GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, KTS là động lực tăng trưởng quan trọng nhất, giúp Việt Nam thoát bẫy thu nhập trung bình.
Việt Nam đang hướng tới mục tiêu KTS chiếm 20% GDP vào năm 2025 và chiếm 30% GDP vào năm 2030.
Trong cả giai đoạn 2020 – 2030, trung bình mỗi năm, chỉ riêng KTS sẽ đóng góp từ 6,88% đến 16,50% trong 100% tốc độ tăng năng suất lao động tổng thể của cả nền kinh tế.
Bởi vậy, đóng góp của KTS là rất quan trọng đến năng suất và hiệu quả của nền kinh tế trong thập kỷ tới. Bên cạnh đó, KTS còn là động lực mới cải thiện nhanh chóng năng suất lao động.
Tuy nhiên, trả lời câu hỏi liệu Việt Nam đã sẵn sàng để trở thành công xưởng thế giới về công nghệ số hay chưa, GS.TS Trần Thọ Đạt cho rằng, KTS Việt Nam còn một số bất cập khiến sự sẵn sàng này chưa như mong muốn.
Đó là, KTS kết nối tốt, giá cả hợp lý nhưng tốc độ còn chậm, kỹ năng số còn yếu và khung pháp lý chưa đồng bộ. Năng lực đổi mới sáng tạo còn yếu và mức độ của người sử dụng ông nghệ số chưa cao.
An ninh trong hoạt động KTS tốt nhưng bảo mật cá nhân chưa mạnh. Việt Nam đang đi sau về kỹ năng số trong nhóm dân số tham gia các hoạt động kinh tế xã hội.
Đáng chú ý, hiện chưa có đủ doanh nghiệp theo đuổi những ý tưởng đột phá khi tham gia vào hoạt động của KTS, bởi chu kỳ đổi mới sáng tạo đang bị rút ngắn trong nền KTS, doanh nghiệp có thể bị lỗi thời rất nhanh.
Chuyển đổi số có thể làm mất đi 1/3 việc làm hiện có ở Việt Nam. KTS có thể tạo ra việc làm mới nhưng với những kỹ năng khác. Điều này đòi hỏi toàn xã hội phải vào cuộc để thúc đẩy nền KTS cho phù hợp với yêu cầu.
Cụ thể, GS.TS Trần Thọ Đạt khuyến nghị, khu vực tư nhân tại Việt Nam cần duy trì lợi thế, với thử thách là cạnh tranh. Cần khuyến khích doanh nghiệp năng động đổi mới sáng tạo.
Bên cạnh đó, cho phép doanh nghiệp và người dân được tăng cường tiếp cận, truy cập thông tin trong sự cân đối giữa bảo mật cá nhân và an ninh của KTS. Bộ chỉ số đo lường kinh tế số phải được công bố định kỳ cho người dân.
Để thúc đẩy KTS, Chính phủ cần chia sẻ dữ liệu công trực tuyến, phát triển khả năng tương tác liên thông giữa các cơ sở dữ liệu. Khuyến khích khu vực tư nhân thu thập và chia sẻ dữ liệu khi các nền tảng và công cụ số mới làm giảm độc quyền của Nhà nước.
Có như vậy, Việt Nam mới khắc phục được tình trạng đứng ở vị trí phía cuối trong khu vực về kỹ năng số của lực lượng lao động.
Theo Doanhnghiepvn.vn