Thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, hiện tại, 3 cửa khẩu chính trên địa bàn gồm: Hữu Nghị, Tân Thanh và Chi Ma đang tích cực hoạt động thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu. Tuy nhiên, do các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 nghiêm ngặt của phía Trung Quốc nên hiệu suất thông quan vẫn rất thấp.
Tính đến ngày 15/2, tổng lượng xe chờ xuất khẩu tại 3 cửa khẩu chính này là hơn 1.700 xe. 90% trong số này là xe chở hoa quả tươi từ các tỉnh phía Nam, xuất khẩu bằng đường bộ sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, năng lực thông quan tại các cửa khẩu ở Lạng Sơn hiện vẫn rất chậm, khoảng 70 – 80 xe một ngày, bằng 1/6 so với nhu cầu xuất hàng sang Trung Quốc. Nguyên nhân vẫn do phía nước bạn duy trì chiến lược “zero Covid”, siết chặt các biện pháp phòng dịch với người (lái xe) và phương tiện vận chuyển hàng. Thời gian thông quan mỗi xe vài giờ đồng hồ, thay vì 10 – 15 phút như trước, chưa kể nếu là hàng đông lạnh bị kiểm tra rất chặt dù chủ hàng cung cấp đủ giấy tờ xét nghiệm tài xế, khử khuẩn xe.
Trước đó (ngày 9/2), Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã thông báo, dừng tiếp nhận phương tiện chở hàng hoa quả tươi lên cửa khẩu đường bộ để xuất sang Trung Quốc từ ngày 16/2 đến 25/2.
Cụ thể, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn đã có công văn đề nghị Sở Công Thương các tỉnh, TP có mặt hàng hoa quả tươi xuất khẩu qua địa bàn tỉnh Lạng Sơn thông tin rộng rãi tới các DN, thương nhân về việc tạm thời dừng đưa mặt hàng hoa quả tươi lên khu vực các cửa khẩu biên giới đường bộ của tỉnh Lạng Sơn để xuất khẩu.
Các địa phương cần tiếp tục triển khai công tác kết nối thị trường, đẩy mạnh tiêu thụ trong nước, tập trung vào các loại trái cây, nông sản đang vào vụ thu hoạch; xem xét, hướng dẫn các DN lựa chọn, chuyển đổi phương thức vận tải, xuất khẩu khác ngoài đường bộ như đường thủy, đường sắt nhằm giảm tải cho các cửa khẩu đường bộ; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường xuất khẩu sang các quốc gia khác.
Theo Tổng thư ký Hiệp hội rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên, đợt ùn tắc đầu năm mới này không ảnh hưởng nhiều như cuối năm 2021. Tuy nhiên, một số nông sản như mít, xoài, dưa hấu, thanh long đang bị ùn ứ và có nguy cơ giảm giá khi xuất khẩu chậm lại. Nếu quốc gia này vẫn duy trì chính sách “zero Covid” thì năm nay xuất khẩu sẽ giảm 30 – 40% sang nước này.
Trước tình trạng ùn ứ nông sản tại cửa khẩu tái diễn, Bộ Công Thương khuyến cáo, thời điểm này, Trung Quốc vẫn tăng cường các biện pháp kiểm soát phòng, chống dịch Covid-19 và kiểm soát chặt chất lượng hàng hóa nhập khẩu nên Bộ sẽ tiếp tục hội đàm với cơ quan chức năng của Trung Quốc để thống nhất giải pháp tháo gỡ những vướng mắc liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua các cửa khẩu của tỉnh Lạng Sơn và các cửa khẩu của các địa phương khác.
Tuy nhiên, đó là những giải pháp thường xuyên và dài hạn, còn trước mắt, các địa phương cần chủ động lên phương án tiêu thụ nông sản, nhất là hoa quả tươi tại thị trường trong nước và nỗ lực tìm các thị trường mới. Trong đó, cần thiết phải tính đến việc rà soát chi tiết quy hoạch từng loại trái cây cho phù hợp với nhu cầu thị trường; tính toán các phương án rải vụ để tránh thu hoạch đồng loạt với sản lượng lớn, gây áp lực tiêu thụ, dẫn đến tình trạng hàng tồn, giá rẻ.
Theo baodansinh.vn