Được biết, AmBank hiện là đơn vị đứng trong top 4 những nhà băng lớn nhất tại Malaysia, với vốn hoá lên tới 2,7 tỉ USD.
Để mua lại cổ phần của AmBank, Grab được cho là đang tiếp cận các cổ đông hiện hữu của ngân hàng này, gồm ANZ đang nắm giữ 21,7% cổ phần AmBank, và ông Azman Hashim – Cựu chủ tịch AmBank đang nắm giữ 11,83% cổ phần.
Trước đó, Grab đã thành lập liên doanh và được cấp phép hoạt động ngân hàng số ở Malaysia. Đầu năm nay, Grab mua 16,3% ngân hàng PT Bank Fama International (Indonesia) với giá 35 triệu USD. Hiện tại, Grab cũng là một trong những ứng viên sẽ mua lại mảng kinh doanh tại Đông Nam Á của Home Credit.
Grab muốn trở thành cổ đông lớn của ngân hàng. |
Malaysia, tương tự như Singapore và Philippines, đang cố gắng mở rộng tiếp cận tới các dịch vụ tài chính bằng cách mở cửa hệ thống ngân hàng cho các công ty công nghệ và phi ngân hàng.
Vào năm 2020, liên doanh giữa Grab và Singtel cũng nhận được giấy phép hoạt động ngân hàng số ở Singapore.
Theo Fitch Ratings, Đông Nam Á đang là thị trường hấp dẫn các dịch vụ ngân hàng kỹ thuật số, bởi hiện có khoảng 290 triệu người ở Đông Nam Á không có tài khoản ngân hàng chính thức, cho thấy một thị trường khổng lồ chưa được khai thác cho các ngân hàng kỹ thuật số, trong khi các công ty công nghệ như Grab đang muốn khai thác.
Giám đốc điều hành của Grab Financial Group, Reuben Lai cho biết, Đông Nam Á là một trong những nơi có dân số không sử dụng ngân hàng lớn nhất thế giới, nhưng việc số hóa cuộc sống hàng ngày đang gia tăng nhanh chóng nhờ Covid-19 có nghĩa tạo một cơ hội vàng cho các ngân hàng và tài chính kỹ thuật số trong khu vực.
Theo Reuben Lai, đại dịch đã mang lại “cơ hội chưa từng có” trên toàn khu vực trong lĩnh vực tài chính kỹ thuật số, với nhiều “khoảng trắng” trên nhiều lĩnh vực từ thanh toán kỹ thuật số, cho vay, bảo hiểm và ngân hàng kỹ thuật số.