Tối 24/5, Lễ hội sâm và hương liệu, dược liệu quốc tế TP Hồ Chí Minh năm 2024 đã được khai mạc. Lễ hội lần này quy tụ sự tham dự của 15 quốc gia và 20 tỉnh thành của Việt Nam, 160 doanh nghiệp trưng bày sản phẩm, mô hình trải nghiệm sâm và hương liệu, dược liệu, 40 gian hàng trải nghiệm ẩm thực.
Lễ hội có sự tham gia của các địa phương Quảng Nam, Kon tum, Gia Lai, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Nghệ An, Lào Cai, Lai Châu, Điện Biên với việc bố trí các mặt hàng, trưng bày các sản vật địa phương. Đặc biệt, Lễ hội thu hút 13 đoàn khách quốc tế và 32 doanh nghiệp đến từ các nước Canada, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Nhật bản, Ấn Độ và một số quốc gia Đông Nam Á có sản phẩm sâm và hương liệu, dược liệu tham gia.
Phát biểu khai mạc Lễ hội “Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế TP.HCM năm 2024”, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan nhấn mạnh, Việt Nam là nước có nhiều loại dược liệu quý được thế giới công nhận như cây hồi, cây quế, atiso, sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu, lan kim tuyến, tam thất hoang, thông đỏ, hoàng liên gai…… với việc hình thành những vùng trồng, sản xuất cây dược liệu có tính chuyên canh.
Đây là sự kiện quy mô quốc tế lần đầu tiên về Sâm và Hương liệu, dược liệu được tổ chức tại Thành phố Hồ Chí Minh Việt Nam chúng ta được thiên nhiên ưu ái ban tặng cho tiềm năng vô cùng to lớn về nguồn sâm và hương liệu, dược liệu đặc hữu quý hiếm.
Trên thế giới, Việt Nam đứng thứ 14 về độ đa dạng sinh học. Theo thống kê của Viện Dược liệu, nước ta có hơn 5.000 loài thực vật và nấm, 75 loại khoáng vật có công dụng làm thuốc. Trong số đó có nhiều loài dược liệu quý hiếm như Sâm Ngọc linh, Sâm Lai Châu, lan kim tuyến, tam thất hoang,..
Ban lãnh đạo và đoàn đại biểu Quốc Tế tham quan vườn Sâm Ngọc Linh
Ngoài ra, Việt Nam chứng kiến tốc độ tăng trưởng ấn tượng của ngành dược phẩm, đạt mức 8,5 tỷ USD trong năm 2023 và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng trong những năm tới. Với xu thế sử dụng các dược liệu thiên nhiên để chăm sóc sức khoẻ trên thế giới, chúng ta cần nắm bắt cơ hội để thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, qua đó đưa Việt Nam trở thành một trong các quốc gia chủ lực, nổi tiếng về sâm và hương liệu, dược liệu trên thế giới, đặc biệt với các loài sâm bản địa như Sâm Ngọc Linh – loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới và được xem như là Quốc bảo của Việt Nam. Để đạt được mục tiêu trên, ngành sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam cần vượt qua các thách thức, hiện đại hoá công nghệ chế biến, sản xuất, thương mại hoá hiệu quả các sản phẩm.
Ông Lê Trường Duy, Tập sự Phó Giám đốc Sở Ngoại vụ TP Hồ Chí Minh cho biết, hiện nay, bạn bè quốc tế biết đến Việt Nam như một nền kinh tế đang phát triển với nhiều nét đặc trưng, trong đó ngành sâm và hương liệu, dược liệu là một trong những ngành thế mạnh. Các sản phẩm này hiện nay được xuất khẩu sang các nước trên thế giới, đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế, văn hóa xã hội của đất nước.
Lễ hội Sâm và Hương liệu, Dược liệu Quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh năm 2024 sẽ là tiền đề thúc đẩy sự phát triển của ngành sâm, hương liệu, dược liệu, tạo cơ hội cho Thành phố cùng các địa phương, doanh nghiệp trong nước và quốc tế giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm và tìm kiếm đối tác, qua đó nâng cao giá trị, hình ảnh sâm của Việt Nam; đưa các sản phẩm sâm, hương liệu, dược liệu Việt Nam nói chung, “Quốc bảo Việt Nam” – Sâm Ngọc Linh nói riêng vươn tầm thế giới.
Sâm Ngọc Linh K5 là thương hiệu tiên phong về nhân giống và phát triển vườn Sâm Ngọc Linh lớn nhất Việt Nam. Được trồng hoàn toàn tự nhiên dưới tán rừng già, sâm Ngọc Linh K5 có những đặc điểm khác biệt cốt lõi so với các loại khác trên thị trường: sâm chỉ được thu hoạch khi đã đạt tối thiểu 10 năm tuổi. Đặc biệt, nhờ việc trồng hoàn toàn tự nhiên, không sử dụng bất kỳ biện pháp kích thích tăng trưởng nào như nhà lưới, nhà kính hay phân bón, các củ sâm Ngọc Linh K5 sau khi thu hoạch đảm bảo giữ nguyên được các dược chất tự nhiên vốn có. Nhờ đó, sản phẩm sâm Ngọc Linh K5 có chất lượng vượt trội, sở hữu những đặc tính dược liệu độc đáo, giúp tăng cường sức khỏe cho người sử dụng.
Rừng Sâm K5 sẽ được tái hiện trong không gian tự nhiên gần như thực tế, với rừng núi, cây cối và sông suối cùng những cây sâm Ngọc Linh đầy sức sống. Rừng sâm K5 là nơi cây sâm Ngọc Linh sinh trưởng trong điều kiện tự nhiên tuyệt đối, không hề dùng hóa chất hay bất kỳ phương pháp nhân tạo nào. Chính vì thế, đây là cơ hội hiếm có để khách tham quan được tận mắt chứng kiến và tìm hiểu về loại sâm quý báu sinh trưởng giữa lòng rừng già, thuần khiết và tràn đầy sinh lực, đồng thời thưởng thức các chế phẩm từ sâm K5 vừa được khai thác từ vườn Ngọc Linh trên núi cao ngay giữa lòng thành phố.
Việt Nam có nhiều tiềm năng phát triển ngành sâm, hương liệu và dược liệu. Nền y dược học cổ truyền, dược liệu nước ta ghi nhận tri thức sử dụng 5.117 loài thuộc 1.823 chi của 362 họ thực vật có giá trị làm thuốc chữa bệnh và chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Tổng sản lượng dược liệu trồng ở Việt Nam ước đạt khoảng 100.000 tấn/năm.
Tuy nhiên, nguồn lực đầu tư hiện nay vẫn còn hạn chế, các sản phẩm phần nhiều mang tính tự cung tự cấp, thiếu sự liên kết và đặc biệt là thiếu thông tin về thị trường quốc tế. Do đó, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách, cơ chế khuyến khích đầu tư phát triển ngành sâm và hương dược liệu. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình phát triển công nghiệp dược, dược liệu sản xuất trong nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mục tiêu tổng quát của Việt Nam là xây dựng ngành công nghiệp dược trong nước đạt mức độ phát triển ở trình độ cao, đạt cấp độ 4 theo thang phân loại của Tổ chức Y tế Thế giới, có giá trị thị trường trong top 3 ASEAN, bảo đảm cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc chất lượng, an toàn, hiệu quả và giá thành hợp lý 8 vùng dược liệu trọng điểm của Việt Nam theo quy hoạch bao gồm:
Tây Bắc, Đông Bắc, Đồng bằng sông Hồng, Bắc Trung Bộ, duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ. Riêng về sâm, theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc phát triển cây sâm và sản phẩm từ sâm còn chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của Việt Nam vì thiếu nguồn giống đảm bảo chất lượng hợp pháp, chưa tạo ra sự kết nối, hỗ trợ lẫn nhau giữa các ngành, các nguồn lực; thiếu cơ sở sơ chế, chế biến sâu và công tác quảng bá cũng như xúc tiến thị trường tiêu thụ,…
Trước tình hình đó, ngày 01/06/2023, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 611/QĐ-TTg phê duyệt chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045, chủ trương phát triển sâm thành thương hiệu quốc gia, đồng thời xây dựng thương hiệu quốc tế cho sâm Việt. Theo chỉ đạo của Chính phủ, các địa phương có tiềm năng, thế mạnh về sâm như Kon Tum, Quảng Nam, Gia Lai,… đang tập trung đầu tư nhằm phát triển cây sâm cũng như vùng nguyên liệu sâm tập trung, phấn đấu đạt khoảng 21.000 ha diện tích trồng sâm vào năm 2030.
Bảo tồn, phát triển, chế biến, thương mại ở quy mô hàng hóa là Sâm Ngọc Linh và Sâm Lai Châu. Công tác tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm cũng sẽ được tăng cường trong thời gian tới. Ngoài ra, Lễ hội còn có các hoạt động xúc tiến thương mại, du lịch và hội thảo chuyên đề bổ ích.
Trước đó, chiều 24/5, cũng trong khuôn khổ Lễ hội ‘Sâm và Hương liệu, Dược liệu quốc tế TP.HCM 2024’ , Hội thảo “Sâm và Hương liệu, Dược liệu Quốc tế TP.HCM 2024” đã diễn ra. Hội thảo gồm 2 phiên: (1) Ứng dụng khoa học công nghệ vào quy trình trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản Sâm và hương liệu, dược liệu tại Việt Nam; (2) Định hướng phát triển bền vững và hợp tác quốc tế ngành công nghiệp Sâm và hương liệu, dược liệu tại Việt Nam.
Thành phố Hồ Chí Minh là trung tâm kinh tế, tài chính, thương mại, văn hoá, khoa học – công nghệ, đổi mới sáng tạo, giáo dục – đào tạo của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước; là cửa ngõ giao thương quan trọng của Việt Nam. Giai đoạn năm 2016 – 2020, Thành phố Hồ Chí Minh tiếp tục dẫn đầu cả nước với GRDP tăng bình quân 6,4%, tỷ trọng kinh tế Thành phố đóng góp trên 22,2% kinh tế cả nước.
Nghị quyết số 31 của Bộ Chính trị ban hành năm 2022 đưa ra phương châm “Thành phố Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì Thành phố Hồ Chí Minh”. Với ý nghĩa trên, Thành phố nhận thức được rằng việc tổ chức các hoạt động lan tỏa giá trị hội nhập cùng các địa phương nói chung và hội thảo lần này nói riêng vừa là vinh dự, vừa là trách nhiệm của Thành phố.
Thông qua Hội thảo lần này, Thành phố rất mong muốn được nghe ý kiến, đề xuất và kinh nghiệm của quý vị về việc ứng dụng Khoa học Công nghệ vào quy trình trồng, sản xuất, chế biến, bảo quản sâm và hương liệu, dược liệu cũng như về tiềm năng hợp tác quốc tế trong lĩnh vực này. Những chia sẻ của quý vị sẽ góp phần hiện thực hóa chủ trương của nhà nước ta nhằm phát triển bền vững và hợp tác quốc tế ngành công nghiệp sâm và hương liệu, dược liệu tại Việt Nam.
P.V