Phát triển bền vững mắc ca theo lộ trình
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), mắc ca là cây trồng nhập nội, mới được gây trồng, phát triển ở Việt Nam.
Theo Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050″ vừa được Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành ký, phê duyệt ngày 15.3.2022, Chính phủ yêu cầu việc phát triển vùng trồng mắc ca cần được nghiên cứu, triển khai từng bước thận trọng, trên cơ sở khoa học, thực tiễn vững chắc và nhu cầu của thị trường, gắn với nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, phù hợp với các chiến lược, quy hoạch…
Cả nước phát triển mắc ca thành ngành hàng sản xuất hiệu quả, bền vững, sản lượng mắc ca qua chế biến đạt khoảng 130.000 tấn hạt vào năm 2030, khoảng 500.000 tấn hạt vào năm 2050. Giá trị kim ngạch xuất khẩu sản phẩm mắc ca đạt khoảng 400 triệu USD vào năm 2030, khoảng 2,5 tỉ USD vào năm 2050, trong đó tỉ lệ sản phẩm mắc ca nguyên vỏ không vượt quá 40%.
Cả nước phấn đấu tổng diện tích mắc ca cả nước đạt từ 130.000-150.000ha vào năm 2030, đến năm 2050 phấn đấu đạt khoảng 250.000ha.
Tập trung chế biến sâu, nâng cao giá trị
Theo đề án của Chính phủ, đến năm 2030, khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca gắn với vùng trồng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc và Tây Nguyên. Nâng cấp 65 cơ sở hiện có và xây dựng mới khoảng 300-400 cơ sở sơ chế, chế biến, công suất mỗi cơ sở từ 100-200 tấn hạt/năm. Tạo điều kiện cho doanh nghiệp đầu tư xây dựng khoảng 8 nhà máy chế biến sâu các sản phẩm mắc ca có giá trị cao, công suất mỗi cơ sở từ 10.000-15.000 tấn hạt tươi/năm tại những địa phương có điều kiện thuận lợi.
Theo chỉ đạo của Chính phủ, sau năm 2030, các địa phương sẽ rà soát, đánh giá hệ thống cơ sở sơ chế, chế biến mắc ca để làm căn cứ định hướng quy mô phát triển các cơ sở sơ chế, chế biến phù hợp với các vùng nguyên liệu tại vùng Tây Bắc, Tây Nguyên và các vùng khác…
Các địa phương có điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với yêu cầu sinh thái của cây mắc ca tiến hành rà soát, đánh giá, xác định quy mô và quỹ đất phù hợp để trồng mắc ca, tích hợp vùng trồng mắc ca vào quy hoạch tỉnh; Nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách của địa phương theo hướng khuyến khích liên kết sản xuất, hình thành vùng trồng thâm canh cây mắc ca tập trung; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp đầu tư, phát triển mắc ca theo chuỗi giá trị, chế biến sâu, gắn với thị trường tiêu thụ.
Theo Laodong.vn