Việc giải quyết các tranh chấp liên quan đến tài sản bảo đảm của khoản nợ xấu tại ngân hàng vẫn còn hạn chế, không được thụ lý, giải quyết theo thủ tục rút gọn, gây ảnh hưởng tới quyền và lợi ích của các bên trong quá trình xử lý nợ xấu.
Tài sản đảm bảo nhưng “không đảm bảo”
Về nguyên tắc, khi khách hàng đặt quan hệ tín dụng với ngân hàng nếu vay vốn có tài sản bảo đảm thì khách hàng phải ký hợp đồng thế chấp tài sản. Khi khách hàng không trả nợ theo hợp đồng tín dụng đã ký thì ngân hàng có quyền xử lý tài sản đã thế chấp để thu hồi nợ.
Tuy nhiên, đại diện một ngân hàng thương mại chia sẻ, nhiều giao dịch bảo đảm của các tổ chức tín dụng, trong đó tập trung vào tài sản bảo đảm là quyền sử dụng đất bị Tòa án tuyên vô hiệu do giao dịch liên quan đến tài sản trước đó bị tuyên vô hiệu (giao dịch về mua bán, thừa kế, tặng cho… do bên bảo đảm thực hiện). Điều này xảy ra do các tổ chức tín dụng không thể biết, không có điều kiện để biết và cũng không thể lường trước được việc sẽ phát sinh tranh chấp liên quan đến quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản giữa Bên bảo đảm và Chủ sở hữu cũ. Không có quy định nào của pháp luật quy định tổ chức tín dụng phải có trách nhiệm thẩm tra các giao dịch chuyển giao trước khi tài sản được cơ quan Nhà nước cấp giấy chứng nhận; cũng như quy định tổ chức tín dụng có chức năng, thẩm quyền để thẩm tra nguồn gốc hình thành tài sản theo giấy chứng nhận đó.
Ngân hàng khó khăn trong xử lý tài sản đảm bảo thu hồi nợ xấu |
Đại diện một ngân hàng khác chia sẻ, ngân hàng gặp nhiều khó khăn trong quá trình xử lý nợ xấu do khách hàng sử dụng thủ tục phá sản để kéo dài quá trình giải quyết tranh chấp, né tránh nghĩa vụ trả nợ, gây khó khăn cản trở cho việc xử lý các vụ án. Bên cạnh đó, có ngân hàng phản ánh, thủ tục thẩm định tại chỗ yêu cầu phải mời đương sự, biên bản phải có chữ ký của đương sự nhưng thực tế nhiều trường hợp đương sự không hợp tác, không tham gia, không ký. Có tài sản là động sản như ô tô, tàu biển…, đương sự không chỉ chỗ thì không tìm được…
Tại hội thảo “Các vấn đề pháp lý liên quan đến hợp đồng tín dụng, hợp đồng thế chấp và giải quyết tranh chấp tại tòa án”, ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) cho biết, Hiệp hội đã nhận được nhiều đơn phản ánh từ các tổ chức tín dụng hội viên đề nghị can thiệp bảo vệ quyền lợi từ các vụ án tranh chấp kinh doanh thương mại, tín dụng, ngân hàng.
Chính vì thế, đại diện Agribank cho rằng, đấu giá là một trong các phương thức xử lý tài sản thế chấp được xem là tối ưu mà các ngân hàng lựa chọn khi xử lý tài sản bảo đảm thu hồi nợ. Do vậy, trên trang thông tin của các ngân hàng, những thông báo về lựa chọn bán đấu giá, thanh lý tài sản thế chấp liên tục xuất hiện, nhưng nhiều khoản nợ giá trị lớn dù hạ giá nhiều lần, rao bán trong nhiều năm vẫn “ế”.
Cần hành lang pháp lý đủ mạnh
Ông Nguyễn Thành Long, Chủ nhiệm câu lạc bộ Pháp chế Ngân hàng cho rằng, những vấn đề nêu trên ngoài nguyên nhân do những hạn chế, bấp cập trong các quy định của pháp luật, sự sai sót của một số cán bộ ngân hàng trong quá trình thẩm định cho vay, thì cũng phát sinh nhiều vướng mắc do quan điểm giải quyết tranh chấp của các cơ quan tố tụng từ khâu thụ lý đến quá trình giải quyết tại Tòa án các cấp còn rất khác nhau, chưa có sự thống nhất.
Vì thế, vị này đề nghị Tòa án áp dụng thống nhất quy định của Bộ luật Dân sự 2015 về bảo vệ người thứ ba trong các tình huống: giao dịch chuyển nhượng nhà đất trên cơ sở ủy quyền/đại diện; mở rộng áp dụng đối với các loại tài sản khác mà giao dịch chuyển nhượng đã tuân thủ quy định về chuyển nhượng đối với loại tài sản đó, trường hợp bên chuyển nhượng thực hiện giao dịch chuyển nhượng tài sản do bị lừa dối, ép buộc, nhầm lẫn.
Nhưng theo ông Nguyễn Hữu Chính, Chánh án Tòa án nhân dân TP Hà Nội, các ngân hàng cần lưu ý thẩm định tài sản thế chấp chặt chẽ; kiểm tra, giám sát tài sản thế chấp để tránh những phát sinh, vướng mắc dẫn đến việc giải quyết án tín dụng còn chậm.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Quốc Hùng cho rằng, hoạt động ngân hàng gắn liền với rủi ro và nợ xấu có thể thường xuyên phát sinh nên cần có dự phòng tài chính cho việc xử lý các khoản nợ xấu này. Nhưng với thực tế hiện nay, nếu chỉ có nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ, mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ ngân hàng và người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ. Không chỉ vậy, khi có hành lang pháp lý đầy đủ, các bộ, ngành, chính quyền địa phương cũng cần vào cuộc hỗ trợ tích cực trong việc xử lý nợ xấu của ngành ngân hàng.
Với thực tế hiện nay, nếu chỉ có nỗ lực của ngân hàng là chưa đủ, mà cần có hành lang pháp lý đủ mạnh để bảo vệ ngân hàng và người dân khi vay vốn ngân hàng phải có trách nhiệm trả nợ. |