Tình trạng xe khan hàng, bán “bia kèm lạc” diễn ra khá phổ biến tại Việt Nam trong vài năm qua, nhất là với các mẫu xe hot hoặc trong mùa cao điểm. Tuy nhiên, chưa khi nào tình trạng đó phổ biến như giai đoạn này, khi có đến cả chục mẫu xe rơi vào tình trạng loạn giá, khiến người mua gặp nhiều khó khăn mặc dù có sẵn tiền mua xe.
Chẳng hạn với thương hiệu Toyota, các đại lý đang không có sẵn các mẫu xe như Raize hay Veloz Cross để bàn giao cho khách. Nếu muốn nhận xe sớm, khách hàng buộc phải chấp nhận mua kèm các gói phụ kiện, với Raize là khoảng 10-20 triệu đồng trong khi Veloz Cross là khoảng 20-40 triệu đồng. Các gói “lạc” này chủ yếu gồm những phụ kiện quen thuộc như phím cách nhiệt, camera hành trình, các gói phủ gầm vv… với giá bán chênh khá nhiều so với giá mua bên ngoài.
Nhiều mẫu xe hot đang loạn giá tại Việt Nam.
Thậm chí từ 1/5 tới đây, Toyota cũng sẽ tăng giá hàng loạt mẫu xe, trong đó Raize tăng giá 20 triệu đồng, Vios tăng 5 triệu đồng, Camry tăng 18-21 triệu đồng, Corolla Cross tăng 16 triệu đồng.
Với thương hiệu Hyundai, hàng loạt xe của hãng này cũng đang được đại lý bán với mức chênh lớn như Santa Fe (40-70 triệu đồng), Tucson lên đến cả trăm triệu hay mẫu Creta mới ra mắt với mức chênh khoảng 20-40 triệu. Thậm chí, đại lý Hyundai còn yêu cầu khách trả thẳng tiền, không kèm phụ kiện.
Trong khi đó, khách mua 2 mẫu SUV đô thị của Kia gặp một tình trạng khó chịu là không biết khi nào mới có thể nhận xe. Với Kia Seltos, tình trạng chậm giao xe đã diễn ra từ năm ngoái nhưng chưa được cải thiện. Trên các hội nhóm, nhiều khách hàng bày tỏ bức xúc khi cọc xe đến vài tháng nhưng vẫn chưa thể nhận xe. Một số khác chọn phương án “quay xe” để tìm đến lựa chọn khác.
Sonet và Seltos cũng đã liên tục tăng giá trong thời gian qua, trong khi tốc độ giao hàng không được cải thiện.
Theo các chuyên gia trong lĩnh vực xe tại Việt Nam, nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tình trạng khan hàng nhiều mẫu xe hot tại Việt Nam là do ảnh hưởng của chuỗi cung ứng toàn cầu. Tình trạng này đã diễn ra từ năm ngoái, ảnh hưởng lớn đến việc sản xuất, kinh doanh của các hãng xe lớn và chưa thể sớm khắc phục trong năm nay. “Với các mẫu xe mới ra mắt, ảnh hưởng sẽ còn lớn hơn bởi xe mới đồng nghĩa với những linh, phụ kiện mới, không có sẵn tồn kho để dự trữ. Do đó, hầu hết xe mới ra mắt tại Việt Nam đều bị khan hàng. Với các mẫu xe hot, việc thiếu hàng là không thể tránh khỏi”, Ngọc Tuấn – chuyên gia ô tô cho biết.
Ông Tuấn cho biết thêm có nhiều chiếc xe đã được sản xuất xong xuôi, xếp hàng trong xưởng chỉ để chờ một vài con chip, một vài linh kiện nhỏ còn thiếu để hoàn thiện nhưng không thể bàn giao cho đại lý vì thiếu linh kiện.
Một nguyên nhân khác dẫn đến những “rối loạn” nhất định của thị trường xe Việt Nam gần đây chính là việc chính phủ ban hành nghị định 13, hỗ trợ giảm 50% phí trước bạ cho xe lắp ráp trong nước trước ngày 31/5. Nhiều người có xu hướng chọn mua xe ở thời điểm này để tiết kiệm chi phí. Tính trung bình với một mẫu xe có giá khoảng 600-800 triệu đồng, người mua xe có thể tiết kiệm được 5-6% giá lăn bánh của xe – tương đương 30-46 triệu đồng.
Ngoài ra, sau 2 năm bị “nghẽn” đi lại do ảnh hưởng của đại dịch, nhu cầu mua xe của người dùng chắc chắn tăng cao trong năm nay, dẫn đến hiện tượng cầu có thể vượt quá cung trong tức thì.
Mua xe không biết ngày nhận xe, mua xe phải “gánh” thêm các món phụ kiện không ưng ý khiến nhiều người bức xúc. Tuy nhiên, các chuyên gia dự đoán tình trạng này chưa thể sớm kết thúc tại thị trường Việt Nam. Do đó, cách tốt nhất, theo các chuyên gia, là người dùng nên chuẩn bị tốt hơn cho việc mua xe của mình.
“Với các mẫu xe mới, người mua có thể chọn cách cọc mua từ khi xe chưa ra mắt để giữ chỗ sớm, nhận xe ngay khi về nước. Người mua cũng có thể tìm đến các lựa chọn tương đương khác, thay vì chỉ tìm đến một số mẫu xe nhất định, vốn đang bị đẩy giá lên cao do nhu cầu lớn. Hiện, khá nhiều mẫu xe đang áp dụng các chương trình giảm giá, có giá tốt để mua thay vì phải mua bia kèm lạc”, ông Tuấn kết luận.