Công nhân Công ty CP Chế biến lâm sản Phú Thành (Bá Thước) sơ chế nguyên liệu tre, luồng. Ảnh: Lê hợi
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 178 doanh nghiệp, cơ sở chế biến lâm sản, với các sản phẩm chủ yếu là gỗ ép MDF, gỗ ván bóc, gỗ ghép thanh, ván sàn công nghiệp, đồ mộc gia dụng, dăm gỗ… Một số doanh nghiệp đã đầu tư nhà máy chế biến gỗ có công suất lớn, như: Nhà máy chế biến gỗ Thành Nam, công suất 180.000m3 sản phẩm/năm; Công ty TNHH Công nghiệp gỗ Thanh Hoa, công suất 30.000m3 ván ép; Nhà máy gỗ Đạm Xuân, công suất 20.000m3 gỗ xẻ/năm; Công ty TNHH Thanh Thành Đạt, công suất 30.000m3 ván sàn/năm, với các sản phẩm đồ gỗ nội thất, gỗ MDF, ván ép công nghiệp, ván ghép thanh, dăm gỗ, mộc gia dụng… Ngoài ra, trên địa bàn các huyện miền núi có 50 cơ sở chế biến tre, luồng, tập trung chủ yếu ở các huyện Quan Hóa, Quan Sơn, Lang Chánh, Bá Thước… với các sản phẩm chủ yếu là đũa tre, mành tre, chiếu tre, tăm tre, ván ghép, viên tre nén, than hoạt tính, bột giấy, hàng mây tre đan… Một số doanh nghiệp đầu tư sản xuất tre, luồng lớn, như: Công ty TNHH T&T, Công ty TNHH tre Xứ Thanh, Công ty Xuất khẩu Phương Đông, Công ty CP BWG công suất 100.000m3 tre ép tấm công nghiệp/năm và 144.000 tấn viên tre ép công nghiệp/năm (chế biến luồng có chứng chỉ FSC), Công ty CP Ngọc Sơn (chế biến nứa vầu có chứng chỉ FSC), công suất 80.000 – 120.000 tấn sản phẩm/năm. Thị trường xuất khẩu tre, luồng và các sản phẩm từ tre, luồng chủ yếu là Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan, Malaysia, châu Âu, Mỹ… Đến nay, đã có 1 sản phẩm “Ống hút tre” của Công ty TNHH VIBABO tại xã Tân Thành (Thường Xuân) được xếp hạng sản phẩm OCOP cấp tỉnh 4 sao. Trên địa bàn tỉnh cũng liên kết giữa người trồng rừng và các cơ sở chế biến, tiêu thụ sản phẩm, với 4.525,74 ha rừng trồng gỗ được cấp chứng chỉ rừng FSC gắn với bao tiêu sản phẩm từ rừng. Có 2 doanh nghiệp liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ, cấp chứng chỉ FSC cho rừng tre, luồng (5.414 ha được cấp FSC): Công ty CP Ngọc Sơn, với nhóm hộ huyện Quan Sơn (69 hộ/3.045 ha rừng luồng, vầu); Công ty CP BWG Mai Châu với nhóm hộ huyện Quan Hóa (545 hộ/2.369,6 ha rừng luồng)… Tuy nhiên, hiện nay tăng trưởng của ngành chế biến lâm sản vẫn chưa bền vững, lợi nhuận thấp, sức cạnh tranh yếu, tiềm năng tài nguyên rừng chưa được khai thác bền vững. Gỗ rừng trồng năng suất và chất lượng chưa cao, chưa đáp ứng đủ nhu cầu nguyên liệu gỗ lớn cho công nghiệp chế biến và xuất khẩu; một số địa phương, người dân khai thác rừng luồng quá mức nên một số nơi bị suy thoái. Diện tích rừng trồng nhỏ lẻ, manh mún, phân tán; rừng trồng sản xuất chủ yếu kinh doanh gỗ nhỏ cung cấp nguyên liệu băm dăm, một số nơi dân tự trồng mật độ quá dày làm cho tăng trưởng của rừng kém, giá trị thu nhập trên đơn vị diện tích rừng chưa cao. Các nhà máy chế biến chưa gắn kết với vùng nguyên liệu, chủ yếu thu mua tự do, trôi nổi và qua các đầu mối trung gian, không đáp ứng đủ nguyên liệu cho sản xuất. Các sản phẩm lâm sản chủ yếu là thô hoặc nguyên liệu trung gian; chưa có nhiều sản phẩm chế biến sâu, giá trị hàng hóa sau chế biến chưa cao. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa đồng bộ, công nghệ chế biến chưa hiện đại, công nghệ còn lạc hậu. Tình trạng xả thải chưa qua xử lý ra môi trường tại các cơ sở chế biến lâm sản vẫn còn xảy ra, nhất là các cơ sở chế biến nhỏ lẻ. Nhằm hướng tới phát triển lâm sản có chiều sâu theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo ra sản phẩm chất lượng cao, các địa phương đang tích cực xây dựng và phát triển liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị sản phẩm, từ khâu liên kết đến tiêu thụ, giữa người trồng rừng và cơ sở chế biến. Hỗ trợ, tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng thương hiệu sản phẩm lâm sản; giới thiệu và quảng bá những sản phẩm gỗ và lâm sản ngoài gỗ của tỉnh ra thị trường… Đẩy mạnh xây dựng thương hiệu cho các doanh nghiệp sử dụng gỗ từ rừng được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC và các sản phẩm từ gỗ được chứng nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Các cơ sở chế biến lâm sản đẩy mạnh ứng dụng công nghệ hiện đại, đa dạng các sản phẩm, tăng cường năng lực thiết kế, tạo dáng, mẫu mã sản phẩm, xúc tiến thương mại nhằm giảm tỷ lệ sản phẩm chế biến thô, sản phẩm chế biến từ nguyên liệu gỗ nhỏ, giảm cơ sở chế biến quy mô nhỏ thủ công. Tập trung vào sản xuất các hàng hóa phục vụ nhu cầu thiết yếu, như: Sản phẩm mộc xây dựng, mộc gia dụng, đồ gỗ trang trí, ván gỗ nhân tạo… Đồng thời, phát triển các sản phẩm có ưu thế bằng nguồn nguyên liệu gỗ được khai thác từ rừng đã được cấp chứng chỉ quản lý rừng bền vững FSC để xuất khẩu.
Theo baothanhhoa.vn