Theo Tổng cục Thống kê, xuất khẩu đầu năm 2022 có nhiều chuyển biến tích cực khi dự báo số lượng đơn hàng mới quý I.2022 so với quý IV.2021 tiếp tục tăng với 83,2% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên, chỉ có 16,8% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Đơn hàng quý I.2022 tăng thấy rõ
Kết quả khảo sát của Tổng cục Thống kê về xu hướng sản xuất kinh doanh hàng quý với 6.500 doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và 6.975 doanh nghiệp ngành xây dựng – cho thấy việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19” theo Nghị quyết số 128 của Chính phủ đã có tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo.
Dự báo quý I.2022, tình hình tiếp tục khả quan hơn so với quý IV.2021 khi có tới 81,7% doanh nghiệp nhận định tình hình sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp tốt hơn và giữ ổn định (45,6% tốt hơn, 36,1% giữ ổn định), tỉ lệ doanh nghiệp dự báo khó khăn hơn giảm xuống chỉ còn 18,3%.
Dự báo số lượng đơn đặt hàng mới quý I.2022 so với quý IV.2021 tiếp tục tăng với 83,2% doanh nghiệp dự báo tăng và giữ nguyên (41,4% tăng, 41,8% giữ nguyên), 16,8% doanh nghiệp dự báo số lượng đơn đặt hàng mới giảm.
Ông Đỗ Xuân Lập – Phó chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, triển vọng xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ từ nay tới quý I.2022 rất khả quan. Bởi các thị trường xuất khẩu chính như Hoa Kỳ và các nước EU đang bắt đầu trong quá trình phục hồi sau dịch COVID-19.
Theo đó, xuất khẩu đồ nội thất văn phòng của Việt Nam sẽ tăng trưởng khả quan nhờ dịch trong nước đã được kiểm soát, nhu cầu trên thị trường thế giới tăng; nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm và thậm chí đến hết quý I.2022.
Ngành dệt may cũng đầy ắp đơn hàng xuất khẩu
Với ngành dệt may, đến hết quý I.2022 cũng đầy ắp các đơn hàng. Trao đổi với Lao Động, ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 cho biết, từ khi Chính phủ xác định sống chung với dịch và chính thức có hướng dẫn doanh nghiệp vừa phòng chống dịch, vừa phục hồi, phát triển kinh tế thì May 10 đã nỗ lực phấn đấu để hoàn thành, giải quyết những đơn hàng giao hàng muộn cho khách hàng của quý III.2021.
Hiện nay tất cả người lao động của May 10 đều làm việc hết công suất, thậm chí làm thêm giờ để hoàn thành những đơn hàng đã ký kết đến quý IV.2021. Một số đơn vị của May 10 cũng đã có đơn hàng đến hết quý I.2022.
“Với chính sách mới về chống dịch của Chính phủ và tinh thần làm việc của người lao động như hiện nay, chúng tôi tin rằng quý IV.2021 này May 10 không chỉ hoàn thành mục tiêu của quý IV.2021 mà có thể bù đắp sự giảm sút trong quý III.2021 do phải nghỉ giãn cách”, ông Thân Đức Việt cho hay.
Trong khi đó, Công ty cổ phần Dệt may Đầu tư Thương mại Thành Công (mã TCM) tổng kết tình hình kinh doanh tháng 11.2021 với doanh thu đạt xấp xỉ 12,8 triệu USD (tương đương 294,4 tỉ đồng), tăng nhẹ so với cùng kỳ năm ngoái và tăng hơn 10% so với tháng trước đó. Kết quả, Công ty báo lãi ròng đạt 143.096 USD, tương ứng 3,3 tỉ đồng.
Lũy kế 11 tháng đầu năm nay, TCM đạt doanh thu xấp xỉ 136,9 triệu USD và lãi ròng 5,1 triệu USD; tương ứng hoàn thành lần lượt 77% và 41% kế hoạch năm. Công ty cho biết thêm, hiện các đơn hàng đã được nhận đến quý II.2022 và đang chuẩn bị nhận đơn hàng cho quý III.2022.
Ông Phạm Xuân Hồng – Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TPHCM, nhận định, từ giờ đến hết quý I.2022, các doanh nghiệp dệt may không thiếu đơn hàng. Ông kỳ vọng năm 2022 xuất khẩu dệt may sẽ đạt 40 tỉ USD.
Tuy nhiên, vị này cũng cho biết, điều doanh nghiệp sợ nhất bây giờ là vấn đề nguồn lao động. “Sau dịp Tết âm lịch cũng thường có biến động khi công nhân về quê, thay đổi công việc. Cho nên, cốt yếu các doanh nghiệp phải đảm bảo được nguồn lao động để thực hiện các đơn hàng xuất khẩu.
Để làm được điều đó, mỗi công ty, mỗi doanh nghiệp cần có những chính sách khích lệ người lao động gắn bó với công việc”, ông Hồng nói.
Theo Laodong.vn
https://laodong.vn/kinh-te/nhieu-doanh-nghiep-ngap-don-hang-xuat-khau-den-het-quy-i2022-991582.ldo