớm rơi vào suy thoái.
IEA cũng hạ dự báo tăng trưởng nhu cầu dầu trong năm 2022 xuống 1,9 triệu thùng/ngày và năm 2022 xuống 1,7 triệu thùng/ngày.
Chốt tuần giao dịch, giá dầu hôm nay ghi nhận giá dầu thô ngọt nhẹ WTI giao tháng 12/2022 trên sàn New York Mercantile Exchanghe đứng ở mức 84,54 USD/thùng, giảm 3,41 USD/thùng trong phiên. Trong khi đó, giá dầu Brent giao tháng 12/2022 đứng ở mức 91,72 USD/thùng, giảm 2,85 USD/thùng trong phiên.
Tại thị trường trong nước, hiện giá bán các mặt hàng xăng dầu tiêu dùng phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5RON92 không cao hơn 21.292 đồng/lít; giá xăng RON95 không cao hơn 22.007 đồng/lít; giá dầu điêzen 0.05S không cao hơn 24.187 đồng/lít; giá dầu hỏa không cao hơn 22.820 đồng/lít; giá dầu mazut 180CST 3.5S: không cao hơn 14.094 đồng/kg.
Nguồn:(PetroTimes)