Đó là phát biểu của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tại lễ thông xe kỹ thuật dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận vào ngày 19-1 tại Tiền Giang.
Tại buổi lễ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: “Nút thắt quan trọng nhất của ĐBSCL là giao thông, trước hết là tuyến cao tốc TP.HCM – Trung Lương – Mỹ Thuận – Cần Thơ trong nhiều năm chưa triển khai được.
Công trình này kéo dài do nhiều nguyên nhân, gây bức xúc cho hơn 20 triệu người dân ĐBSCL, ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển, ách tắc, tai nạn giao thông”.
Theo Chủ tịch nước, có được thành quả hôm nay chính là nhờ sự táo bạo trong việc chuyển dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận sang UBND tỉnh Tiền Giang làm cơ quan nhà nước có thẩm quyền, đồng thời quyết định thay đổi đơn vị tổng thầu xây dựng là Tập đoàn Đèo Cả tiếp nhận dự án.
“Đây là một quyết định táo bạo trong lúc công trường đang dở dang, rất phức tạp, kéo dài nhiều năm. Dù gặp nhiều khó khăn nhưng với ý chí, quyết tâm cao, sự chỉ đạo quyết liệt của trung ương, tỉnh Tiền Giang, sự vào cuộc của các nhà khoa học, đơn vị thi công, chúng ta đã thực hiện tốt lời hứa trước nhân dân ĐBSCL là sớm đưa công trình vào sử dụng, góp phần thuận lợi phát triển khu vực.
Đây là công trình thắng lợi của ý chí và quyết tâm, tinh thần trách nhiệm cao của chủ đầu tư, đơn vị thi công. Tất cả chúng ta đã vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành. Đây là thắng lợi của doanh nghiệp Việt Nam tự cường vươn lên về khoa học công nghệ và ý chí xây dựng đất nước”, Chủ tịch nước nói.
Ông Hồ Minh Hoàng – chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đèo Cả – cho biết hiện dự án đã hoàn thành tuyến chính, cơ bản hoàn thành các tuyến nối. Doanh nghiệp dự án sẽ phối hợp với Bộ Giao thông vận tải, UBND tỉnh Tiền Giang và các cơ quan kiểm soát các vấn đề an ninh trật tự trong quá trình tổ chức phục vụ xe đi trong dịp Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022, đảm bảo an toàn, thuận tiện cho người dân.
Tuyến cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận có vai trò đặc biệt quan trọng trong giao thương, kết nối khu vực ĐBSCL với TP.HCM và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Tuy nhiên, suốt gần 10 năm đầu triển khai, dự án phải 2 lần thay đổi nhà đầu tư, 3 lần thay đổi tổng mức đầu tư, 4 lần lùi thời hạn hoàn thành và chỉ đạt được 10% khối lượng.
Sau gần 3 năm tiếp nhận điều hành, Tập đoàn Đèo Cả đã nỗ lực đưa dự án cán mốc thông xe kỹ thuật.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu doanh nghiệp dự án tiếp tục hoàn thiện để khánh thành đúng quy định. Sau khánh thành, tiếp tục quản lý tốt công trình, khắc phục những điểm bất cập về chất lượng nếu có và đặc biệt là quyết toán, kiểm toán công trình theo đúng quy định pháp luật.
“Ngành giao thông vận tải tiếp tục đẩy nhanh tiến độ cầu Mỹ Thuận 2 và triển khai đảm bảo tiến độ, chất lượng tuyến cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ để toàn tuyến thông suốt và tiếp tục khởi công cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.
Đồng thời, sớm triển khai tuyến đường ven biển ĐBSCL và một số tuyến cao tốc khác. Các sân bay, cảng biển, cảng sông lớn, hệ thống logistics phải tiếp tục hoàn thiện để tạo điều kiện cho vùng lúa, trái cây, thủy sản lớn nhất cả nước có cơ hội phát triển, giảm chi phí.
Bộ Giao thông vận tải nghiên cứu xây dựng tuyến cao tốc tốc độ nhanh TP.HCM – Cần Thơ để phát triển chuỗi đô thị của TP.HCM và các tỉnh thành ở khu vực này… Từ đó, mọi người dân ở ĐBSCL có thể đi làm tại TP.HCM nhanh nhất từ đường cao tốc này, chứ không phải đều đổ dồn vào thành phố.
Các tỉnh miền Tây phải có một hệ thống giao thông từ đường sắt, đường bộ, đường sông, đường hàng không để có sự phát triển tốt hơn nữa trong thời gian tới, không phải bị động.
Từ hệ thống giao thông đó, chúng ta sẽ cải thiện môi trường đầu tư, phát triển các đô thị tại khu, cụm công nghiệp công nghệ cao, nâng cao giá trị chế biến sản phẩm nông nghiệp để tăng giá trị gia tăng, làm cho người dân miền Tây có cuộc sống ấm no, hạnh phúc”, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nói.
Dự án cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận nằm toàn bộ trên tỉnh Tiền Giang với điểm đầu là nút giao cao tốc tại xã Thân Cửu Nghĩa, huyện Châu Thành và điểm cuối là nút giao QL30, huyện Cái Bè (nối với tỉnh Đồng Tháp).
Tổng vốn dự án được điều chỉnh lần cuối là 12.228 tỉ đồng với việc bổ sung nhiều hạng mục công trình phụ, phục vụ chủ yếu là dân sinh trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, trong đó vốn ngân sách nhà nước tham gia là 2.186 tỉ đồng.