Hơn 1.300 là các lãnh đạo bệnh viện, lãnh đạo các Khoa, Phòng chuyên môn liên quan, lãnh đạo và cán bộ quản lý về công nghệ thông tin tại bệnh viện được mời tham dự MEDTECH4.0. Hội thảo và Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 dự kiến chào đón 500 đại biểu tham dự Hội thảo và hơn 1,000 lượt khách đến sự kiện. Bên cạnh đó, MEDTECH4.0 năm 2022 nhận được sự quan tâm, đồng hành và đăng ký tham dự từ hơn 50 doanh nghiệp, nhà
cung cấp về giải pháp công nghệ cho Y tế hàng đầu tại Việt Nam như: Viettel, VNPT, Siemens Healthineers, VinBrain,FPT IS, Informed từ VMED Group, Thabis, SpeedMaint, Thiên Phúc Hưng, IV Meditech, MoMo, Samsung..v.v..
Sự kiện Hội thảo và Triển lãm Công nghệ Y tế 4.0 (MEDTECH 4.0) được tổ chức vào ngày 20 /6/2022 tại khách sạn Melia Hà Nội với sự tham gia của Bộ Y tế. Các đơn vị phối hợp tổ chức bao gồm Tổng Hội Y học Việt Nam, Cục Công nghệ thông tin (CNTT) – Bộ Y tế, Công ty TNHH Xúc tiến thương mại và Truyền thông BHub Việt Nam, Hội thiết bị Y tế Việt Nam và Hiệp hội phần mềm và Dịch vụ CNTT Việt Nam.
Mục tiêu MEDTECH4.0 hướng đến là nơi kết nối gặp gỡ, thúc đẩy hợp tác giữa các nhà cung cấp sản phẩm, giải pháp về công nghệ y tế với các bệnh viện, cơ sở khám chữa bệnh (KCB) tại Việt Nam. Sự kiện được định hướng trở thành một sự kiện quan trọng thường niên của ngành Y tế Việt Nam tập trung cho lĩnh vực Công nghệ Y tế. Tại MEDTECH4.0, bệnh viện, cơ sở KCB có cơ hội tìm hiểu giải pháp công nghệ tiên tiến nhất hiện nay nhằm ứng dụng vào hiện trạng bệnh viện, góp phần thúc đẩy công cuộc chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý y tế và chất lượng khám chữa bệnh. Đây cũng là cơ hội để các đơn vị cung cấp giải pháp CNTT tiếp cận, tìm hiểu tình hình thực tế, giới thiệu các giải pháp công nghệ và tư vấn mô hình đầu tư, ứng dụng cho các bệnh viện, cơ sở KCB. Đồng thời, MEDTECH4.0 cũng là nơi để các nhà hoạch định chính sách về công nghệ y tế có cơ hội được lắng nghe, ghi nhận các mong muốn, khuyến nghị từ các bệnh viện, cơ sở KCB và doanh nghiệp, chuyên gia
nhằm nhanh chóng hoàn thiện cơ chế chính sách, tạo điều kiện tốt nhất cho lộ trình chuyển đổi số Y tế tại Việt Nam.
Sự kiện gồm các hoạt động chính: Hội thảo, Triển lãm, kết nối hợp tác diễn ra trong cả ngày với chủ đề “Triển khai ứng dụng công nghệ thông tin tổng thể và toàn diện, thúc đẩy hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi số tại bệnh viện” Phiên toàn thể Hội thảo dự kiến tập trung vào các vấn đề nóng trong chuyển đổi số Y tế tại Việt Nam giai đoạn 2022 – 2025; Vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh trong quá trình chuyển đổi số tại các bệnh viện; Chia sẻ kinh nghiệm thực tế của một mô hình bệnh viện ứng dụng CNTT tổng thể và toàn diện tại điển hình tại Việt Nam cùng các thách thức hiện tại và kỳ vọng cho tương lai. Phiên Tọa đàm cấp cao với sự tham gia của đại diện Bộ Y tế và các chuyên gia đầu ngành đến từ Bệnh viện Quân Y 175, Vietinbank, FPT IS, VMED Group, KPMG,…sẽ đem lại những thông tin mới nhất và khuyến nghị về giải pháp cho Việt Nam từ góc nhìn đa chiều xoay quanh chủ đề “Chuyển đổi số Y tế tại bệnh viện: Từ chính sách đến thực tiễn”.
Phiên chuyên đề 1 chủ đề “Bệnh án điện tử và Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt” chia sẻ kinh nghiệm, giải pháp ứng dụng bệnh án điện tử và thanh toán không dùng tiền mặt tại bệnh viện, cơ sở KCB cũng như thảo luận về quá trình tích hợp các công cụ tiện ích khác liên quan.
Phiên chuyên đề 2 chủ đề “Ứng dụng trí tuệ AI trong chẩn đoán hình ảnh” giới thiệu và chia sẻ về các thông tin mới nhất, kết quả bước đầu của nghiên cứu ứng dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh tại Việt Nam cũng như các kỳ vọng về năng lực tự chủ công nghệ lõi của Việt Nam trong lĩnh vực này. Phiên tọa đàm với sự tham gia của các chuyên gia, bác sĩ từ các bệnh viện, tổ chức nghiên cứu về Y tế uy tín sẽ mang lại cho khách tham dự các tiếp cận về AI trong chẩn đoán hình ảnh nói chung cũng như chuyên sâu trong từng loại bệnh khác nhau.
Triển lãm giới thiệu giải pháp công nghệ Y tế số mới nhất mở cửa cho khách thăm quan tự do trong cả ngày. Bên cạnh đó, nền tảng kết nối hợp tác (B2B) thông minh cho phép các chuyên gia và bệnh viện, khách tham dự có thể chủ động kết nối riêng tư trước, trong và sau sự kiện để trao đổi, tư vấn ứng dụng công nghệ thông tin trong chuyển đổi số tại bệnh viện, cơ sở KCB và tìm hiểu khả năng hợp tác liên quan.
Những con số nổi bật của MEDTECH4.0 năm 2022
Tham dự Hội thảo Công nghệ MEDTECH4.0 để cùng lắng nghe chia sẻ từ các lãnh đạo, chuyên gia hàng đầu đến từ: Bộ Y tế, Tổng Hội Y học Việt Nam, Hội Điện quang và Y học hạt nhân, Viện Ung thư Quốc gia và các bệnh viện Bệnh viện Quân Y 175, Bệnh viện K Trung ương, Bệnh viện Phổi Trung ương, Bệnh viện Bệnh viện Đa khoa Nông nghiệp – Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, Bệnh viện Đa khoa Quốc
tế Hải Phòng, Bệnh viện Đại học Y Dược TP. HCM, Hệ thống Y tế VINMEC,..v.v..
Ông Nguyễn Trường Nam, Phó Cục trưởng Cục Công nghệ Thông tin Bộ Y tế: “Có một số khái niệm sắp tới chúng ta sẽ thường xuyên gặp. Chúng ta sẽ làm sao để xây dựng bệnh viện 3 KHÔNG: KHÔNG GIẤY TỜ – KHÔNG XẾP HÀNG – KHÔNG THANH TOÁN BẰNG TIỀN MẶT, đẩy mạnh khám chữa bệnh từ xa để người dân không đến bệnh viện mà vẫn có thể tiếp cận được dịch vụ y tế thông qua công nghệ số. Như vậy sẽ giúp chúng ta chủ động
trong chăm sóc sức khỏe người dân. Đấy là định hướng của chuyển đổi số ngành y tế trong giai đoạn tới.”
Ông Dương Dũng Triều – Chủ tịch FPT Information System: “FPT đã tham gia rất nhiều sự kiện công nghệ thông tin trong ngành y tế nhưng chưa bao giờ có một sự kiện thuần túy về công nghệ Y tế được tổ chức riêng. Khi có một sự kiện dành riêng cho lĩnh vực công nghệ thông tin và chuyển đổi số y tế như MEDTECH4.0, FPT kỳ vọng sẽ được giới thiệu các sản phẩm của FPT, tới các đối tượng như bác sĩ, bệnh viện, cơ quan quản lý ngành,… Thứ 2 kỳ
vọng kết nối với đối tác b bệnh viện, chia sẻ kinh nghiệm, hợp tác với nhau để cùng đưa ra giải pháp tốt nhất cho bệnh viện, cho bệnh nhân, cho bác sĩ. Cuối cùng thông qua sự kiện như này có thể đưa ra đề xuất để triển khai ứng dụng cho ngành y tế hiệu quả nhất.”
Ông Trần Văn Đức – Trưởng phòng CNTT Bệnh viện Đại học Y dược TP.HCM: “Có bốn khó khăn và thách thức trong chuyển đổi số tại bệnh viện: Thứ nhất nguồn nhân lực công nghệ thông tin trong y tế hiện nay chưa chuẩn bị kịp thời về mặt số lượng và chất lượng. Thứ hai là kinh phí đầu tư công nghệ thông tin trong y tế chưa đạt được mức cần thiết. Thứ ba là dịch vụ y tế còn rời rạc chưa tập trung. Thứ tư là thói quen của người dùng ví dụ như: sử dụng giấy, sử dụng tiền mặt có hạn chế trong quá trình phát triển công nghệ thông tin y tế
cũng như chuyển đổi số của y tế việt nam.
Chúng ta nên có những chương trình đào tạo nguồn nhân lực công nghệ y tế. Thứ hai là về kinh phí đầu tư, đã đến lúc nên đưa chi phí về công nghệ thông tin vào hồ sơ giá của bệnh viện.”
P.V