Ngành dệt may ứng phó với rủi ro biến động thị trường xuất khẩu

Dệt may là một ngành chủ chốt của công nghiệp sản xuất tiêu dùng, góp phần đảm bảo nhu cầu tiêu dùng cho hầu hết ngành nghề và đời sống.

Tuy nhiên, ngành dệt may đang đối mặt với nhiều rủi ro, thách thức trong bối cảnh hậu COVID-19 và biến động thị trường. Đây là ý kiến của các chuyên gia tại chuỗi hội thảo chuyên ngành dệt may, thiết bị và nguyên phụ liệu do Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh và Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 29/7.

Các chuyên gia dẫn chứng, trong top 10 các quốc gia, khu vực nhập khẩu dệt may lớn nhất thế giới năm 2021, Liên minh châu Âu (EU), Mỹ và Nhật Bản là những nước dẫn đầu, đồng thời chiếm đến 62% tổng giá trị nhập khẩu may mặc toàn cầu, giảm 75% so với năm 2020. Giá trị nhập khẩu riêng lẻ của 3 nước này cũng giảm từ 8 – 14% so với năm 2019 do nhu cầu tiêu dùng giảm bởi dịch COVID-19.

Về bán lẻ và tiêu thụ may mặc thế giới, khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC), Bắc Mỹ và Tây Âu vẫn là thị trường tiêu thụ hàng may mặc lớn nhất thế giới, chiếm hơn 80% doanh số bán lẻ toàn cầu. Trong khi đó, Trung Quốc và Mỹ tiếp tục duy trì là hai cường quốc bán lẻ hàng may mặc lớn nhất và giữ khoảng cách xa quốc gia tại vị trí thứ 3.

Theo Phó giám đốc phụ trách Trung tâm Hỗ trợ hội nhập quốc tế TP. Hồ Chí Minh Huỳnh Minh Vũ, tình hình tiêu dùng tại một số thị trường suy giảm do lạm phát tăng cao ở các thị trường tiêu thụ dệt may lớn như Mỹ, EU….

Bên cạnh đó, diễn biến phức tạp của xung đột Nga – Ukraine khiến nguyên phụ liệu đầu vào trong ngành dệt may tăng cao. Nguy cơ tái bùng phát dịch COVID-19 bởi những biến chủng mới vẫn đang hiện hữu ở nhiều quốc gia và trên toàn cầu.
Cùng với đó, những đối tác thương mại quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản… vẫn đang áp dụng biện pháp nghiêm ngặt chống dịch, làm ảnh hưởng không nhỏ đến chuỗi cung ứng và tiêu thụ sản phẩm dệt may Việt Nam.
Đáng chú ý, ngành dệt may cũng bị ảnh hưởng do biến động tỷ giá trong hoạt động xuất khẩu, tình trạng thiếu lao động sau dịch bệnh…, cũng như những yêu cầu truy xuất nguồn gốc bông, vải, sợi và xanh hóa dệt may từ hàng loạt Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới.

Theo thống kê, Việt Nam đang tham gia và thực thi FTA với khoảng 60 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới nên những tác động từ gia tăng bảo hộ ngành sản xuất nội địa của quốc gia nhập khẩu tạo ra nhiều thách thức không nhỏ. Chính vì vậy, phòng vệ thương mại là một thực trạng cần được quan tâm với hầu hết doanh nghiệp xuất khẩu; trong đó, có doanh nghiệp ngành dệt may.

Tính đến nay, hơn 210 vụ việc phòng vệ thương mại được điều tra, áp dụng đối với hàng hóa xuất xứ của Việt Nam ra thị trường quốc tế. Riêng sản phẩm dệt may có 22 vụ việc và chủ yếu liên quan biện pháp chống bán phá giá và tự vệ, tập trung chính ở những quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ, Mỹ, Ấn Độ…

Cùng với những vụ việc này, tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa để hưởng ưu đãi thuế quan trong các FTA Việt Nam tham gia sẽ làm gia tăng nguy cơ bị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam.
Ông Phùng Gia Đức, Phó trưởng phòng Xử lý phòng vệ thương mại nước ngoài, Cục Phòng vệ thương mại cho biết, doanh nghiệp bị áp dụng biện pháp chống bán phá giá sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh, có nguy cơ mất một phần hoặc toàn bộ thị trường xuất khẩu cho ngành sản xuất trong nước. Trong hoạt động xuất khẩu, doanh nghiệp cần chủ động và tích cực phối hợp vì lợi ích chung của ngành sản xuất trong nước.

Để hạn chế rủi ro bị áp dụng phòng vệ thương mại, doanh nghiệp phải xây dựng hệ thống kế toán minh bạch, đảm bảo tiêu chuẩn trong và ngoài nước. Đồng thời, doanh nghiệp ngành dệt may nói riêng, cũng như các ngành khác nói chung cần lưu ý nghiên cứu và nắm vững quy định về phòng vệ thương mại.
Ở góc độ hiệp hội, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan Tp. Hồ Chí Minh Phạm Xuân Hồng cho rằng, xây dựng chuỗi cung ứng từ sản xuất đến thành phẩm là yêu cầu bức thiết trong bối cảnh hiện nay, cũng như đáp ứng xu hướng phát triển bền vững.

Dự báo trong thời gian tới thị trường nguyên phụ liệu diễn biến khó lường nên ngành dệt may Việt Nam cần kết nối cung – cầu với những giải pháp cụ thể, nhằm cùng nhau vượt qua những thách thức trong ngành như chia sẻ thông tin, chuyển giao công nghệ, đầu mối cung ứng nguyên phụ liệu chất lượng.

Theo TTXVN
Next Post

MỚI NHẤT

XEM NHIỀU

PHỔ BIẾN