Hợp tác, xúc tiến các cơ hội xuất khẩu cho doanh nghiệp nữ

Những sáng kiến, chương trình hợp tác, hỗ trợ hiệu quả đang giúp nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ nâng cao năng lực trong lĩnh vực thương mại, nắm bắt các cơ hội thị trường để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, xuất khẩu hàng hóa.

Mới đây, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và Trung tâm Thương mại quốc tế (ITC – International Trade Center), đơn vị liên kết của tổ chức Liên Hợp quốc (UN) và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã tổ chức Hội thảo “Xúc tiến Hợp tác Công – Tư nhằm tối đa cơ hội xuất khẩu cho Doanh nghiệp nữ Việt Nam”.

Doanh nghiệp nữ tăng cả về số lượng và chất lượng

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho biết: Hiện nay, Việt Nam có hơn 70% dân số nữ tham gia vào lực lượng lao động. Với khoảng 26,5% doanh nghiệp trong nước do phụ nữ làm chủ đang từng bước thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế đất nước.

Ông Vũ Bá Phú – Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương)

Theo thống kê của Hiệp hội Nữ doanh nhân Việt Nam, trong những năm gần đây số lượng doanh nghiệp Việt Nam do phụ nữ làm chủ tăng lên nhanh chóng. Tại một số tỉnh, thành phố, bên cạnh xu hướng tăng lên về số lượng, doanh nghiệp do nữ làm chủ còn có sự đa dạng về ngành nghệ sản xuất kinh doanh và doanh số. Các doanh nghiệp nữ cũng không ngừng lớn mạnh về chất lượng mà còn mở rộng địa bàn hoạt động.

Đặc biệt, nhiều doanh nhân nữ hiện nay đã đạt được những thành tựu lớn, được vinh danh nhiều danh hiệu cao quý và các giải thưởng quốc tế như: Anh hùng Lao động thời kỳ Đổi mới; “Top 50 doanh nhân quyền lực nhất châu Á” nhiều năm liên tiếp; “Nữ doanh nhân ASEAN tiêu biểu”; “Top 50 nhà lãnh đạo doanh nghiệp xuất sắc đang thay đổi các ngành công nghiệp khu vực”…

Ngoài vai trò là lực lượng quan trọng của nền kinh tế, đóng góp tích cực vào tăng trưởng và tạo công ăn việc làm cho người lao động, các nữ doanh nhân Việt Nam được đánh giá cao về sự chủ động trong các hoạt động phát triển sản xuất kinh doanh, đóng góp cho cộng đồng, xã hội và phát triển bền vững.

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ vẫn đứng vững, đạt mức tăng trưởng cao, truyền cảm hứng cho các thế hệ trẻ, doanh nghiệp khởi nghiệp và những nữ doanh nhân khác.

Bên cạnh tạo ra cơ chế, chính sách thuận lợi cho doanh nhân nữ phát triển thì khơi dậy đam mê, khát vọng kinh doanh, hỗ trợ nâng cao năng lực và định hướng phát triển cho phụ nữ chính là những nhân tố quan trọng giúp cho các nữ doanh nhân thêm vững tin và tự tin hơn trong sự nghiệp.

Hỗ trợ các doanh nghiệp nữ tiếp cận với nhiều thị trường hơn

SheTrades là một sáng kiến trực thuộc Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC), cơ quan liên hiệp của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và Liên hợp quốc (UN) nhằm tạo ra một hệ sinh thái bao gồm các giải pháp tích hợp nhằm trao quyền kinh tế cho phụ nữ thông qua việc hội nhập trong thương mại và đầu tư. Sáng kiến SheTrades tập hợp các bên liên quan chính bao gồm chính phủ, khối tư nhân, các tổ chức quốc tế và các tổ chức khác để mở rộng các cơ hội về kinh tế cho các doanh nghiệp do phụ nữ lãnh đạo.

Năm 2018, UPS và Quỹ UPS đã cho ra mắt chương trình Hỗ trợ Doanh nhân nữ xuất khẩu, nỗ lực toàn cầu nhằm tạo điều kiện cho các nữ doanh nhân củng cố năng lực để họ có thể vươn ra thị trường quốc tế. Chương trình chính thức bắt đầu hợp tác với ITC SheTrades vào tháng 6/2018 và “Dự án SheTrades và UPS” chính thức được khởi động vào năm 2019, với sự tài trợ của Quỹ UPS.

Dự án nhằm mục đích tăng cường sự tham gia của các nữ doanh nhân trong lĩnh vực thương mại, bằng cách nâng cao khả năng cạnh tranh của họ, tạo ra các giải pháp tích hợp và mở ra các cơ hội kinh doanh và đầu tư.

Dự án hoạt động theo cách tiếp cận kép, bao gồm:

Hoạt động toàn cầu: Đồng sáng tạo các mô-đun đào tạo linh hoạt cùng với các chuyên gia UPS về các chủ đề liên quan đến thương mại và xuất khẩu. Các mô-đun này có sẵn trên website: shetrades.com, bằng tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha và tiếng Pháp

Hoạt động trong nước: Cung cấp các hoạt động nâng cao năng lực và hỗ trợ phù hợp cho các nữ doanh nhân ở bốn quốc gia (Ấn Độ, Nigeria, Việt Nam, Mexico) thông qua các khoá đào tạo trực tuyến chuyên sâu, các buổi hội thảo tại chỗ về cố vấn và huấn luyện. Dự án cũng mở ra các cơ hội đầu tư và kinh doanh mới cho phụ nữ.

Tháng 11/2021, SheTrades Hub Việt Nam chính thức được thành lập, dưới sự điều hành của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương), mở ra một giai đoạn mới trong việc chuyển giao sự tự chủ vận hành tại Việt Nam.

Kể từ khi ra mắt tại Việt Nam, Dự án đã thực hiện thành công nhiều hoạt động, bao gồm các buổi hội thảo kỹ thuật (trực tiếp và trực tuyến), hội chợ thương mại, các hoạt động nâng cao năng lực, tổ chức cuộc thi Lập kế hoạch kinh doanh cho nữ doanh nhân. Các hoạt động tập trung vào các chủ đề: Chiến lược xuất khẩu, đóng gói bao bì, các điều khoản thương mại quốc tế, thương mại điện tử; Xây dựng chiến lược kỹ thuật số, tận dụng tiếp thị kỹ thuật số và tăng cường an ninh mạng; Khai phá tiềm năng thương mại điện tử và tạo thị trường trực tuyến của doanh nghiệp; Nâng cao năng lực ngành và khả năng cạnh tranh của phụ nữ trong lĩnh vực dệt, may và thủ công mỹ nghệ…

Đến nay, Dự án đào tạo, hướng dẫn cho hơn 700 phụ nữ làm kinh doanh; huấn luyện 1-1 cho 55 nữ doanh nhân trong các lĩnh vực kết nối tài chính, thương mại điện tử và hoạt động nâng cao năng lực khác. Thông qua các chương trình, hoạt động của Dự án, đã có 296.000 USD được giao dịch trong lĩnh vực kinh doanh và đầu tư; Sản lượng thương mại ước tính trị giá 2,3 triệu USD; 28 thị trường quốc tế mở cửa cho phụ nữ Việt làm kinh doanh. Đặc biệt, 93% doanh nhân nữ Việt Nam cho biết các chiến lược kinh doanh được cải thiện và phục hồi sau Covid-19.

Bà Anna Morie – Quản lý sáng kiến SheTrades, Trung tâm Thương mại Quốc tế (ITC) cho biết, việc thành lập dự án ở Việt Nam rất kịp thời. Với sự tham gia của những tổ chức quan trọng ở Việt Nam như cơ quan Chính phủ, ngân hàng, những công ty có sức mua lớn…, các nữ doanh nhân Việt Nam được hỗ trợ và trang bị kiến thức để phục hồi sau đại dịch.

Đánh giá cao các hoạt động của SheTrades, bà Lê Thị Minh Hoa – Chủ tịch Hiệp hội nữ Doanh nhân Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho biết: “Với vai trò là đơn vị phối hợp triển khai một số hoạt động, trong đó có Cuộc thi Phụ nữ với Kế hoạch kinh doanh thành công, chúng tôi cho rằng các hoạt động của SheTrades rất thiết thực, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của doanh nghiệp”.

Bà Bà Lê Thị Minh Hoa cũng đề nghị trong thời gian tới, SheTrades tăng cường các hoạt động về chuyển đổi số, hỗ trợ và giúp cho các doanh nghiệp ở các địa phương, các nữ doanh nhân ở các vùng sâu, vùng xa tiếp cận được với công nghệ tiên tiến, hiện đại, từ đó hỗ trợ các doanh nhân nữ nhiều hơn nữa, thiết thực hơn nữa.

Trong số gần 200 đại biểu tham dự Hội thảo cả trực tiếp và trực tuyến, rất nhiều doanh nghiệp nữ tại các tỉnh, thành phố bày tỏ sự quan tâm, mong muốn và tham dự các hoạt động hỗ trợ nâng cao năng lực để kinh doanh thành công hơn, đặc biệt là về lĩnh vực chuyển đổi số, tiếp cận với khách hàng một cách chuyên nghiệp, duy trì kết quả kinh doanh bền vững.

Đại diện các cơ quan thuộc Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chia sẻ thông tin về các chương trình và hoạt động hỗ trợ cho doanh nghiệp nói chung, doanh nhân nữ nói riêng đang được triển khai. Đại diện các ngân hàng, sàn thương mại điện tử, dịch vụ chia sẻ những khuyến nghị, giải pháp về thu xếp tài chính, quản trị đối với doanh nghiệp nữ…

Tại Hội thảo, Ban Cố vấn của Dự án gồm các lãnh đạo, chuyên gia đến từ các tổ chức, hiệp hội, doanh nghiệp uy tín đã ra mắt. Ban Cố vấn sẽ hỗ trợ Dự án SheTrades Việt Nam hoạt động theo định hướng bền vững, có sự gắn kết và hợp tác chặt chẽ với các đối tác, mang lại nhiều kết quả tích cực hơn nữa.

Theo Tapchicongthuong.vn

Next Post

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

PHỔ BIẾN