Mặt hàng Việt Nam nhập khẩu hàng triệu tấn trong năm 2022 đang chứng kiến nguồn cung bị đe dọa.14-03-2023.
Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong năm 2022, lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam đạt trên 5 triệu tấn, trị giá 2,81 tỷ USD, giảm 0,3% về lượng nhưng tăng 12% về trị giá so với năm 2021. Nhập khẩu khô đậu tương của Việt Nam chiếm 48,5% về lượng và 50,1% về trị giá trong tổng nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và nguyên liệu về Việt Nam.
Tại Việt Nam, khô đậu tương được sử dụng chính trong thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là trong ngành chăn nuôi heo. Đây là mặt hàng chủ chốt của ngành chăn nuôi và được coi là “cứu tinh” đối với ngành thịt lợn. Trong năm 2022, Việt Nam nhập khẩu khô đậu tương từ 12 thị trường, trong đó Achentina và Brazil là 2 thị trường cung cấp khô đậu tương lớn nhất.
Cụ thể, lượng nhập khẩu khô đậu tương từ thị trường Arghentina chiếm 58,5% tổng lượng khô đậu tương nhập khẩu trong năm 2022, đạt 2,93 triệu tấn. Lượng nhập khẩu khô đậu tương về Việt Nam trong năm 2023 từ thị trường này dự báo đạt trên 3 triệu tấn, trị giá 1,56 tỷ USD.
Giá nhập khẩu trung bình khô đậu tương trong năm 2022 ở mức 560 USD/tấn, tăng 12,3% so với năm 2021.
Tuy nhiên, nhà cung cấp chính của Việt Nam đang đứng trước những thách thức lớn. Từ trước đến nay, quê hương của Messi là nước xuất khẩu đậu nành hàng đầu và các mặt hàng khác như ngô, lúa mì và các loại ngũ cốc khác. Nhưng với mùa màng thất bát ở những đồng cỏ màu mỡ của Argentina, các chuyên gia trong ngành đã cắt giảm sản lượng nông nghiệp dự kiến của nước này xuống mức chưa từng thấy kể từ đầu thế kỷ này. Nhiệt độ tăng cao do biến đổi khí hậu gây ra đã bủa vây quốc gia này kể từ tháng 5/2022.
Theo dự báo mới nhất của USDA, sản lượng khô đậu tương toàn cầu niên vụ 2022/23 đạt 256,9 triệu tấn, giảm 1,6 triệu tấn so với dự báo trước đó.
Một nhà cung cấp lớn khác của thế giới cũng đang ghi nhận sức mua lớn từ thị trường Trung Quốc. Theo dữ liệu được Cục điều tra dân số Mỹ công bố mới đây, xuất khẩu đậu tương của Mỹ trong tháng 1/2023 đạt tổng cộng 8,56 triệu tấn. Con số này cao hơn gần 40% so với mức trung bình trong 5 năm và là mức cao thứ hai trong tháng kể từ sau tháng 1 năm 2021.
Sở dĩ xuất khẩu đậu tương của Mỹ tăng cao là do Trung Quốc đang tăng cường nhập khẩu mặt hàng này. Các lô hàng đậu tương từ Mỹ đến Trung Quốc đạt 5,7 triệu tấn trong tháng 1. Các chuyến hàng đậu tương của Mỹ sang Trung Quốc vẫn tiếp tục tăng trong tháng 2 và xuất khẩu sang tất cả các điểm đến trong tháng trước có thể đã tăng 30% so với bình thường do các nhà nhập khẩu đều đang mạnh tay gom.
Mặc dù sản lượng đậu tương đạt kỉ lục trong năm 2022 tăng so với năm 2021, tuy nhiên theo thống kê, tỷ lệ tự trồng đậu tương năm 2022 của Trung Quốc chỉ đạt 18,5%. Điều này cũng có nghĩa là tỷ lệ nhập khẩu đậu tương trong năm vừa qua của Trung Quốc lên tới 81,5% và khoảng cách giữa nguồn cung trong nước và nguồn cung nhập khẩu vẫn còn rất lớn.
Theo:Nguồn sống thị trường