Ngân hàng hàng đầu Thái Lan tiến vào thị trường Việt cùng khát vọng thúc đẩy dịch vụ tài chính số Kasikornbank (KBank), một trong những ngân hàng thương mại lớn nhất Thái Lan với hơn 77 năm kinh nghiệm, đã quyết định ra mắt chi nhánh tại thị trường Việt Nam vào tháng 11/2021. Nhận thấy tiềm năng phát triển của Việt Nam trong lĩnh vực công nghệ tài chính, chi nhánh tại Việt Nam của ngân hàng này hướng tới kết nối, phục vụ không chỉ các doanh nghiệp Thái Lan tại Việt Nam, mà còn là giữa các doanh nghiệp nội địa và các doanh nghiệp nước ngoài khác sở hữu vốn đầu tư vào Việt Nam.
Talkshow Nguy Cơ ngày 01/12 được sản xuất bởi S-World và VnExpress chào đón sự xuất hiện của ông Chat Luangarpa – Phó Chủ tịch Điều hành Kasikornbank cùng sự dẫn dắt của host Thái Vân Linh – Nhà sáng lập và Giám đốc điều hành TVL Group. Vị doanh nhân cùng đội ngũ nhân sự của KBank đã có kế hoạch bước chân từ thị trường Việt Nam trong một thời gian dài và KBank chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh đã bắt đầu hoạt động vào tháng 11 năm 2021 thông qua nền tảng ngân hàng số.
Chia sẻ tại Talkshow Nguy Cơ, ông Chat cũng cho biết những nguyên nhân thúc đẩy KBank thâm nhập Việt Nam và những giải pháp công nghệ tài chính đặc thù cho riêng khách hàng Việt mà ngân hàng đem đến thị trường 100 triệu dân này. Ông cũng nhận định rằng, thị trường Việt sẽ còn rất nhiều cơ hội để phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai, đặc biệt là sự đóng góp của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, các nhà bán lẻ trong thúc đẩy nền kinh tế quốc gia.
Việt Nam là mắt xích kết nối trọng điểm của KBank ở Đông Nam Á
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế thế giới, mọi quyết định đầu tư đều cần được các doanh nghiệp cân nhắc kỹ lưỡng. Tuy nhiên, KBank vẫn lựa chọn tiến vào thị trường Việt Nam với mục tiêu dẫn đầu phân khúc khách hàng doanh nghiệp và khách hàng bán lẻ, phục vụ hơn 1,2 triệu khách hàng và giải ngân hơn 500 triệu đô la Mỹ vào năm 2023.
“Các quốc gia ASEAN ngày càng có sự kết nối mạnh mẽ. Sự tách biệt giữa phương Đông và phương Tây đã giúp Đông Nam Á trở thành nơi có động lực tăng trưởng toàn cầu mới. Vì vậy, Việt Nam sẽ trở thành nước dẫn đầu trong vòng tăng trưởng này”, ông Chat Luangarpa nhận định.
Theo vị Phó Chủ tịch, Việt Nam sở hữu thị trường nội địa rất lớn và có nhiều cơ hội để phát triển. Hiện tại, số lượng người dân chưa sử dụng các dịch vụ tài chính ngân hàng vẫn còn nhiều. Theo báo cáo của Merchant Machine có trụ sở tại Anh vào năm 2021, Việt Nam có đến 69% dân số chưa tiếp cận, sử dụng được các dịch vụ ngân hàng, tài chính. Đây hứa hẹn là một thị trường tiềm năng dành cho KBank hay các nhà đầu tư tài chính khác khi muốn mở rộng tại thị trường 100 triệu dân này.
Bên cạnh đó, Việt Nam là nơi sản xuất và xuất khẩu hàng hóa có giá trị cao rất mạnh, không chỉ với tư cách là các Nhà sản xuất thiết bị gốc (OEM) mà còn có các sản phẩm của các thương hiệu nội địa, do đó Việt Nam còn tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) và hoạt động xuất khẩu sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ hơn trong tương lai.
Tuy phải đối mặt với tình hình kinh tế toàn cầu đang đi xuống, vị đại diện cho rằng đây là hiện tượng toàn cầu mà tất cả mọi người đều bị ảnh hưởng, quốc gia nào thoát khỏi cuộc khủng hoảng đầu tiên sẽ là nơi có sự tăng trưởng mạnh mẽ. Ông kỳ vọng rằng Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục là một trong những nơi tuyệt vời nhất để hoạt động kinh doanh.
“Tất cả mọi nơi đều bị ảnh hưởng bởi hiện tượng (suy thoái) toàn cầu. Vì vậy, chúng ta không cần lo lắng quá về ngọn gió ngược này. Dĩ nhiên, mọi thứ sẽ chậm hơn một chút, nhưng cuối cùng mọi thứ vẫn phụ thuộc vào nền móng và động lực tăng trưởng tại mỗi quốc gia”, ông Chat chia sẻ về tình trạng suy thoái trong thời gian sắp tới.
Khi bước đầu hoạt động tại thị trường Việt Nam, KBank nhìn nhận được sự phát triển vượt bậc của các doanh nghiệp vừa và nhỏ, một trong những nguồn lực tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam. Theo thống kê, Việt Nam có đến hàng triệu doanh nghiệp vừa và nhỏ, đóng góp trên 40% cho nền kinh tế nước nhà và con số này sẽ tiếp tục tăng trưởng hơn nữa trong tương lai.
Tài chính ngân hàng là một trong những ngành có mức độ cạnh tranh rất khốc liệt tại thị trường Việt Nam. Theo TS. Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, từ 2016 cho đến thời điểm hiện tại, số lượng doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ tài chính tại Việt Nam đã tăng lên gấp 4 lần, từ 40 doanh nghiệp lên hơn 150 doanh nghiệp.
Ông Chat Luangarpa cũng chia sẻ về những yếu tố then chốt khiến khách hàng xem xét quyết định sử dụng, đầu tư vào một ngân hàng, đặc biệt là KBank. Theo đó, bên cạnh những yếu tố thông thường như sự uy tín, ổn định của ngân hàng, ông Chat khuyến nghị người tiêu dùng hay doanh nghiệp nên cân nhắc những ngân hàng có năng lực công nghệ mạnh, vì trong tương lai, công nghệ sẽ trở thành năng lực cốt lõi của không chỉ ngân hàng mà của mọi doanh nghiệp.
Đưa công nghệ đến vùng đất ngân hàng
Thông thường, các kỹ sư hay người làm trong lĩnh vực công nghệ không có nhiều quan tâm đến việc làm trong lĩnh vực ngân hàng. Họ mong muốn và ưu tiên làm việc trong các công ty công nghệ. Tuy nhiên, KBank quyết định đầu tư xây dựng một môi trường công nghệ, nơi các kỹ sư công nghệ có thể làm những công việc đặc thù với họ và hưởng những đãi ngộ phù hợp.
Công ty KBTG – chi nhánh công nghệ của KBank hiện đang sở hữu 2000 kỹ sư IT trong hệ thống của mình. Theo kế hoạch, khi chi nhánh KBTG được thành lập tại Việt Nam, công ty dự kiến thu hút hơn 100 kỹ sư IT làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Điều này hứa hẹn góp phần phát triển lĩnh vực công nghệ tài chính ở Việt Nam trong thời gian tới.
Host Thái Vân Linh nhận định rằng công nghệ chắc chắn là một lĩnh vực tăng trưởng tốt trong tương lai, và lĩnh vực này đòi hỏi sự đổi mới sáng tạo, liên tục tìm kiếm ý tưởng mới, những khái niệm mới để các doanh nghiệp có thể tiếp tục phát triển.
Xem công nghệ là năng lực cốt lõi, KBank hướng đến tập trung vào công nghệ tài chính, nhưng khi các thiết bị di động trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống, công ty không chỉ tập trung vào lĩnh vực ngân hàng, mà còn hiện diện các lĩnh vực khác như chăm sóc sức khỏe, giáo dục, mua sắm, v.v.
“Ở giai đoạn đầu, tại các thị trường mở rộng trong khu vực, chúng tôi phát triển chiến lược hợp tác, bởi vì chúng tôi biết rằng chúng tôi cần phải hòa mình vào đời sống của người dùng.”, ông Chat Luangarpa chia sẻ về định hướng phát triển của doanh nghiệp trong thời gian sắp tới.
Khi bước sang thị trường Việt Nam, yêu cầu đặt ra cho KBank chính là những sản phẩm, dịch vụ đáp ứng được nhu cầu và phù hợp với thói quen sử dụng của người Việt. Để đưa dịch vụ ngân hàng vào hệ sinh thái công nghệ của mình, KBank đã sử dụng một số phương pháp như hỗ trợ cho các nhà bán lẻ, doanh nghiệp vừa và nhỏ không chỉ trong kinh doanh truyền thống mà còn về mặt kinh doanh kỹ thuật số.
“Khi lựa chọn đầu tư vào bất kỳ ngành nào, chúng tôi cũng cân nhắc liệu nó sẽ hỗ trợ cuộc sống của người dân như thế nào, chứ không phải chỉ để tìm ra một công ty sẽ phát triển rất nhanh. Chúng tôi quan tâm đến yếu tố dài hạn”, vị Phó Chủ tịch cho biết.
Ông Chat cũng chia sẻ thêm, mặc dù KBank không nằm ngoài cuộc chơi khi đầu tư vào các công nghệ liên quan đến tài chính như blockchain. Tuy nhiên, ông cũng chia sẻ thêm, ngoài việc đầu tư vào nền tảng công nghệ này KBank còn lựa chọn chuyển trọng tâm vào việc chăm sóc sức khỏe, giáo dục, các ngành thương mại và logistics.
“Người dân cần được giáo dục, họ cần được chăm sóc sức khỏe, nhưng làm thế nào để có thể giảm bớt công sức thực hiện những nhu cầu trên? Chúng tôi tin rằng mô hình kinh doanh, kết hợp công nghệ vào các ngành này sẽ giúp việc vận hành trở nên hiệu quả hơn và cuộc sống của mọi người đều được cải thiện”, vị doanh nhân chia sẻ.
Hồng Nhung