Lạm phát làm giảm sức mua, chi phí đầu vào ngày càng tăng cao khiến nhiều người kinh doanh đối mặt tình cảnh u ám.
Chị Hoa – chủ sạp thịt heo vốn đắt khách ở chợ Xóm Mới (Gò Vấp) – cho biết nửa tháng nay, lượng hàng nhập về bán giảm 30% so với trước Tết và giảm 50% so với trước dịch. “Nếu trước kia tôi bán mỗi ngày một con heo, nay chỉ nửa con vẫn khó hết”, chị Hoa nói.
Chung cảnh ngộ, chị Oanh, tiểu thương bán hải sản tại chợ Phạm Văn Hai (Tân Bình) hiện cũng bị các khách sỉ (quán ăn) ngưng nhập hàng, còn khách lẻ quen chỉ mua 1-2 lần trong tháng.
Nhiều chuỗi hải sản lớn cũng trong tình cảnh buôn bán ế ẩm. Theo anh Thanh Tùng, chủ cửa hàng trên đường quốc lộ 13 (Bình Thạnh), doanh số giảm 30% so với cùng kỳ năm ngoái. “Khách giờ chỉ chọn mua các loại hải sản bình dân phù hợp với bữa ăn hàng ngày thay vì các loại đắt tiền”, anh Tùng nói.
Ông Trần Văn Trường, CEO chuỗi Hải sản Hoàng Gia, cho hay số lượng hải sản bán ra hai tháng đầu năm nay giảm 10% so với cùng kỳ. Nhiều sản phẩm đang hạ nhiệt nhưng sức mua chưa có dấu hiệu đi lên.
Ngoài nhóm thực phẩm tươi sống, các cửa hàng tạp hóa, quán ăn cũng căng thẳng khi doanh số thu về chỉ đủ trả tiền mặt bằng, thậm chí lỗ.
10 năm kinh doanh cửa hàng tạp hóa trên đường Lê Đức Thọ (Gò Vấp), bà Lan cho biết trước đây mỗi ngày bán 2-4 triệu đồng tiền hàng, tháng đầu năm chỉ còn 200.000-500.000 đồng – mức thấp nhất trong một thập kỷ kinh doanh.
‘”Gần đây, nhiều khách quen của tôi hạn chế ăn vặt, uống nước ngọt, chỉ mua những hàng hóa thiết yếu. Nếu vài tháng nữa, tình hình không cải thiện, tôi sẽ nghỉ buôn bán về quê sinh sống”, bà Lan nói.
Khi doanh số các cửa hàng, chợ truyền thống sụt giảm, doanh nghiệp hàng tiêu dùng cũng bị ảnh hưởng.
Ông Trương Chí Thiện – Tổng giám đốc Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt – cho rằng sức tiêu thụ trứng những tháng đầu năm thấp nhất bốn năm qua. Tương tự, ông Phan Văn Dũng, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (Vissan), cũng cho biết sức mua hai tháng đầu năm tăng 20% so với cùng kỳ 2022 nhưng đa phần rơi vào tháng 1 – dịp Tết Nguyên đán. Còn sau Tết, doanh nghiệp liên tục phải giảm giá để kích cầu tiêu dùng.
Theo các doanh nghiệp, áp lực lớn nhất là chi phí đầu vào khi giá nguyên liệu leo thang hai năm qua. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 1 tăng cao 4,89% so với cùng kỳ năm 2022. “Nếu lạm phát vẫn kéo dài thì sớm muộn gì quán xá cũng sẽ lên giá hết”, bà Lan – chủ cửa hàng tạp hóa trên đường Lê Đức Thọ nói.
Giá cả cao, cùng những biến động về kinh tế như thất nghiệp gia tăng, áp lực lãi vay đã ảnh hưởng tới khả năng chi trả thực tế của nhiều người.
Chị Oanh ở quận 5 cho biết, công ty của chồng trong lĩnh vực xây dựng năm qua gặp khó nên Tết không có thưởng, đến nay vẫn nợ lương nhân viên. Do đó, những tháng đầu năm, gia đình chị phải “thắt lưng buộc bụng”.
“Thay vì dành 5-6 triệu đồng mỗi tháng cho bữa ăn gia đình, giờ tôi giảm còn 3,5 triệu đồng”, chị kể.
Báo cáo của Tổng cục thống kê cho thấy, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng trước (trùng với dịp Tết Nguyên Đán) tăng 15,8% so với cùng kỳ 2022 sau khi loại trừ yếu tố “đội” giá. Nhưng mức này chỉ bằng 88,1% so với thời điểm không có Covid-19.
Các chuyên gia dự báo nửa đầu năm nay kinh tế trong nước vẫn gặp nhiều trở ngại, sức mua chỉ có thể phục hồi từ giữa năm. Trên thế giới, xung đột giữa Nga – Ukraine vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp. Sự phục hồi kinh tế Trung Quốc có thể kéo nhu cầu năng lượng gia tăng. Do đó, áp lực lạm phát còn rất lớn và giá hàng hóa có thể còn lên cao.
Đánh giá của Công ty Chứng khoán Mirae Asset còn cho rằng tỷ lệ thất nghiệp có khả năng tăng trở lại do nhu cầu cắt giảm nhân sự nhằm tiết kiệm chi phí hoạt động và nhiều doanh nghiệp dừng kinh doanh. Công ty chứng khoán SSI cũng lưu ý, có thể tiêu dùng sẽ chậm lại dưới tác động của lạm phát.
Để bức tranh kinh doanh bớt u ám, các doanh nghiệp đang thực hiện nhiều chương trình giảm giá để kích cầu. Vissan đang khuyến mãi giảm giá cả thực phẩm tươi sống và hàng chế biến ở mức 10-30%. Công ty thực phẩm Vĩnh Thành Đạt đang cùng các hệ thống siêu thị giảm giá trứng ở mức 10%. Trong đó, một số ít loại bán theo chính sách mua 10 quả tặng 2 quả. Co.opmart, Co.opXtra, Go!, Winmart giảm giá 10-50% trên nhiều sản phẩm; có gian hàng không lợi nhuận để hỗ trợ nông dân khi nông sản rớt giá mạnh.
Bên cạnh việc giảm giá để kích cầu sức mua, theo đại diện Hiệp hội lương thực thực phẩm TP HCM (FFA), Chính phủ cần có các chính sách hỗ trợ cụ thể từng ngành hàng. Không chỉ nhóm thực phẩm, những ngành như gỗ, thủy sản, xây dựng, dệt may cũng cần được hỗ trợ chính sách, vay vốn ưu đãi. Từ đó, họ sẽ có thêm dòng tiền để tạo công ăn việc làm cho người lao động. Mãi lực tiêu dùng của cả nước có thể bật tăng trở lại.
Nguồn;vnexprees