Thay vì thành quận, Hóc Môn muốn lên thành phố để phù hợp xu thế chung, định hướng phát triển đô thị sinh thái, hiện đại khu vực Tây Bắc TP HCM.
Thông tin được ông Nguyễn Văn Tuyên, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn nói tại Hội nghị triển khai đề án xây dựng các huyện thành quận hoặc thành phố giai đoạn 2021-2030, sáng 2/6.
Theo ông Tuyên, nếu chuyển lên quận, địa phương có nhiều chỉ tiêu khó đạt. Ngoài ra, đặc thù của huyện còn nhiều khu vực nông thôn không thể chuyển thành đô thị. Do đó, Ban Thường vụ Huyện ủy thảo luận và thống nhất xây dựng đề án định hướng Hóc Môn lên thành phố trực thuộc TP HCM giai đoạn tới.
Quốc lộ 22, đoạn qua huyện Hóc Môn, tháng 4/2022. Ảnh: Quỳnh Trần |
Trước đó, các huyện Bình Chánh, Cần Giờ, Củ Chi cũng chọn định hướng phát triển lên thành phố thay vì lên quận vì nhiều lý do như: tốc độ đô thị hóa không đồng đều; tỷ lệ đất nông nghiệp cao; thành phố vừa có phường, vừa có xã, còn quận thì toàn bộ đơn vị hành chính phải là phường.
Trong kế hoạch đưa các huyện thành quận (hoặc lên thành phố thuộc TP HCM), dựa vào dân số, diện tích, phát triển kinh tế – xã hội, hạ tầng đô thị…, Sở Nội vụ đánh giá Bình Chánh đạt thang điểm cao nhất, 26/30 tiêu chí, tiếp đến Nhà Bè và Củ Chi đạt 23/30, Hóc Môn 22/30, Cần Giờ thấp nhất với 19/30.
Lãnh đạo Hóc Môn cũng cho biết, huyện đã làm dự thảo, nhận góp ý của các sở ngành và tiếp tục ghi nhận các ý kiến của chuyên gia để hoàn thiện. Do nội dung đề án nhiều nội dung, đòi hỏi nhiều chất xám nên địa phương đề xuất thuê tư vấn, kinh phí từ nguồn xã hội hóa.
Theo báo cáo của UBND huyện Hóc Môn, địa phương đang đô thị hóa nhanh, dân số tăng cao, diện tích đất sản xuất nông nghiệp ngày càng thu hẹp, tỷ lệ lao động phi nông nghiệp chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu lao động với hơn 94%. Cơ cấu kinh tế của huyện đang chuyển dịch theo hướng thương mại – dịch vụ, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, nông nghiệp.
Mặt khác, các điều kiện tự nhiên, quy mô dân số và hạ tầng, giao thông, văn hóa giáo dục của huyện gần như tương đồng các quận lân cận như 12, Gò Vấp và Bình Tân. Địa phương này cho rằng việc lên thành phố phù hợp xu thế phát triển đô thị chung của TP HCM, định hướng phát triển theo hướng sinh thái, văn minh, hiện đại phía Tây Bắc.
Theo Nghị quyết 1211 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tiêu chuẩn thành phố thuộc tỉnh, hoặc thành phố trực thuộc Trung ương gồm: từ 150.000 người trở lên; diện tích hơn 150 km2; có hơn 10 đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc; tỷ lệ số phường trên tổng số đơn vị hành chính cấp xã từ 65%…
Còn tiêu chuẩn lên quận thuộc thành phố trực thuộc Trung ương gồm: mật độ dân số đạt từ 10.000 người mỗi km2; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt từ 90% so với tổng số lao động; tỷ trọng công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch trong cơ cấu kinh tế đạt từ 90% trở lên; hạ tầng đô thị đồng bộ và hoàn chỉnh…
Để lập quận hay thành phố, UBND cấp tỉnh sẽ xây dựng đề án báo cáo Chính phủ. Sau đó, Bộ Nội vụ trình Thủ tướng quyết định thành lập Hội đồng thẩm định đề án; chủ trì, phối hợp các bộ, ngành thẩm định đề án thành lập quận hay thành phố… Cuối cùng, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Hiện, TP HCM có 22 quận, huyện và thành phố. Trước đó, Thủ Đức lên thành phố hồi cuối năm 2020, sau khi sáp nhập ba quận 2, 9 và Thủ Đức.